Chuyện tình dang dở của các góa phụ Việt và binh lính Nhật | |
Nhật Hoàng dự kiến thăm Việt Nam vào đầu tháng 3 |
Nhật hoàng Akihito thời niên thiếu. Ảnh: Getty |
Nhật hoàng Akihito sinh ngày 23/12/1933 ở Tokyo. Ông là con trai đầu của Hoàng đế Hirohito và Hoàng hậu Kojun. Ông có 4 chị gái, một em trai và một em gái.
Thuở nhỏ, Nhật hoàng Akihito học tiểu học và trung học ở trường Gakushuin dành riêng cho Hoàng gia, nơi sau này trở thành một hệ thống trường tư thục. Khi học tiểu học, ông phải tạm thời rời Tokyo với các bạn cùng lớp vì chiến tranh. Ông từng có những ngày tháng sống ở vùng núi Nikko khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945.
Năm 1952, ông học tập tại Khoa Khoa học Chính trị và Kinh tế của trường Đại học Gakushuin. Cùng năm, ông bắt đầu đảm nhận các trọng trách của một Hoàng Thái tử. Những năm sau đó, ông có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên khi dự lễ đăng quang của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và tới nhiều quốc gia ở Bắc Mỹ và châu Âu. Ông hoàn tất chương trình trình đại học vào 1956.
Ngoài quá trình học tập chính thức, Hoàng đế Akihito còn học nhiều môn khác, từ Lịch sử tới Hiến pháp Nhật Bản.
Ngày 10/4/1959, Hoàng Thái tử Akihito kết hôn với Michiko Sho-da, con gái của một doanh nhân nổi tiếng. Bà Michiko, sinh ngày 20/10/1934, là nữ thường dân đầu tiên trở thành hoàng hậu Nhật Bản. Bà tốt nghiệp thủ khoa Văn học Anh, Trường Đại học Thánh Tâm vào năm 1957.
Cả nước Nhật khi ấy vui mừng với lễ cưới truyền thống của Hoàng gia. Hơn 500.000 người đổ ra đường để ăn mừng lễ cưới. Đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong lịch sử hậu chiến Nhật Bản.
Với sự hỗ trợ nhiệt tình và tận tâm của Công nương Michiko, Thái tử Akihito đã thực hiện nghĩa vụ của ông bằng "một nguồn năng lượng mới". Ngoài việc tuân thủ trung thành truyền thống Hoàng gia, ông còn đem tới nhiều lĩnh vực hoạt động mới phù hợp với vai trò của Thái tử trong thời kỳ hiện đại.
Ngày 7/1/1989, sau khi Nhật hoàng Hirohito (Nhật hoàng Chiêu Hòa) băng hà, Thái tử Akihito lên ngôi, trở thành Hoàng đế thứ 125 của Nhật Bản. Lễ tấn phong được tổ chức tại Hoàng cung vào ngày 12/11/1990.
Gần gũi với người dân
Năm 2011, vua và hoàng hậu Nhật Bản đến thăm nhiều tỉnh bị ảnh hưởng bởi sóng thần và động đất tàn phá. Ảnh: Reuters. |
Kể từ khi lên ngôi, Nhà vua Akihito cùng Hoàng hậu Michiko đã thực hiện nhiều công việc chính thức liên quan đến ngôi vị nhà vua như biểu tượng quốc gia và đoàn kết dân tộc, theo Kunaicho.go.jp.
Nhà vua và Hoàng hậu đã tổ chức hàng trăm buổi lễ, tiếp kiến, tiệc trà, tiệc trưa và tiệc tối trong suốt cả năm. Vào những dịp này, nhà vua gặp gỡ nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, bao gồm quan chức chính phủ, lãnh đạo địa phương, doanh nhân, nông dân, ngư dân, cán bộ làm công tác xã hội và phúc lợi, học giả và nghệ sĩ.
Nhà vua và phu nhân đã đi thăm 47 tỉnh thành và nhiều đảo ở vùng xa của Nhật Bản. Họ thực hiện ít nhất 3 chuyến thăm cấp địa phương mỗi năm, tham dự Lễ hội thể thao quốc gia, Lễ hội Arbour (trồng cây), Hội nghị quốc gia vì sự phát triển vùng biển.
Trong các chuyến đi về địa phương, ngoài việc tiếp xúc với người đứng đầu, Nhà vua và Hoàng hậu còn đi thăm các cơ sở phúc lợi, văn hóa và công nghiệp để khích lệ tinh thần người dân địa phương. Nhà vua và Hoàng hậu đặc biệt quan tâm đến vấn đề phúc lợi và đã đi thăm hơn 500 cơ sở dành cho trẻ em, người già và người khuyết tật trên khắp nước Nhật.
Nhà vua và Hoàng hậu còn đến thăm những vùng bị thiên tai tàn phá, an ủi nạn nhân và động viên nhân viên cứu hộ. Tháng 1/1995, hai người đứng đầu hoàng gia đã tới tỉnh Hyogo sau trận động đất mạnh. Họ tới những điểm chịu thiệt hại lớn do thiên tai ở vị trí cách xa nhau, từ sáng sớm tới tối muộn.
Sau thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011, khiến hơn 20.000 người thiệt mạng và mất tích, Nhà vua và Hoàng hậu đã đến thăm các trung tâm sơ tán, những nơi bị thiên tai phá hủy trong suốt 7 tuần, từ tháng 3 đến tháng 5.
Kể từ khi lên ngôi, Nhà vua Akihito cùng phu nhân đã có các chuyến công du chính thức tới 27 quốc gia, nâng tổng số nước họ đặt chân tới là 50 quốc gia.
Hòa mình với thiên nhiên
Vua và hoàng hậu Nhật Bản luôn gần gũi với thiên nhiên và thích thể thao. Ảnh: Oggi.it |
Hàng năm, noi gương vua cha, Nhật hoàng Akihito tự trồng và thu hoạch lúa trong Hoàng cung. Còn Hoàng hậu nuôi tằm bằng lá dâu tại trung tâm nuôi tằm. Đây là hoạt động có tiền lệ có từ năm 1871.
Nhà vua và Hoàng hậu cũng quan tâm tới lĩnh vực nghiên cứu và văn hóa. Hàng năm, họ tham gia lễ trao giải thưởng của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nhật Bản, thường tiếp đón các học giả, nghệ sĩ, thành viên các Học viện, những người được nhận Huân chương Văn hóa tại Hoàng Cung. Nhà vua và Hoàng hậu cũng tham gia nhiều buổi lễ trao giải thưởng khoa học cũng như các hội thảo khoa học quốc tế tổ chức tại Nhật Bản.
Nhật hoàng cũng chú trọng tới đời sống tự nhiên và quan tâm tới công tác bảo tồn. Nhiều năm qua, Nhà vua Akihito đã nghiên cứu phân loại các loại cá bống, một loại cá nhỏ sống ở nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Là thành viên của Hội Ngư học Nhật Bản, ông đã xuất bản 30 bài báo trên tạp chí của hội từ năm 1963 đến 1989.
Nhà vua và hoàng hậu sáng nào cũng dậy sớm, đi bộ trong rừng và vườn của Hoàng cung. Ngày cuối tuần, họ đều chơi tennis, môn thể thao yêu thích của mình nếu có thời gian.
Năm ngoái, một tờ báo Nhật đăng tải thông tin về khả năng thoái vị của Nhật hoàng Akihito, khiến phần lớn người dân ngỡ ngàng bởi đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, sau một thời gian, phần lớn dân chúng đồng tình rằng vị vua kính mến và rất chăm chỉ của họ đã đến lúc cần được nghỉ ngơi.
Theo các trợ lý của Nhật hoàng Akihito, nếu chính thức thoái vị, ông vẫn tiếp tục thực hiện một số công việc, nhưng phần lớn nghĩa vụ của ông sẽ được chuyển sang cho con trai cả là Thái tử Naruhito.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko dự kiến thăm Việt Nam một tuần, bắt đầu vào ngày 28/2, nhằm thúc đẩy thiện chí quốc tế. Theo Kodyo, Nhật hoàng và Hoàng hậu dự kiến tham dự các hoạt động tại Hà Nội.
Trong chuyến thăm có thể kéo dài 5 ngày, họ dự kiến tới thăm thành phố Huế. Sau khi trở về nước, Nhật hoàng và Hoàng hậu sẽ tham dự một lễ tưởng niệm vào ngày 11/3, 6 năm ngày thảm họa kép động đất/sóng thần tại Nhật Bản.