Dự báo tín dụng chỉ tăng 10–12% trong năm nay, doanh nghiệp khó hấp thụ vốn

Nói về câu chuyện thanh khoản và tín dụng trong nền kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng bản chất câu chuyện tín dụng cũng như hiện tượng doanh nghiệp đói vốn thời điểm này không phải là hệ thống ngân hàng thiếu vốn, mà là có vốn nhưng doanh nghiệp không dám vay, không hấp thụ được khi mặt bằng lãi suất ở mức cao và cầu tín dụng giảm.

 

Doanh nghiệp 'than' ốm yếu, đói vốn

“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi vay cho doanh nghiệp; đồng thời xem xét tiếp tục các chính sách cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ cho các doanh nghiệp”, đó là một trong những kiến nghị của ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II, chủ đề “Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế” diễn ra sáng 2/4.

Theo ông Đoan, khơi thông nút thắt tiếp cận vốn cho doanh nghiệp là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay trong bối cảnh “sức khỏe” của doanh nghiệp ngày càng “ốm yếu” trầm trọng do lạm phát tăng, lãi suất tăng, tiếp cận tín dụng ngân hàng nhỏ giọt… 

  Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyễn Triệu).

 

Những khó khăn của doanh nghiệp và toàn nền kinh tế không chỉ được thể hiện qua “lời than” của doanh nghiệp, mà còn được phản ánh trong chính những số liệu kinh tế - xã hội mới nhất những tháng đầu năm.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, cả nước có 33.905 doanh nghiệp, mới thành lập, gấp 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (29.767 doanh nghiệp) nhưng giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Thêm vào đó, đa phần doanh nghiệp mới thành lập có quy mô nhỏ, thể hiện qua số vốn bình quân chỉ 9,15 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp, giảm mạnh so với mức bình quân 13,6 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp cùng kỳ năm ngoái.

Tính cả 23.042 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I; tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý đạt 56.946 doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tính bình quân, mỗi tháng có 18.982 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, trong quý I có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có 20.080 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng.

Còn về tín dụng, cũng theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/3/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022 trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 2,49%; huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,77% trong khi cùng kỳ tăng 2,15%. 

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý I đạt 1,61% trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là 4,03%. Như vậy, trong quý I/2023, tăng trưởng tín dụng chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ 2022 và quay trở lại mức tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục thời kỳ đầu Covid-19, vào quý I/2020. Trong khi đó, năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14%-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Phùng Xuân Minh (Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings) cho hay bộ phận nghiên cứu Saigon Ratings nhận định tín dụng sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10–12% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu 14–15% của NHNN. Nguyên nhân chính là do khó khăn của ngành bất động sản (ngành chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại).  

  Chủ tịch Saigon Ratings Phùng Xuân Minh. (Ảnh: Nguyễn Triệu).

Thiếu vốn, hay có vốn mà doanh nghiệp không thể hấp thụ?

Chủ tịch Saigon Ratings Phùng Xuân Minh nhận định năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục là một năm khó khăn về thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng, nền kinh tế vẫn chưa thể ngay lập tức thoát ra khỏi tình trạng khát vốn do một số nguyên nhân chính: mặt bằng lãi suất huy động tại các NHTM vẫn đang ở mức cao; tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP hiện đang ở mức hơn 124% và dư nợ tín dụng đã vượt mức huy động tiền gửi.

Cũng nói về câu chuyện thanh khoản và tín dụng, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng hiện khu vực sản xuất đang phải gánh chịu chi phí vay lớn do lãi suất tăng lên cao. Mặc dù chính sách giảm lãi suất đã được triển khai, nhưng theo TS. Nghĩa, sẽ cần thời gian nếu muốn kéo giảm lãi suất cho vay xuống 8 - 9%/năm. Trong khi đó, về phía doanh nghiệp sản xuất, tìm kiếm lợi nhuận từ khoản lãi vay 10% không phải câu chuyện dễ dàng nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều thách thức như hiện nay. Chưa kể, trong quá trình vận hành, doanh nghiệp dùng nguồn vốn vay để trang trải nhiều khoản như đóng thuế, trả lương, mua máy móc thiết bị…

Do vậy, vị chuyên gia kinh tế cho rằng bản chất câu chuyện tín dụng cũng như hiện tượng doanh nghiệp đói vốn thời điểm này không phải là hệ thống ngân hàng thiếu vốn, mà là có vốn nhưng doanh nghiệp không dám vay, không hấp thụ được khi mặt bằng lãi suất ở mức cao và cầu tín dụng giảm.

  TS. Lê Xuân Nghĩa phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Triệu).

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn có thể đến từ việc các quy định về thủ tục, hồ sơ vay vốn rườm rà, thiếu nhất quán; quá trình thẩm định kéo dài, ràng buộc nhiều điều kiện quá khắt khe khiến doanh nghiệp không đáp ứng được. Cùng đó, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính thấp; tài sản đảm bảo có giá trị thấp nên ngân hàng hầu như không áp dụng chính sách tín chấp... 

 

 

Do đó, vị này đề nghị NHNN tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các gói chính sách hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi vay; đồng thời xem xét tiếp tục các chính sách cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ cho các doanh nghiệp; hay đánh giá tình hình kinh tế, thực trạng hoạt động của các ngân hàng thương mại để xem xét nới room tín dụng phù hợp đối với từng ngân hàng thương mại để đáp ứng được nhu cầu vốn ngày càng cao của nền kinh tế… 

Chờ lãi vay giảm: sẽ có độ trễ

Thời gian qua, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đối diện nhiều thách thức và “sức khỏe” doanh nghiệp “ốm yếu”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều động thái hỗ trợ tích cực, chẳng hạn điều chỉnh các mức lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ đà phục hồi và tăng trưởng.

Mới đây nhất, ngày 31/3, NHNN ban hành một loạt quyết định giảm đồng loạt lãi suất điều hành, có hiệu lực ngay từ 3/4 tới đây. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm trong khi lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm. Hàng loạt lãi suất, bao gồm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND cũng được giảm với mức giảm 0,5%.

Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trong năm nay. Trước đó vào ngày 15/3 cơ quan điều hành tiền tệ cũng thông báo giảm 1%/năm các loại lãi suất điều hành, nhưng không bao gồm trần lãi suất huy động và lãi suất tái cấp vốn.

Từ cơ sở điều hành của NHNN, các ngân hàng thương mại cũng rục rịch có động thái giảm lãi suất. Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết tại buổi Họp báo "Kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023" ngày 31/3, đã có 24 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi; và đây là cơ sở để các ngân hàng thương mại có điều kiện để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.

Theo Saigon Ratings, lãi suất cho vay dự báo sẽ ổn định trở lại trong năm 2023 với mức giảm bình quân khoảng 1% từ nay đến cuối năm và tỷ giá USD/VND cũng sẽ tiếp tục xu hướng ổn định.

Dù vậy, theo nhận định chung của giới chuyên gia, việc giảm lãi suất cho vay sẽ có độ trễ để các ngân hàng trung hòa hết vốn lãi cao. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng dù lãi suất cho vay dù được dự báo dần hạ nhiệt, cũng vẫn sẽ duy trì mặt bằng cao tương đối và ít có khả năng quay trở lại thời kỳ vốn rẻ.

 

 

 

chọn
VKS đề nghị tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 'mức án nghiêm khắc nhất'
TP HCMTheo VKS, bà Trương Mỹ Lan phạm tội có tổ chức trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên đề nghị tòa tuyên phạt "mức án nghiêm khắc nhất".