Đang nghiên cứu mở rộng một đoạn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây

Đến năm 2025, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Long Thành cần mở rộng lên 8 làn xe. Các đoạn còn lại vẫn có thể áp dụng quy mô 4 làn xe như hiện nay, cho đến năm 2035 mới cần xem xét mở rộng.

Thông tin từ báo Chính phủ, Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai về việc đẩy nhanh tiến độ mở rộng tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Nai - Lâm Đồng.

Hiện nay các tuyến này lưu lượng xe lưu thông quá lớn nên tình trạng ùn tắc, kẹt xe thường xuyên xảy ra.

Đối với kiến nghị mở rộng tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, phục vụ giao thông kết nối Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Cửu Long nghiên cứu việc mở rộng tuyến cao tốc này.

Kết quả, đến năm 2025, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Long Thành cần mở rộng lên 8 làn xe. Các đoạn còn lại với quy mô 4 làn xe như hiện nay vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu phục vụ của tuyến đường trong tương lai, đến năm 2035 mới cần xem xét mở rộng.

Bộ đang giao tư vấn nghiên cứu các phương án mở rộng để báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét quyết định đầu tư dự án.

Xem xét mở rộng một đoạn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 8 làn xe - Ảnh 1.

Cao tốc Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn ứ bởi lượng phương tiện giao thông lớn. (Ảnh: Quỳnh Danh/Zing News).

Dài 55km với 4 làn xe, Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng chính thức thông xe năm 2015. Tuyến đường rút ngắn đáng kể khoảng cách từ TP HCM tới Vũng Tàu. Tốc độ cho phép cao nhất trên cao tốc là 120 km/h, thấp nhất 80 km/h.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (đơn vị quản lý tuyến cao tốc), số ôtô chạy qua tuyến đường ngày cuối tuần lên đến 40.000 - 43.000 lượt xe, ngày lễ và tết 60.000 lượt xe.

Lượng xe tăng cao vượt năng lực vận chuyển tuyến cao tốc dẫn đến tình trạng ùn ứ thường xuyên tại các khu vực: trạm Long Phước, nhánh D - quốc lộ 50, trạm Dầu Giây, các tuyến nối vào quốc lộ 51, đường Mai Chí Thọ, Võ Chí Công.

Về Dự án Cao tốc Đồng Nai - Lâm Đồng, Bộ GTVT cho biết tuyến này có ba dự án thành phần, bao gồm Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án Thăng Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về ba dự án để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư Luật Đầu tư công và dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Sau khi các dự án được nghiên cứu cụ thể về hình thức đầu tư và bố trí được nguồn vốn, Bộ sẽ triển khai thủ tục đầu tư dự án theo quy định hiện hành.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, tuyến cao tốc thành phần Dầu Giây - Tân Phú dự kiến dài 60 km với tổng kinh phí 6.400 tỷ đồng và cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73 km có vốn khoảng 12.000 tỷ đồng. 

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến dài 67 km, tổng kinh phí khoảng 18.000 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ giảm tải cho quốc lộ 20. Tất cả đều được thiết kế 4 làn xe, tốc độ từ 80 đến 100 km/h.

chọn
[LIVE] ĐHĐCĐ Đạt Phương: Khu đô thị tại Quảng Bình có thể sáng sủa vào 2025, dự án Cồn Tiến còn vướng 1 hộ dân
Năm 2024, Đạt Phương đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 4.566 tỷ đồng và lãi sau thuế 343,5 tỷ đồng. Với mảng bất động sản, năm nay Đạt Phương sẽ tập trung triển khai khu đô thị Cồn Tiến và Casamia Hội An, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án công nghiệp.