Theo thông lệ, ngày ông Công ông Táo là 23 tháng Chạp, rơi vào ngày 25/1/2022. Lễ cúng thường được thực hiện vào trưa 23 tháng Chạp. Tuy nhiên ngày nay, tùy vào điều kiện, nhiều gia đình có thể tiễn ông Công ông Táo vào ngày 21, 22 tháng Chạp, chỉ cần cúng xong trước 23h ngày 23/12 (Âm lịch).
Theo tín ngưỡng dân gian, giờ Ngọ (11h-13h) ngày 23 tháng Chạp là thời điểm các Thần Bếp quy tụ để chuẩn bị về trời. Nên đây được coi là khung giờ linh thiêng, thích hợp nhất để đưa tiễn ông Công, ông Táo lên gặp Ngọc Hoàng.
Tùy vào phong tục từng miền, cũng như quan niệm từng vùng nên mâm lễ cúng ông Táo, ông Công có phần khác nhau. Trong văn hóa của người Việt, ông Công là thần thổ công cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà. Ông Táo là vị thần trông coi việc bếp núc, vì vậy lễ cúng cần được tiến hành ở dưới bếp.
Nếu gia đình nào không có ban thờ ông Công ông Táo riêng thì nên thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo ở ban thờ Thần Linh hoặc gia tiên chứ không nên đặt trong nhà bếp.
Trên thực tế, không có một tài liệu nào quy định rõ ràng về việc vị trí đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở đâu bởi còn khá nhiều quan niệm khác nhau xoay quanh vấn đề này. Tuy nhiên lễ cúng bái luôn là một trong những việc yêu cầu sự trang nghiêm, chính vì thế lễ cúng ông Công ông Táo cũng nên được thực hiện ở nơi trang trọng.
Các cụ xưa cúng ông Công ông Táo thường sắm lễ Táo quân bày biện như sau:
- Hương thơm.
- Hoa tươi (hoa cúc vàng).
- 3 quả cau, 3 lá trầu.
- Đĩa ngũ quả (5 loại quả 5 màu).
- 1 bao thuốc + 1 gói chè cúng.
- 1 chén rượu, 1 chén trà khô, 1 chén nước, 1 chén gạo, 1 chén muối
- Đồ ngọt (bánh mứt kẹo, bánh cốm, bánh vừng...) bày vào đĩa to.
- 1 đĩa xôi và 1 con gà luộc.
- 1 mâm cơm canh có 3 loại thịt.
Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ như trên hoặc cúng đơn giản hơn, không nhất thiết phải có đầy đủ các món mặn theo truyền thống. Nếu là cỗ chay thì đơn giản với hoa quả, trầu cau, vàng mã để tiễn Táo quân về trời.