Đứng top đầu thế giới về sản lượng thịt heo nhưng Việt Nam đang phải nhập ồ ạt, nguy cơ thiếu thịt trước Tết

Năm 2018, Việt Nam đứng top đầu thế giới về sản lượng thịt heo. Tuy nhiên, dịch tả châu Phi khiến lượng nhập khẩu thịt heo cả nước 7 tháng đầu năm tăng vọt gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kì.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất thịt heo nhiều nhất thế giới.

Đứng đầu danh sách là Trung Quốc, với sản lượng cung cấp chiếm đến 48% lượng thịt thế giới. Đứng ở vị trí thứ hai là nhóm các nước thuộc Liên minh châu Âu, chiếm 21%. Mỹ đứng thứ ba với sản lượng chiếm 11%. Brazil là nước sản xuất thịt heo lớn thứ tư trên thế giới.

Hai vị trí tiếp theo là Nga và Việt Nam. Như vậy, theo thống kê của USDA, Việt Nam thuộc top đầu thế giới về việc chăn nuôi heo. 

Việt Nam đã tiêu hủy 5 triệu con heo, chiếm 18,5% tổng đàn cả nước

Đưa ra dự báo về nguồn cung thịt heo thế giới năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho rằng các thị trường lớn sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng, như nguồn cung thịt heo của nước dẫn đầu là Trung Quốc sẽ tăng thêm 1,2% so với năm 2018.

vanchuyenheo-15508850671071479343661

Tổng số heo bị tiêu hủy gần 5 triệu con, chiếm 18,5% tổng đàn heo cả nước. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Tuy nhiên, trái ngược với dự báo của USDA, nửa đầu năm nay, dịch tả heo châu Phi đã hoành hành khắp Trung Quốc khiến nguồn cung thịt heo tại nước này giảm mạnh. 

Tại Việt Nam, dịch tả heo châu Phi lần đầu xuất hiện ở Hưng Yên vào đầu năm 2019, đến nay dịch đã lan ra toàn bộ 63 tỉnh thành trên khắp cả nước.

Theo thống kê mới nhất của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), hiện đã có 7.459 xã thuộc 639 huyện khắp cả nước bị dịch tả. Tổng số heo bị tiêu hủy gần 5 triệu con, chiếm 18,5% tổng đàn heo cả nước, trong đó, đàn nái là 3,2 triệu con, giảm 20%. 

Tương ứng số heo bị tiêu hủy là 280.000 tấn, chiếm 7% tổng trọng lượng thịt heo của cả nước. 

Đáng chú ý, tại nhiều địa phương, dịch tả đang có dấu hiệu phức tạp hơn, khi quay lại tấn công những nơi đã công bố hết dịch, hoặc lan cả vào những trang trại quy mô lớn hàng nghìn con, dù theo chủ các trang trại này, đã áp dụng kĩ các biện pháp sinh học để phòng chống.

Nhập khẩu thịt heo gấp 4 lần, giá chỉ 30.000 đồng/kg

Nguồn cung thịt heo trong nước giảm vì dịch tả heo châu Phi khiến tình hình nhập khẩu thịt heo các tháng đầu năm diễn ra ồ ạt.

Nửa đầu năm nay, lượng thịt heo nhập khẩu qua các cảng tại TP HCM là 5.648 tấn, tăng gần 4.800 tấn về lượng, gần 8,1 triệu USD kim ngạch so với cùng kì năm 2018. 

img4323-15527992176611727212476-15617180865471018059148

Lượng nhập khẩu thịt heo cả nước 7 tháng đầu năm tăng vọt gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kì. (Ảnh: Phúc Minh).

Thị trường nhập khẩu thịt heo nhiều nhất của TP HCM là Brazil với 2.368 tấn, kim ngạch 4,39 triệu USD, Mỹ 874 tấn với 1,75 triệu USD, Ba Lan 848 tấn với 1,41 triệu USD…

Đáng chú ý, thịt heo đông lạnh nhập khẩu có giá rẻ hơn so với thịt heo trong nước, trung bình chỉ khoảng 30.000 đồng một kg.

Còn theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, 7 tháng đầu năm, tỉ lệ nhập khẩu thịt heo trên cả nước tăng vọt gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kì năm 2018. 

Cụ thể, 7 tháng qua, cả nước đã nhập 11.700 tấn thịt, kim ngạch nhập khẩu 22,1 triệu USD.

Như vậy, từ một thị trường dẫn đầu về sản lượng thịt heo toàn cầu, trước áp lực của dịch tả châu Phi, cũng như Trung Quốc, tình hình chăn nuôi trong nước đã và đang gặp nhiều khó khăn, kim ngạch nhập khẩu thịt heo cũng tăng gấp nhiều lần so với các năm trước.

Thiếu hụt nguồn cung cuối năm

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, số lượng heo bị tiêu hủy tại nhiều địa phương ngày càng tăng, các cơ quan, đơn vị và công ty nghiên cứu thị trường dự báo, cuối năm nay, Việt Nam có thể thiếu hụt thịt heo do chênh lệch cung cầu.

Công ty nghiên cứu Ipsos Business Consulting dự báo nguồn cung thịt heo Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, tức trước Tết Nguyên đán, Việt Nam có thể thiếu đến 500.000 tấn, tương đương 20% nhu cầu. 

Ipsos đánh giá tâm lí khách hàng có thể bị tác động trước dịch tả, vì vậy cả nguồn cung và nhu cầu đều giảm. Nhưng mức sụt giảm nguồn cung nghiêm trọng nhất từ trước đến nay nên cán cân cung cầu thịt heo trên thị trường bị chênh lệch mạnh.

img4261-15524592123251497422745

Bộ Nông nghiệp cho rằng cơ cấu lại ngành chăn nuôi có thể bù đắp thiếu hụt thịt heo cuối năm. (Ảnh: Phúc Minh).

Trước đó, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương cũng có hàng loạt biện pháp để đảm bảo nguồn cung cầu thịt heo trong các tháng cuối năm. 

Chủ trương của Bộ là thực hiện phương pháp trữ đông thịt heo để dùng dần trong thời điểm cuối năm.

Theo đó, việc thu mua, giết mổ và cấp đông là biện pháp cấp bách và hiệu quả khi nguồn cung giảm đi sẽ cung cấp lại cho thị trường. Bộ Nông nghiệp cho rằng việc này triển khai càng sớm càng tốt khi vừa đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi, vừa giúp giảm ngân sách nhà nước trong việc tiêu hủy và bảo vệ môi trường.

Tại một hội nghị vừa diễn ra về phát triển chăn nuôi heo an toàn sinh học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phùng Đức Tiến cho biết một biện pháp hữu hiệu hiện nay trước nguy cơ thiếu thịt là cơ cấu lại ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản để đảm bảo lượng thịt cung ứng cuối năm.

Theo Thứ trưởng, thời gian qua, chủ trương này đã được triển khai, tốc độ tăng trưởng đàn trâu, bò đã đạt trên 3% về sản lượng. 

Chăn nuôi gia cầm được đẩy mạnh với tốc độ trên 10%, với 409 triệu con, 6 tỉ quả trứng. Nuôi trồng thủy sản trong 8 tháng tăng sản lượng 5,7%.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cho rằng nếu tiếp tục tăng trưởng các ngành chăn nuôi khác thịt heo thì sẽ bù đắp được lượng thịt thiếu hụt. Đồng thời, các trang trại, hộ chăn nuôi nên tiếp tục áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để duy trì đàn heo chưa xảy ra dịch.