Mức thuế mới 15% trên 112 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ chính thức có hiệu lực vào nửa đêm 31/8. Hàng rào thuế quan khiến các tập đoàn lớn Nhật Bản kinh doanh tại Trung Quốc đang ráo riết tìm kiếm giải pháp để giảm thiểu thiệt hại từ thương chiến.
Đối tượng đánh thuế mới sẽ bao gồm 3.243 mặt hàng từ Trung Quốc, bao gồm cả các sản phẩm tiêu dùng như quần áo, đồng hồ. Một loạt các ông lớn trong ngành đang cân nhắc di chuyển hoạt động sản xuất sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, hoặc phải tăng giá để đảm bảo lợi nhuận.
Tập đoàn mẹ của Uniqlo, Fast Retailing vốn đặt phần lớn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, từ đây hãng vận chuyển các sản phẩm đến 52 cửa hàng tại Mỹ. Theo BCTC kết thúc vào tháng 8/2018 của hãng, thị trường Bắc Mỹ mang về khoảng 90 tỉ yên (847 triệu USD) doanh thu, tương đương 5% tổng doanh thu của Uniqlo.
Một cửa hàng Uniqlo ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Fast Retailing).
Các đợt đánh thuế trước đó của Mỹ chỉ ảnh hưởng đến một số ít các sản phẩm của hãng như thắt lưng da. Nhưng lệnh thuế mới nhất đang nhắm vào mặt hàng thời trang chủ lực của hãng.
Giám đốc Fast Retailing cho hay: "Các giám đốc điều hành của chúng tôi ở Mỹ đã đến Nhật Bản để thảo luận về mức độ ảnh hưởng và cách ứng phó với tình hình mới".
Công ty đang xem xét chuyển một phần hoạt động sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Campuchia. Tuy nhiên, sự thay đổi này khiến hãng đối mặt với loạt thách thức mới.
Một nguồn tin nội bộ cho hay hãng vẫn dựa vào Trung Quốc để mua nguyên liệu, do đó có thể đối mặt với chi phí gia tăng trong cung ứng và vận chuyển thành phẩm tới Mỹ. Điều này khiến giá cả hàng hóa có thể tăng lên nếu hãng không thể bù đắp các chi phí.
Tương tự, sản phẩm máy in và photocopy cũng nằm trong danh sách mặt hàng bị đánh thuế cao hơn.
Chủ tịch hãng máy in và linh kiện chất lượng cao Kyocera, ông Hideo Tanimoto phát biểu hôm 2/8 cho hay công ty sẽ ứng phó bằng cách dịch chuyển sản lượng sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc và Việt Nam.
Hiện tại, các nhà máy của hãng tại Trung Quốc sản xuất các mặt hàng cho thị trường Mỹ, trong khi các nhà máy ở Việt Nam sản xuất các mặt hàng cho châu Âu. Việc phân bổ lại hoạt động sản xuất của Kyocera sẽ thực hiện vào cuối tháng 3.
Ông Tanimoto nói: "Chúng tôi hi vọng có thể hạn chế được các ảnh hưởng của cuộc chiến thuế quan này với lợi nhuận của hãng”. Đồng thời ông cho hay việc điều chỉnh khiến công ty gánh thêm các chi phí hàng chục triệu USD.
Hãng đồng hồ Seiko cũng xem xét di rời mảng sản xuất một số mặt hàng nhất định, chủ yếu là đồng hồ có giá dưới 500 USD, từ Trung Quốc về Nhật Bản. Trong khi đó, Citizen đang thăm dò để chuyển hướng sang Thái Lan.
Theo kế hoạch, tháng 10 tới Nhà Trắng tiếp tục gia tăng thuế quan từ 25% lên 30% trên 250 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Hãng Kasai Kogyo, chuyên xuất xưởng khuôn mẫu các bộ phận cửa xe hơi từ Trung Quốc đến các nhà máy ở Mỹ, ước tính các chi phí sẽ đội thêm hàng triệu USD.
Chủ tịch Kasai, Kuniyuki Watanabe cho biết đang tính toán việc chuyển các khuôn sản xuất tại Trung Quốc đến Nhật Bản, trước khi đưa chúng vào thị trường Mỹ.