Tags

đèn trung thu

Tìm theo ngày
Các loại đèn Trung thu và ý nghĩa của đèn trung thu

Các loại đèn Trung thu và ý nghĩa của đèn trung thu

Trong dịp tết Trung thu ngày rằm tháng 8, người Việt thường cỗ để cúng gia tiên đồng thời bày bánh trái hoa quả ra sân để cúng mặt trăng. Cả gia đình tụ họp sum vầy, các con cháu cùng bày tỏ lòng biết ơn đến với cha mẹ, ông bà tổ tiên.

Tục lệ rước đèn Trung thu của người Việt Nam

Vào dịp lễ này, người lớn thì uống rượu hoặc trà, ngắm trăng và hát trống quân. Còn tụi trẻ nhỏ thì đi rước đèn trung thu, xem múa lân múa sư tử, vui vẻ ca hát các bài hát về Trung thu, vui vẻ phá cỗ với mâm cỗ thật nhiều loại bánh kẹo, trái cây đẹp mắt. Dịp tết trung thu cũng được coi là ngày tết của trẻ thơ. Các em nhỏ sẽ được thỏa thích vui chơi, được người lớn tặng cho bánh trung thu và chiếc đèn trung thu như đèn ông sao, đèn cá chép, đèn thỏ ngọc,…Tết Trung thu cũng như rước đèn trung thu đã được lưu truyền ở nước ta qua nhiều thế hệ.

Chiếc đèn trung thu truyền thống không chỉ là một món quà đầy ý nghĩa để tặng cho các bé thiếu nhi nhân ngày lễ này mà đây cũng là món kỷ vật mà người lớn có thể gợi nhớ về tuổi thơ ấm áp quây quần bên gia đình và bạn bè.

Cách làm đèn trung thu truyền thống

Đèn trung thu truyền thống thường được làm từ các nguyên vật liệu gần gũi như tre và giấy kính, với nhiều công đoạn làm thủ công. Đầu tiên người làm đèn trung thu phải chọn được những đoạn tre chất lượng tốt rồi sau đó chẻ, vót, cắt nan và dựng lên khung cho chiếc đèn. Sau khi khung của đèn trung thu hoàn thành thì sẽ dán giấy kính lên trên.Cuối cùng người nghệ nhân sẽ vẽ trang trí chiếc đèn trung thu để hoàn tất công đoạn cuối cùng.

Chiếc đèn trung thu truyền thống có rất nhiều kiểu dáng khác nhau gắn với các ý nghĩa tượng trưng dân gian như: đèn trung thu con thỏ là biểu hiện cho mặt trăng, đèn hình con cóc có hàm ý cầu cho mưa gió thuận hòa, đèn trung thu cá chép được bắt nguồn từ sự tích cá chép hóa rồng đi cùng với ý nguyện cầu cho con cháu thông minh giỏi giang.

Chiếc đèn lồng trung thu cũng có nhiều kiểu dáng khác mô phỏng theo các hình ảnh đẹp để thu hút lũ trẻ con. Mỗi năm, vào dịp tết trung thu người dân trên khắp mọi miền tổ quốc lại hân hoan tổ chức các cuộc thi làm đèn lồng, các ngày hội rước đèn giao thoa giữa các giá trị văn hóa xa xưa kết hợp với những sáng tạo mới để tạo ra vô vàn kiểu dáng đèn trung thu lung linh rực rỡ. Dưới ánh trăng rằm, bọn trẻ ngân nga hát hò bên ánh đèn trung thu, những nụ cười tươi tắn trong trẻo trong tiếng trống múa lân rộn ràng .Trung thu Việt Nam đẹp như thế đó !

Ý nghĩa các loại đèn Trung thu truyền thống

Đèn ông sao

Chiếc đèn ông sao loại lồng đèn phổ biến nhất trong dịp tết trung thu của người Việt. Rất dễ để bắt gặp hình ảnh những chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc màu có hình dáng một ngôi sao năm cánh được bao quanh bởi một vòng tròn đò và được bày bán ở ở rất nhiều các cửa hàng đồ chơi.Cách làm chiếc đèn ông sao này này khá đơn giản, được làm từ khung tre gắn lên các loại giấy kính nhiều màu sắc. Bên cạnh đó các nghệ nhân cũng trang trí thêm nhiều hoạ tiết và dây kim tuyến nhiều màu sắc vô cùng bắt mắt.

Ý nghĩa của chiếc đèn ông sao với 5 cánh được bao ngoài với một vòng tròn là hình ảnh tượng trưng cho ngũ hành phong thủy, âm dương hòa hợp, chính vì vậy cho nên chiếc lồng đèn trung thu này có ý nghĩa tượng trưng cho sự cân bằng cũng như sự hài hòa của mọi thứ trong cuộc sống, giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên vạn vật.

Đèn trung thu cá chép

Đèn trung thu hình cá chép cũng là một trong những chiếc lồng đèn truyền thống có nhiều ý nghĩa văn hóa dân tộc. Hình ảnh con cá chép được gắn liền với truyền thuyết xa xưa mà bên cạnh đó nó còn thường xuyên hiện diện trong đời sống của nhân dân ta từ xưa đến nay.

Con cá chép trong truyền thuyết cá chép vượt vũ môn để hóa rồng, hay cá chép là phương tiện để đưa ông Táo về trời trong ngày 23 tết âm lịch,... .Ý nghĩa của chiếc đèn Trung thu cá chép chính là biểu tượng cho sự cố gắng liên tục và vươn lên vượt mọi gian khó. Đồng thời, lồng đèn cá chép cũng được trang trí rất lộng lẫy và lung linh với giấy kính xanh đỏ cùng nhiều họa tiết đủ màu khác.

Lồng đèn kéo quân

Chiếc lồng đèn kéo quân có nguồn gốc từ Trung Quốc, gắn liền với ý nghĩa tưởng nhớ vị vua Lục Đức. Ông là một đấng minh quân vừa giỏi mưu lược lại giàu lòng hiếu nghĩa tại Trung Hoa xa xưa.

Ý nghĩa của chiếc đèn Trung thu này là tượng trưng cho sự hiếu thảo, đồng thời là tình yêu thương của con cái dành cho những đấng sinh thành, ông bà tổ tiên.

Lồng đèn trung thu tròn

Ở nước ta, đèn lồng tròn được bày bán quanh năm, nó không chỉ phục vụ cho chơi rước đèn của trẻ em trong mà còn được dùng để trang trí, không chỉ trong ngày trung thu mà còn cho nhiều dịp lễ hội khác. Chiếc đèn có hình tròn và phát ra ánh sáng lấp lánh từ ánh nến ở bên trong, khiến cho người ta liên tưởng đến mặt trăng tròn vành vạnh trong đêm rằm tháng tám, vừa tròn lại vừa sáng rực rỡ. Hiểu rộng ra thì chiếc đèn lồng này cũng thể hiện cho sự tôn vinh nét của thiên nhiên (ánh trăng) cũng như lòng cảm tạ trời đất đã đem đến cho người dân mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.