Sáng 2/10, TCP Việt Nam (công ty điều hành thương hiệu Red Bull Việt Nam) đã kí kết thỏa thuận hợp tác với Trung ương Hội Thanh niên Việt Nam (TNVN) về việc hỗ trợ một số chương trình và đề án, bao gồm Thanh niên khởi nghiệp trong giai đoạn 2020 - 2022.
Người đại diện TCP Việt Nam nói công ty sẽ hỗ trợ cả về mặt tài chính lẫn phi tài chính. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể vẫn còn ở phía trước nên công ty chưa thể ước tính chi tiết nguồn lực tài chính mà TCP Việt Nam hỗ trợ cho chương trình. Về mặt phi tài chính, TCP Việt Nam sẽ kết nối các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tới các chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể.
Chia sẻ sâu hơn về lí do quyết định hỗ trợ thế hệ thanh niên khởi nghiệp, ông Nguyễn Thanh Huân, tổng giám đốc TCP Việt Nam cho rằng việc hỗ trợ cho chương trình nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển bền vững của công ty. Đây cũng là lần hoạt động cộng đồng đầu tiên của TCP kể từ khi đặt chân vào Việt Nam năm 2018.
Ông cho rằng thanh niên là lực lượng chính để phát triển bền vững. Trong khi đó, đối tượng khách hàng chính của TCP cũng là tầng lớp thanh niên.
"Tại Thái Lan, nhiều người biết đến tên tập đoàn (TCP). Tuy nhiên ở các thị trường trên thế giới và Việt Nam, mọi người biết đến cái tên RedBull nhiều hơn. Chính vì thể từ khi vào Việt Nam, công ty đã định hình được bộ khung kinh doanh, kế hoạch phát triển bền vững và việc đầu tư vào xã hội là một trong số các kế hoạch đó", ông Huân cho biết.
Giám đốc TCP Việt Nam nhận định rằng trước đây, hầu như người Việt chỉ biết đến đúng một sản phẩm là RedBull (bò húc). Chính vì thế, thời gian đầu công ty hướng đến việc xây dựng hệ thống, nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm, trước khi hướng tới việc đưa những sản phẩm khác tới tay người tiêu dùng.
Về tình hình kinh doanh và đầu tư, ông Huân cho rằng thị trường nước tăng lực đều tăng trưởng kể từ khi TCP vào Việt Nam. Trong đó, TCP Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao hơn mức trung bình của thị trường. Mức tăng trưởng cụ thể mà ông nhắc đến là ở mức hai con số vào năm 2019.
Về tính cạnh tranh, ông Huân cho rằng khi đặt chân đến Việt Nam, thị trường rất cạnh tranh với nhiều công ty lớn khác. Tuy nhiên việc cạnh tranh là yếu tố không thể tránh khỏi khi làm kinh doanh.
Ông nhận định, thị trường Thái Lan đang dần bão hòa và đó là lí do mà nhiều công ty của Thái đang đầu tư vào thị trường Việt Nam, nước có tốc độ phát triển kinh tế mà ông đánh giá là cao nhất khu vực.
"Không chỉ Thái Lan, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc cũng bắt đầu nhắm vào thị trường Việt Nam. Chính vì thế chúng tôi cũng không phải ngoại lệ", ông Huân nói.