Theo đó, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, với 3 khu công nghiệp và 16 cụm công nghiệp đã có 123 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 24 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Na, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, 3 khu công nghiệp gồm Sa Đéc, Trần Quốc Toản và Sông Hậu đã lấp đầy hơn 98%.
Các cụm công nghiệp so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp đứng thứ 3 về số lượng quy hoạch cụm công nghiệp.
Để thuận lợi cho phát triển sản xuất các khu cụm công nghiệp, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban ngành và các địa phương rà soát ưu tiên lựa chọn vị trí phát triển khu cụm công nghiệp theo tiêu chí: có giao thông thuận lợi về đường thủy, lẫn đường bộ nhằm kết nối để phục vụ cho việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa; vị trí gần đương cao tốc, quốc lộ, cảng biển, cảng sông...; quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và định hướng đón đầu các vùng lân cận giáp ranh có điều kiện phát triển như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An; đồng thời, gắn với nguồn lao động tại chỗ, có nguồn nguyên liệu ổn định của địa phương; gắn kết với vùng.
Kết quả các dự án hạ tầng giao thông quan trọng đã hình thành các khu cụm công nghiệp có lợi thế và đã thu hút nhiều dự án đầu tư vào khu cụm công nghiệp với ngành nghề đa dạng.
Trong đó, trọng tâm là công nghiệp chế biến lương thực, chế biến thủy sản, chế biến thức ăn gia súc. Để phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, Đồng Tháp phát triển tốt hạ tầng điện, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt, chiếu sáng trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Na, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, từ việc đầu tư tốt cho hạ tầng khu công nghiệp, cho nên nhiều nhà đầu tư tập trung đã phát triển công nghiệp theo hướng hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp chủ lực như lúa, cá tra, xoài, sen...theo hướng tăng chất lượng, đa dạng chế biến công nghiệp theo chuỗi giá trị nguyên liệu-chế biến-tiêu thụ.
Đồng thời, thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
"Đến nay, tỉnh có 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản đang hoạt động trong các khu công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 467.200 tấn/năm, thu hút khoảng 21.000 lao động. Điều này góp phần đưa giá trị ngành công nghiệp đến năm 2020 hơn 11.000 tỷ đồng", ông Nguyễn Văn Na thông tin.
Mục tiêu tỉnh Đồng Tháp là phát triển các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn sau năm 2030.
Cùng đó, thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, các chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư và nhất quán chính sách, đồng thời có quy chế phối hợp của các sở, ban, ngành và địa phương để làm tốt nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Bên cạnh đó, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo quy định, bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, công khai và minh bạch; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp để đưa vào hoạt động; rà soát, thành lập mới một số cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch để tạo quỹ đất sạch phục vụ công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp.