Xúc tu bạch tuộc thò ra từ miệng cá heo Gilligan. Ảnh: National Geographic. |
Con cá heo mũi chai Ấn Độ Dương tên Gilligan là trường hợp động vật biển có vú đầu tiên chết do ngạt thở vì nuốt chửng bạch tuộc, theo National Geographic. "Nó dường như vô cùng háu ăn và nghĩ rằng 'Mình biết mình có thể nuốt trọn toàn bộ''', trưởng nhóm nghiên cứu Nahiid Stephens, nhà nghiên cứu bệnh học ở Đại học Murdoch tại Perth, Australia, suy đoán.
Khi xác con cá heo đực nhỏ tuổi, tìm thấy trên một bãi biển cách Perth hai tiếng lái xe về phía nam, được đưa tới phòng thí nghiệm của Stephens để khám nghiệm tử thi vào tháng 8/2015, những chiếc tua của bạch tuộc Maori vẫn thò ra bên ngoài miệng nó. Các nhà nghiên cứu từng quan sát những con cá heo khác giết và ăn thịt bạch tuộc trước đây, do đó Stephens tiến hành khám nghiệm tử thi để tìm hiểu về nguyên nhân tử vong, đặc biệt do Gilligan ở trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh.
Đầu tiên, Stephens phải lấy xác bạch tuộc ra. "Đó thực sự là một con bạch tuộc khổng lồ. Tôi cứ kéo mãi và nghĩ 'Chúa ơi! Vẫn còn nữa''', Stephens chia sẻ. Theo nhà nghiên cứu, chiều dài giữa hai chiếc xúc tu của con bạch tuộc là 1,3 mét.
Ca khám nghiệm được mô tả trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Marine Mammal Science hé lộ vấn đề nảy sinh khi Gilligan nuốt chửng bữa ăn cuối cùng của nó. Cá heo có thể tháo rời nắp thanh quản, vành mô mềm nối thanh quản với lỗ phun nước để mở rộng cổ họng và nuốt chửng thức ăn lớn.
Stephens cho biết con bạch tuộc nặng hai kilogram dường như đã dùng xúc tu bám chặt vào thanh quản của Gilligan, ngăn cơ quan này nối lại với đường hô hấp của con cá heo, khiến nó ngạt thở tới chết. "Về lý thuyết, con bạch tuộc có thể đã chết, nhưng giác hút của nó vẫn hoạt động. Con bạch tuộc giành chút thắng lợi cuối cùng", Stephens nói.
Theo Kate Sprogis, nghiên cứu sinh ở Đại học Murdoch, người không tham gia vào nghiên cứu, bạch tuộc không phải con mồi dễ nuốt chửng. Trong khi nghiên cứu quần thể cá heo gần Bunbury, nơi Gilligan chết, Sprogis quan sát thấy cá heo hất văng bạch tuộc trong không trung nhằm làm mềm loài động vật không xương sống, chia chúng thành những mẩu nhỏ dễ tiêu hóa hơn. "Đó là hoạt động đòi hỏi nhiều sức lực đối với cá heo", Sprogis cho biết. Trong khi đó, bạch tuộc sẽ cố bám vào đầu cá heo.
Sau khi quăng quật con mồi, cá heo thường cắn đứt đầu bạch tuộc, dù cuộc chiến chưa chấm dứt hẳn, những xúc tu bạch tuộc vẫn ngọ nguậy một lúc. Gilligan rõ ràng chưa quăng quật đủ lâu, nó trở nên hơi tự mãn và nuốt chửng con mồi, Sprogis suy đoán. Cái chết độc nhất của Gilligan có thể là trường hợp đầu tiên thu hút sự chú ý của các nhà khoa học, nhưng chắc chắn những tai nạn tương tự sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai.