Doanh nghiệp đề xuất làm khu du lịch 40 ha tại Di Linh, Lâm Đồng

Sở Xây dựng Lâm Đồng vừa đưa ra hai phương án quy hoạch đối với đề xuất đầu tư Khu du lịch sinh thái thác Liliang của CTCP Du lịch Đà Lạt.
Lâm Đồng: Doanh nghiệp đề xuất làm khu du lịch 40 ha tại Di Linh - Ảnh 1.

Khu vực xung quanh thác Liliang. (Ảnh: Zingnews).

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã nhận được đề nghị của CTCP Du lịch Đà Lạt về việc đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái thác Liliang. Trước vấn đề này, Sở Xây dựng đã có góp ý về phương án thực hiện quy hoạch dự án.

Theo đề xuất của chủ đầu tư, dự án được thực hiện trên quy mô 40 ha, trong đó mật độ xây dựng gộp trên tổng diện tích khoảng gần 2%, gồm các hạng mục nhà lưu trú (54 căn bungalow), nhà hàng trung tâm, khu dịch vụ - khách sạn,... Mục tiêu của dự án là phục vụ du lịch sinh thái, tham quan dã ngoại, picnic,...

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc đề xuất đầu tư dự án là phù hợp với định hướng quy hoạch chung xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. 

Theo quy hoạch, huyện Di Linh có tiềm năng phát triển không gian du lịch tại hồ Kala, thác Bobla, thác Liliang, hồ Tây Di Linh, khu du lịch ven sông Đại Bình. Trong đó, khu vực thác Liliang được định hướng phát triển dịch vụ du lịch tham quan, vui chơi giải trí, thể thao.

Về các chỉ tiêu về kiến trúc, mật độ xây dựng của dự án theo đề xuất, Sở Xây dựng đánh giá các chỉ tiêu nhìn chung phù hợp với quy chuẩn về quy hoạch xây dựng. Song, diện tích công trình có mái che phục vụ lưu trú (bungalow, nhà dịch vụ - khách sạn) là khá cao so với các công trình còn lại.

Do đó, Sở đã đề xuất hai phương án điều chỉnh đề xuất đầu tư cho doanh nghiệp. Phương án 1 là giảm tỷ lệ công trình phục vụ lưu trú của dự án cho phù hợp. Với phương án 2, chủ đầu tư có thể nghiên cứu bổ sung mục tiêu nghỉ dưỡng vào mục tiêu chung của dự án, từ đó tỷ lệ công trình lưu trú như đề xuất ở trên là chấp nhận được.

Sở cũng nhấn mạnh, phương án quy hoạch dự án phải được đề xuất trên cơ sở khảo sát điều kiện tự nhiên, địa hình khu vực nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai. Ưu tiên bố trí công trình vào khu vực đất trống, đất nông nghiệp, có giải pháp giao thông đảm bảo tính kết nối tại dự án.

Liên quan đến thác Liliang, vào năm 2019, tỉnh Lâm Đồng đã từ chối chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái thác Liliang đối với Công ty TNHH Đầu tư Nông Trang Xanh, Báo Lâm Đồng cho biết.

Nguyên nhân là do khu vực đăng ký đầu tư dự án có gần 27 ha đất quy hoạch rừng sản xuất, thuộc trường hợp không thu hút đầu tư các dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, năng lực tài chính của Công ty Nông Trang Xanh chưa đảm bảo điều kiện tối thiểu để thực hiện dự án.

Cũng tại huyện Di Linh, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản về việc thu hồi đất, giao cho CTCP Đầu tư Trang My Đạt thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tại xã Gung Ré, huyện Di Linh.

Cụ thể, tỉnh thu hồi một phần đất do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh quản lý, đồng thời giao Công ty Trang My Đạt thuê hơn 32 ha đất để thực hiện dự án đầu tư quản lý bảo vệ rừng kết hợp tham quan du lịch sinh thái.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.