Đại gia Alphanam giải thể công ty, lui về ở ẩn giao quyền cho con

Sau gần 5 năm rời sàn chính thức, Alphanam tiếp tục triển khai bước tiếp theo của giai đoạn cuối quá trình tái cấu trúc bằng việc thông qua nghị quyết về việc giải thể doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (ALP) đã thông qua quyết định giải thể công ty. Báo cáo năm 2018 của Alphanam cho biết, công ty đã dừng các hoạt động đầu tư tài chính, cơ bản trả hết nợ ngân hàng và các đối tác. Đồng thời thoái vốn khỏi các lĩnh vực không chủ trương đầu tư và hoạt động kém hiệu quả.

Theo báo cáo tài chính quý I/2019, Công ty mẹ Alphanam còn khoản vay nợ và thuê tài chính ngắn hạn 49 tỉ đồng. Theo ghi nhận cuối năm 2018, đây chủ yếu là khoản vay ngân hàng BIDV được thế chấp bằng các tài sản của bên thứ 3.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, công ty đang ghi nhận 606 tỉ đồng các khoản phải thu đồng thời phải trả ngắn hạn khoảng 350 tỉ đồng và người mua trả tiền trước hơn 323 tỉ đồng.

Đại gia Alphanam giải thể công ty, lui về ở ẩn giao quyền cho con - Ảnh 1.

Cổ phiếu Alphanam từng rất hot.

Năm 2014, gần 193 triệu cổ phiếu ALP chính thức hủy niêm yết sau 7 năm giao dịch trên sàn chứng khoán. Trong phiên giao dịch cuối cùng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ALP dừng ở mức 3.400 đồng/cổ phiếu, giảm 6.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng 66% so với mệnh giá.

Tại thời điểm đưa ra quyết định hủy niêm yết, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Alphanam, cho biết những khoản lỗ kéo dài của công ty là do trích lập dự phòng khi các công ty con mua lại bị thua lỗ.

Mã cổ phiếu ALP từng là một cổ phiếu “hot” trên thị trường chứng khoán giai đoạn 2009-2010 với thanh khoản cao và biến động giá liên tục. Khi đó, công ty hoạt động kinh doanh và đầu tư tài chính trên mọi lĩnh vực từ sản xuất thiết bị điện và vật liệu điện; cho thuê ôtô, buôn báo gạo, bất động sản, lắp đặt thang máy,... với gần 20 công ty con và liên doanh.

Tuy vậy, kết quả đầu tư mở rộng không như mong muốn, Alphanam liên tục thua lỗ hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Lợi nhuận sau thuế năm 2012, 2013 của công ty lần lượt là âm 149 tỉ đồng và 213 tỉ đồng.

Đến năm 2013, công ty quyết định hủy niêm yết và thực hiện tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình từ công ty đại chúng sang công ty gia đình. Các thành viên trong gia đình ông Hải nắm giữ trên 90% cổ phần công ty. Doanh nghiệp cũng khá “im hơi lặng tiếng” trong hầu hết các đường đi nước bước của mình.

Vận thua lỗ vẫn chưa buông tha, Alphanam hi vọng công ty sẽ ghi lợi nhuận dương từ năm 2015 và thu hồi hết các khoản lợi nhuận âm lũy kế vào khoảng từ 2016-2017. Tuy nhiên, đến năm 2017, Alphanam mới bắt đầu thu được lợi nhuận dương, kết thúc 5 năm báo lỗ liên tiếp (từ năm 2012 đến năm 2016).

Đại gia ở ẩn

Anphanam gắn liên với cái tên ông Nguyễn Tuấn Hải. Ông Hải từng là nhân vật “khét tiếng” trên thị trường tài chính, đầu tư cổ phiếu. Thậm chí, ông Hải còn lọt vào TOP 20 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hồi năm 2012, với vị trí thứ 10, tổng tài sản ước khoảng 1.046 tỉ đồng.

Khi nói về bước ngoặt trong nghiệp kinh doanh của mình, ông Nguyễn Tuấn Hải từng chia sẻ với báo chí rằng việc hủy niêm yết công ty cũng là “bần cùng bất đắc dĩ, không ai muốn niêm yết rồi lại xuống, nhưng về định hướng lâu dài thì việc này có lợi hơn so với ở lại sàn chứng khoán".

Đại gia Alphanam giải thể công ty, lui về ở ẩn giao quyền cho con - Ảnh 2.

Hai con kế nhiệm.

Sau khi rời “cuộc chơi” chứng khoán, ít người thấy bóng dáng của Alphanam trên thị trường tài chính nhưng lại thấy sự xuất hiện của hai nhân tố mới Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Ngọc Mỹ. 

Lí giải việc để các con nắm giữ các vai trò điều hành và chịu trách nhiệm từ sớm, ông Hải nói: “Tôi tin tôi làm không tốt bằng các con mình... thực tế đang chứng minh như thế.”

Trở về nước sau chín năm du học tại Singapore và Mỹ, Nhật hiện là CEO công ty cổ phần địa ốc Alphanam, phụ trách hạng mục chốt thầu, thi công và tài chính. Với Mỹ, bên cạnh phụ trách các hoạt động đối ngoại của tập đoàn, cô hiện giữ vai trò CEO Công ty cổ phần Địa ốc Foodinco, đảm nhận việc phát triển, thiết kế dự án và vận hành.

Ngọc Mỹ được đánh giá là một trong những doanh nhân thế hệ F2 có triển vọng. Năm 2017, cô có tên trong danh sách 10 doanh nhân nữ kế cận của Forbes Việt Nam, cũng là người trẻ nhất trong danh sách này. Năm 2015, cô xuất hiện ở danh sách 30 Under 30, khi mới 24 tuổi.

Sự thay thế quyền lực từ người cha chuyển sang hai gương mặt mới này liệu có thể làm thay đổi vận mệnh Alphanam hay không vẫn còn chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, việc trước mắt ông Hải cần làm là tiếp tục lo giải thể chính thức ALP sau khi đã thông qua chủ trương giải thể.

 

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.