Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo đánh giá về tác động từ đợt tăng vốn sắp tới đối với hoạt động kinh doanh của Vietcombank (Mã: VCB).
Cụ thể, VDSC dẫn lại báo cáo của HĐQT Vietcombank tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 cho biết, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) vào cuối năm 2019 dự kiến chỉ đủ duy trì trên 8% (mức yêu cầu của Basel II) cho đến cuối năm 2020, dựa trên kế hoạch tăng trưởng tín dụng và tài sản. Do đó, Vietcombank đã đề ra kế hoạch tăng vốn điều lệ và đã được ĐHĐCĐ thông qua, theo mục tiêu trở thành ngân hàng dẫn đầu về quản trị rủi ro và chất lượng tài sản.
Kế hoạch tăng vốn sắp tới gồm 2 cấu phần. Cấu phần thứ nhất là phát hành cổ phiếu theo hình thức trả cổ tức năm 2018 với tỉ lệ 18% (thời gian thực hiện trong quí III hoặc quí IV/2020); và cấu phần còn lại là phát hành riêng lẻ tối đa 6,5% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán.
Trước đó, Vietcombank mới chỉ hoàn thành 1/3 kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt vào đầu năm 2018.
"Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc tăng vốn từ phát hành riêng lẻ, bởi việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ chỉ ảnh hưởng đến vốn điều lệ chứ không ảnh hưởng đến hệ số CAR", VDSC cho biết.
Theo VDSC, kể từ cuối năm 2019, việc tăng vốn để đáp ứng một trong những trụ cột chính của Basel II - an toàn vốn - là rất cấp thiết đối với các ngân hàng quốc doanh (SOBs), đặc biệt là VietinBank, BIDV và Agribank.
Dựa trên tình hình của các ngân hàng quốc doanh khác, VDSC đánh giá Vietcombank có nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng cũng như tăng vốn hơn. Điều này đến từ hệ số CAR của ngân hàng ở mức 9,6% vào cuối năm 2019, tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản là 7,0%, tỉ lệ sở hữu do Nhà nước nắm giữ là 74,8% (còn dư địa để pha loãng nhưng vẫn giữ tỉ lệ sở hữu nhà nước trên 65%), tỉ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 23,7% (giới hạn nước ngoài ở mức 30%).
Vietcombank đã báo cáo hệ số CAR là 10,1% trong 6 tháng đầu năm 2020, cao hơn mức trung bình của các ngân hàng quốc doanh nhưng vẫn thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân.
Vietcombank thậm chí còn chứng kiến tỉ lệ CAR tăng trong năm 2020, mặc dù không phát hành trái phiếu dài hạn hay phát hành riêng lẻ.
Về các thành phần thuộc tử số của phương trình CAR, vốn cấp 2 thậm chí còn giảm và sự gia tăng vốn cấp 1 chỉ được đóng góp bởi thu nhập trong kì trong sáu tháng đầu năm 2020. Như vậy, CAR tăng chủ yếu là do giảm mẫu số, vốn là các tài sản tính theo rủi ro. Trong nửa đầu năm 2020, dư nợ tín dụng Vietcombank chỉ tăng trưởng 4,9% so với cuối năm 2019 và 9,9% của cùng kì năm ngoái.
"Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại, mà trong đó dư nợ cho vay chiếm tỉ trọng chủ yếu, góp phần cải thiện hệ số CAR", VDSC đánh giá.
Với kế hoạch tăng vốn được đề xuất trong ĐHĐCĐ 2020, công ty chứng khoán này kì vọng điều này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp trong giai đoạn 2021-2022.
Ngoài ra, VDSC không đánh giá cấu phần thứ nhất của kế hoạch tăng vốn, đó là phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2018, quan trọng bằng cấu phần thứ hai. Cổ tức bằng cổ phiếu về cơ bản không ảnh hưởng đến hệ số CAR, vì tử số của phương trình CAR đã tính đến phần vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng cổ tức bằng cổ phiếu được thực hiện trước khi phát hành riêng lẻ có thể ảnh hưởng đến số lượng cổ phiếu được chào bán ở một mức độ nhất định.
Dựa trên nguyên lí kế toán của việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn sẽ làm giảm lợi nhuận giữ lại và tăng vốn điều lệ tương ứng, VDSC dự kiến số lượng cổ phiếu chào bán tối đa là 284,5 triệu (tương đương 6,5% của vốn điều lệ mới sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu).
Với vùng giá 80.000 - 94.200 đồng/cp trong ba tháng qua, đợt phát hành riêng lẻ tương đương 6,5% vốn điều lệ và nếu được phân phối toàn bộ dự kiến sẽ mang lại cho Vietcombank thêm một lượng vốn qui mô tương đương 19-23% tổng vốn tự có (tính theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN) ở quí II/2020.
Mặt khác, trong số tất cả các ngân hàng có số liệu, tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của Vietcombank ở mức cao hơn một chút so với mức trung bình ngành (7,9% so với 7,6%). Ngân hàng thậm chí còn thấp hơn mức trung bình ngành tại cuối năm 2019.
Theo VDSC, Vietcombank nên duy trì tỉ trọng vốn chủ sở hữu cao hơn để đáp ứng các yêu cầu về vốn khác. Nếu đợt phát hành riêng lẻ diễn ra vào quí IV/2020, tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản vào cuối năm 2020 dự kiến sẽ nằm trong khoảng 8,7-9,7%, với giới hạn dưới tương ứng với 50% vốn được phát hành riêng lẻ theo kế hoạch ở mức 80.000 đồng, và giới hạn trên tương ứng với 100% vốn phát hành thêm được phân phối ở mức 94.200 đồng.
VDSC kì vọng nguồn vốn chủ sở hữu bổ sung từ phát hành riêng lẻ sẽ hỗ trợ thanh khoản của Vietcombank vốn đã tương đối lành mạnh. Do đó, điều này sẽ giải tỏa áp lực lên nhu cầu duy trì một lượng tài sản có tính thanh khoản cao để đáp ứng tỉ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, do Vietcombank có một lượng tiền gửi ngắn hạn đáng kể.
"Nhìn chung, thay đổi phân bổ tài sản, tái cơ cấu danh mục cho vay hoặc thậm chí thay đổi khẩu vị rủi ro có thể là những lựa chọn để nâng ROA lên cao hơn nhằm hỗ trợ ROE", Báo cáo cho biết.
VDSC không phải là đơn vị duy nhất đánh giá tích cực về tác động của đợt tăng vốn đối với hoạt động kinh doanh của Vietcombank. Trong báo cáo cập nhật công bố mới đây, Chứng khoán Mirae Asset nhận định việc tăng vốn vốn cấp 1 sẽ giúp Vietcombank duy trì hệ số CAR trên 8% và tăng trưởng tài sản sinh lợi.
Mirae Asset kì vọng ngân hàng sẽ chào bán cổ phiếu riêng lẻ trước khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương ứng sẽ phát hành thêm hơn 241 triệu cổ phiếu (tương ứng 6,5% vốn hiện tại) nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 39.500 tỉ đồng trong tháng cuối năm 2020.
"Việc tăng vốn được sẽ mang lại thặng dư vốn, với mức giá phát hành không thấp hơn bình quân giá đóng cửa của 10 phiên giao dịch liền kề trước ngày thông báo. Theo ước tính của chúng tôi, hệ số CAR của ngân hàng sẽ tăng lên 10,8% vào cuối năm 2020", Mirae Asset cho biết.