Ngày 21/8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học.
Cân nhắc nghỉ học ngày thứ 7
Vấn đề nên hay không học vào thứ 7 được nhiều đại biểu đưa ra. Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng nên cân nhắc đặt ra quy định về việc này.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: MN. |
Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho hay không dạy học vào cuối tuần đồng nghĩa với việc giảm áp lực cho học sinh.
Để thực hiện được việc này, nhà nước cần nghiên cứu về định mức, số lượng giáo viên căn cứ trên tỷ lệ giáo viên trên học sinh và trên lớp, để có những đề xuất, sửa đổi phù hợp.
Tương tự, bà Phan Thị Thu Hà, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Nhà nước nên quy định học sinh không học thứ bảy.
"Thời gian học phổ thông hiện được tính theo tổng số tiết học hoặc theo tuần, tùy theo điều kiện của địa phương. Do đó, các tỉnh thành có thể sắp xếp sao cho đủ số giờ quy định mà học sinh vẫn có thể được nghỉ thứ bảy", bà Hà nói.
Theo bà Hà, để các trường nghỉ hẳn cuối tuần cần có sự đồng bộ từ Bộ GD&ĐT nơi quy định về nội dung, chương trình để giúp các trường mạnh dạn thực hiện.
GS.TS Phạm Văn Lình, Chủ tịch hội đồng trường ĐH Y Dược Cần Thơ nêu ra những vấn đề đáng lo ngại trong đào tạo ngành y dược hiện nay. Cụ thể, có nghịch lý khi điểm chuẩn ngành y dược ở nhiều trường chỉ nằm ở mức điểm trúng tuyển ngành thú y của các trường khác.
"Tại sao lại có hình thức xét tuyển ở những ngành đặc thù như là y, dược, lẽ ra ngành này chỉ nên thi tuyển. Trong khi các trường đào tạo y dược hàng đầu ở Hà Nội và TP.HCM lấy điểm chuẩn rất cao, sinh viên ra trường hành nghề còn chưa yên tâm huống chi những trường mới mở, điểm chuẩn thấp, cơ sở vật chất không tốt làm sao xã hội tin tưởng", ông Lình nói.
Liên quan đến vấn đề điểm chuẩn các trường đại học, PGS.TS Lưu Tiến Hiệp, Chủ tịch hội đồng trường ĐH Hoa Sen cho rằng mức điểm trúng tuyển 15, 16 là chấp nhận được đối với nhiều trường.
PGS.TS Lưu Tiến Hiệp, Chủ tịch hội đồng trường ĐH Hoa Sen. Ảnh: MN. |
"Hiện tại mới có khoảng 20% học sinh vào đại học nhưng chúng ta đã lo cuống cuồng. Trong khi đó, Hàn Quốc có tới 80% học sinh vào đại học. Tôi thấy rằng 15,16 điểm vào đại học là chấp nhận được”, ông Hiệp nêu ý kiến.
Nhìn nhận sư phạm cũng là ngành đặc thù và chỉ cho các trường đại học công lập được phép đào tạo, ông Hiệp nói đây là điều không công bằng.
"Nếu nói trường công cũng như trường tư thì sao không cho các trường tư được đào tạo ngành sư phạm. Trong khi không có gì đảm bảo rằng trường công sẽ đào tạo tốt hơn trường tư", đại diện ĐH Hoa Sen chia sẻ.
Trường sư phạm đóng cửa giảng đường: Đổi mới tránh sao được xáo trộn?
Kết thúc đợt tuyển sinh đầu tiên, nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên đã không tuyển đủ thí sinh. Thậm chí ... |
Tuyển sinh ngành sư phạm năm 2018: Đại học vùng lao đao vì không tuyển đủ
Kết thúc đợt 1 xét tuyển năm 2018, nhiều trường đại học vùng vẫn còn thiếu hàng trăm chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm. ... |
Nhiều ngành đào tạo sư phạm 'trắng' thí sinh
Với chủ trương cắt giảm chỉ tiêu ngành Sư phạm, Bộ GDĐT quy định ngưỡng điểm sàn ngành sư phạm là 17 điểm (đối với ... |