Trong bán kính vài trăm mét, OYO - đối thủ với mô hình kinh doanh tương tự Reddoorz, cũng 'bủa vây' bằng 3 khách sạn, gồm 2 trên đường Ký Con và một trên đường Nguyễn Thái Bình, giá phòng cũng phải chăng từ 350.000 - 550.000 đồng mỗi đêm.
Điều trùng hợp là cả OYO và Reddoorz đều chọn màu đỏ làm nhận diện thương hiệu, từ logo đến chi tiết trang trí trong phòng nghỉ. Quan trọng hơn, cả hai đang tích cực mở rộng hệ thống ở Việt Nam.
Bên trong một phòng khách sạn của Reddoorz trên đường Đặng Thị Nhu, quận 1, TP HCM.
Reddoorz chào sân vào cuối tháng 3/2019, trước OYO tầm 3 tháng. Khi ra mắt, chuỗi khách sạn theo mô hình nhượng quyền đến từ Singapore có 40 khách sạn ở TP HCM. Đến nay, hệ thống này đã có hơn 70 khách sạn tại đây.
"Chúng tôi hướng đến xây dựng một hệ sinh thái cho khách du lịch, giúp họ dễ dàng tìm thấy lựa chọn lưu trú chất lượng nhất với mức giá tốt nhất" – Amit Saberwal, CEO RedDoorz nói.
Cuối tháng 6/2019, OYO cũng gia nhập thị trường Việt Nam. Ngày 'lộ diện', chuỗi khách sạn lớn nhất Ấn Độ có trong tay 90 khách sạn nhượng quyền tại 6 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu và Nha Trang và tuyên bố sẽ rót 50 triệu USD.
"Việt Nam là thị trường quan trọng của chúng tôi. Chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh ra 10 thành phố, với hơn 20.000 phòng độc quyền vào cuối 2020", ông Dushyant Dwibedy - Tổng giám đốc OYO Việt Nam nói.
Vốn là sân chơi bị bỏ ngỏ, sự xuất hiện của OYO và Reddoorz ở phân khúc khách sạn bình dân, trung cấp, tức từ 3 sao trở xuống, khiến thị trường chứng kiến cuộc đối đầu 'tay đôi' tương tự như Uber - Grab thời thị trường gọi xe mới khai mở. Có ít nhất 4 điểm để thấy OYO với RedDoorz có thể được xem là 'Uber-Grab trong ngành khách sạn'.
Thứ nhất, cả hai đều là startup nước ngoài và tận dụng những thành tựu của công nghệ để ứng dụng vào một ngành đã có lâu đời. Hai startup này hoàn thiện hệ thống công nghệ để khách sạn nhận nhượng quyền ứng dụng vào quy trình quản trị, cũng như cung cấp nguồn khách cho đối tác nhờ hệ thống đặt phòng, chạy các chiến dịch truyền thông, quảng cáo..
Dữ liệu lớn (Big Data) đóng vai trò không thể thiếu. Ví dụ, RedDoorz có một hệ thống độc quyền tên gọi RedFox, tập hợp một loạt thông tin và dự đoán nhu cầu để đưa ra giá phòng phù hợp, tương tự kiểu giá dựa theo nhu cầu giờ cao điểm của các ứng dụng gọi xe.
Một phòng của OYO trên đường Ký Con, quận 1, TP HCM.
Thứ hai, cả hai không trực tiếp sở hữu mà hợp tác nhượng quyền với chủ sở hữu khách sạn rồi thu phí nhượng quyền hoặc ăn chia doanh thu. Các khách sạn khác nhau về chất lượng, nhưng hai công ty nỗ lực kéo chúng theo các chuẩn chung. Ví dụ, nhấn mạnh vào rap trải giường và khăn sạch, Internet nhanh và nước uống an toàn.
