Doanh nghiệp KCN tại Thái Nguyên thu về hơn 29 tỷ USD năm 2020

Trong năm 2020, doanh thu của các doanh nghiệp FDI và trong nước tại các KCN Thái Nguyên ước đạt hơn 29 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu khoảng 22,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 17 tỷ USD.
Doanh nghiệp KCN tại Thái Nguyên thu về hơn 29 tỷ USD năm 2020 - Ảnh 1.

Một góc Khu công nghiệp Điềm Thụy. (Ảnh: Báo Thái Nguyên).

Theo Báo Thái Nguyên, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh này cho biết, trong năm 2020, đơn vị đã cấp mới 24 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 19 dự án FDI và 5 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 341,31 triệu USD và 187,13 tỷ đồng (khoảng hơn 8 triệu USD). 

Đồng thời, đơn vị đã điều chỉnh vốn đầu tư cho 16 dự án với tổng điều chỉnh tăng thêm là 21,82 triệu USD và 1.514,82 tỷ đồng (khoảng hơn 65 triệu USD). Kết quả, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trong năm qua là 293,73 triệu USD và 1.701,95 tỷ đồng (khoảng hơn 73 triệu USD).

Trong đó có một số dự án lớn như: Dự án Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình (16 triệu USD); Nhà máy Sunny Opotech Việt Nam (9,8 triệu USD); dự án Nhá máy phát triển năng lượng Trina Solar (203 triệu USD); dự án Công ty TNHH DBG Technology Việt Nam (80 triệu USD); dự án Nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ tấm lát sàn PVC sản lượng 6.000.000 m2 một năm - Giai đoạn 1 (9,5 triệu USD); dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng (23 triệu USD)... 

Bên cạnh đó, Ban quản lý các KCN tỉnh này cũng thực hiện chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) đối với 6 dự án do nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động dự án, không có khả năng triển khai.

Lũy kế đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 240 dự án được cấp GCNĐKĐT còn hiệu lực, trong đó có 122 dự án FDI (tổng vốn đăng ký đầu tư là 8.762,53 triệu USD) và 118 dự án có vốn đầu tư trong nước (tổng số vốn đăng ký đầu tư 15.623,42 tỷ đồng).

Đến nay, có 169/242 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn thực hiện lũy kế tính đến hết năm 2020 ước đạt 7.130 triệu USD và 10.058 tỷ đồng (bao gồm có 2 dự án xây dựng hạ tầng KCN Điềm Thụy và KCN Sông Công I). 

Doanh thu năm 2020 của các doanh nghiệp FDI và trong nước tại các KCN ước đạt 28,7 tỷ USD và 7.500 tỷ đồng (khoảng 320 triệu USD), giá trị xuất khẩu khoảng 22,5 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 17 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 7.000 tỷ đồng.

Thái Nguyên hiện có 6 KCN tập trung với tổng diện tích 1.420 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 981,25 ha; 6/6 KCN đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND tỉnh phê duyệt. Hiện có 4/6 KCN đã đi vào hoạt động, một KCN đang triển khai xây dựng hạ tầng đồng bộ và một KCN đang lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để thực hiện triển khai dự án.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam như sau: KCN Sông Công II giai đoạn 2 với diện tích 300 ha tại TP Sông Công; KCN Phú Bình với diện tích 675 ha tại xã Tân Hòa, xã Lương Phú và thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.