Bộ Kế hoạch và đầu tư mới đây đã có văn bản gửi Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc giải trình, bổ sung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III.
Theo văn bản, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có những ý kiến và đề nghị giải trình về các nội dung như sự tuân thủ các qui định của pháp luật trong nội dung hồ sơ trình thẩm định; sự phù hợp các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và qui hoạch có liên quan theo qui định của pháp luật về qui hoạch; đánh giá về dự báo nhu cầu, qui mô dự án...
Trong đó, liên quan đến nội dung hiệu quả kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết để phân tích hiệu quả của dự án, báo cáo NCTKT dự án đã đưa ra các giả định liên quan làm cơ sở để tính toán hiệu quả dự án, trong đó đề nghị làm rõ hơn hiệu suất của nhà máy: hiệu suất tinh giảm máy 1.050 MW đạt 59,6% và thời gian cụ thể cửa ữu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là bao nhiêu năm.
Đồng thời đề nghị bổ sung giả định về mức độ được huy động điện của nhà máy khi giá bán đang giả định ở mức cao hơn nhiều so với khung giá phát điện năm 2019.
Về hiệu quả tài chính, báo cáo NCTKT dự án đưa ra nhận định đối với dự án này có mức lời kì vọng là 10%. Để đạt được điều đó thì giá bán điện tối thiểu được dự kiến trong trường hợp không xem xét đến yếu tố trượt giá là 2.046,38 đồng/kWh (8,67 cents/kWh).
Trường hợp có điều chỉnh giá khí lô B (trượt giá 2,5%/năm và giá vận chuyển khí trượt 2%/năm) và chi phí O&M cũng tăng 2,5% thì đến thời điểm nhà máy nhiệt điện Ô Môn III vận hành thương mại giá phát điện Thanh Cái sẽ ở mức 2.411,01 đồng/kWh (10,22 cents/kWh). Khi đó giá điện qui dẫn cả đời dự án với suất chiết khẩu 10% sẽ là 2.862,95 đồng/kWh (12,14 cents/kWh).
Trường hợp không đạt được giá bán điện nêu trên, dự án bị lỗ 6.262 tỉ đồng/năm hoặc lỗ Thanh Cai 9.109 tỉ đồng/năm. Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng đây là mức lỗ rất lớn nên cần phải xem xét kĩ trước khi quyết định chủ trương đầu tư dự án.
"Như vậy, báo cáo NCTKT xác định dự án có hiệu quả khi đạt được giá bán điện ở mức đề xuất của EVN. Tuy nhiên, nếu được chấp thuận thì giá điện của nhà máy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá điện bán lẻ bình quân của EVN, tức ảnh hưởng đến lợi ích của các dự án điện khác của EVN và tạo ra sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác trên thị trường điện.
Đề nghị Ủy ban làm việc với Bộ Công thương và Bộ Tài chính về giá bán điện để có cơ sở xem xét hiệu quả đầu tư của dự án", Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị.
Bên cạnh đó, ngoài lợi ích mà Nhà nước thu được từ các khoản thuế như thuế nhà thầu trong quá trình xây dựng, thuế thu nhập donh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, VAT, thuế tài nguyên môi trường được lượng hóa một cách cụ thể, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị EVN lượng hóa thêm một số chỉ tiêu như khả năng tạo công ăn việc làm cho công nhân khu vực nhà máy, mức độ đóng góp vào nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của Việt Nam.
Ngoài ra đề nghị đánh giá thêm cụ thể mức độ ảnh hưởng của dự án tới hiệu quả chung của chuỗi dự án khí - điện Ô Môn.