"Các chủ sở hữu bất động sản đã nhìn thấy được những lợi ích và giá trị trong việc hợp tác cùng OYO Hotels thông qua những kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng, như tỉ lệ lấp đầy phòng tăng hơn 30%, doanh thu trên số phòng sẵn sàng bán (RevPAR) và lợi nhuận tăng 2,5 lần", ông Ritesh Agarwal - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành OYO Hotels & Homes nói.
Thứ ba, cả hai đang đặt tham vọng lớn tại Việt Nam. Nếu OYO chuẩn bị gói 50 triệu USD và muốn có 20.000 phòng vào cuối năm tới thì RedDoorz đặt mục tiêu mở rộng ra thêm 3 thành phố là Vũng Tàu, Đà Nẵng và Hà Nội, để nâng tổng số khách sạn RedDoorz lên con số 200 ngay trong năm nay. Công ty định tăng gấp đôi con số nhân sự tại văn phòng Việt Nam lên 120 người.
Thứ tư, cả hai đều được sáng lập bởi các doanh nhân Ấn Độ và đang gọi được vốn đầu tư khá tốt. RedDoorz được sáng lập bởi Amit Saberwal vào tháng 10/2015 và đang có hơn 700 khách sạn tại Singapore, Indonesia, Phillipines, Việt Nam. Trong khi RedDoorz là 'đại gia' khách sạn ở Đông Nam Á thì OYO là 'gã khổng lồ' toàn cầu, sáng lập bởi Ritesh Agarwal năm 2013.
OYO vừa vươn lên vị trí chuỗi khách sạn lớn thứ 3 thế giới, dựa vào số lượng phòng. Đến tháng 6/2019, hệ thống có trên 850.000 phòng, vượt qua các công ty như IHG, Accor, Wyndham và chỉ còn đứng sau Marriot và Hilton về số phòng. Tổng tài sản của OYO hiện khoảng 1,5 tỉ USD.
Hiện tại, hậu thuẫn OYO Hotels gồm Airbnb, SoftBank Vision Fund, Greenoak Capital, Sequoia Capital, và Hero Enterprise. Trong khi đó, RedDoorz đã gọi được tổng cộng 69,4 triệu USD từ 500 Startups, International Finance Corp (thuộc World Bank) và một quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu.
Quy mô thị trường khách sạn bình dân ở các nước Đông Nam Á. Đơn vị: tỷ USD
Tại Đông Nam Á, phân khúc khách sạn bình dân, trung cấp đang tăng trưởng đều đặn. Dữ liệu của Euromonitor International cho biết thị trường 6 nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã tăng 18% lên 9,5 tỉ USD trong 5 năm qua.
"Các nhà khai thác như Oyo và RedDoorz tận dụng một phân khúc chưa được phục vụ, từng là một thị trường tồi tệ với các nhà nghỉ nhỏ lẻ, giường tầng và không đạt chuẩn. Cả hai, trong khu vực địa lí tương ứng của họ, đã thành công bằng cách cung cấp dịch vụ chất lượng phù hợp với giá cả", Pauline Chong - Người đứng đầu Cento Ventures (Singapore) nhận xét trên Nikkei Asian Reviews.
Hiện nay, cuộc đối đầu của OYO và RedDoorz tại Indonesia là căng thẳng nhất. Nhiều người liên tưởng với Grab và Go-Jek tại thị trường này, nhưng nhà sáng lập Amit Saberwal không nghĩ vậy, dù ông bảo không ngại cạnh tranh với OYO.
"Đó là một góc độ thú vị để suy nghĩ khi so sánh với cuộc đối đầu của Go-Jek và Grab, nhưng không phải thế", Amit Saberwal nói rằng trong ngành gọi xe, rất dễ để tài xế lẫn hành khách bỏ ứng dụng này để qua ứng dụng khác, còn khách sạn thì không.
"Trong trường hợp của chúng tôi, tài sản là thương hiệu. Mọi người biết điều đó. Vì vậy, chi phí chuyển đổi rất cao cho chủ sở hữu. Phía người tiêu dùng cũng vậy. Họ sẽ không đổi lấy 1-2 USD nếu khách sạn đã gần nơi làm việc", ông nói.