Dân số Việt Nam ra sao khiến Chính phủ khuyến khích kết hôn, sinh con trước 30 tuổi

Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn, mất đi cơ cấu "dân số vàng" trong khi nhiều cơ hội phát triển kinh tế đang hội tụ. Tỉ suất gia tăng dân số, tỉ suất sinh thô và tổng tỉ suất sinh ở phụ nữ đều có xu hướng giảm trong nhiều năm gần đây.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030. Mục tiêu của chương trình là duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc (trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 đến 2,2 con); tăng mức sinh ở địa phương có mức sinh thấp, giảm ở nơi có mức sinh cao.

Địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp cần vận động người dân tập trung vào lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với phát triển kinh tế, xã hội, chăm sóc bố mẹ khi về già.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng tỉ suất sinh (TFR) của Việt Nam hiện là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Đặc biệt, TFR của khu vực thành thị chỉ 1,83 con/phụ nữ.

Phụ nữ có trình độ đại học trở lên thường hạn chế sinh đẻ, chỉ 1,85 con/phụ nữ, thấp hơn khá nhiều so với phụ nữ chưa bao giờ đi học (2,59 con/phụ nữ). 

TP HCM là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước, chỉ 1,39 con/phụ nữ.

Một trong những thách thức của dân số hiện nay là ở một số vùng đô thị, kinh tế - xã hội phát triển, mức sinh xuống thấp xa so với mức sinh thay thế. Nguyên nhân là do tâm lí ngại sinh đẻ của nhiều phụ nữ hiện đại, thanh niên đang có cuộc sống bận rộn với công việc, nên vẫn còn độc thân,... Việc kết hôn muộn hoặc không muốn kết hôn ngày càng phổ biến.

Điều này gây áp lực lên phân công lao động xã hội trong tương lai. Viễn cảnh 1 người làm nuôi 2-3 người đang là hệ quả trước mắt.

Gánh nặng này càng lớn khi Việt Nam cơ bản vẫn còn là một quốc gia đang phát triển. Việc mất đi "dân số vàng", tức 2 người làm việc chỉ để nuôi 1 người sinh sống, sẽ khiến Việt Nam hụt đà tăng trưởng, trong lúc nhiều cơ hội tăng tốc kinh tế đang đón chờ.

Dân số Việt Nam ra sao khiến Chính phủ khuyến khích kết hôn sớm? - Ảnh 1.

Dân số Việt Nam đã có biểu hiện già hoá, dần mất cơ cấu "dân số vàng" trong những năm gần đây. (Đồ hoạ: Tất Đạt).