Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, giá thịt heo đã tăng 46,7% trong tháng 8 so với năm ngoái, chủ yếu do dịch tả châu Phi. So với tháng 7, giá thịt heo gần như tăng gấp 1/4. Hiện tại, giá heo hơi đang ở mức khoảng 110.000 đồng/kg.
Với dân số 1,4 tỉ người và có "ái lực" với thịt heo, Trung Quốc hiển nhiên có các trang trại heo lớn nhất thế giới, chiếm một nửa tổng số heo toàn cầu và mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người cao nhất. Năm ngoái, số lượng heo sẵn sàng giết mổ là 694 triệu và người Trung Quốc đã tiêu thụ gần 56 triệu tấn thịt heo, gần như bằng với phần còn lại của thế giới cộng lại.
Các nhà kinh tế dự đoán giá thịt heo sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm nay và tiếp tục đà tăng cho đến đầu năm tới. Đáng chú ý, sắp tới Trung Quốc phải đón liên tiếp nhiều ngày lễ lớn từ quốc khánh (1/10) cho đến Tết Nguyên đán.
Quốc khánh, đông chí và Tết Nguyên đán liền kề nhau khiến nhu cầu thịt heo tăng vọt. (Ảnh: Getty).
Trước tình trạng này, Tế Nam, Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Châu với khoảng 130 triệu dân đã phải sử dụng thịt heo từ kho dự trữ quốc gia để nỗ lực bình ổn giá và tăng nguồn cung.
Trang Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng nhận định việc "giải khát" thịt heo còn có ý nghĩa chính trị. Gần đây dân tình Trung Quốc đang dấy lên niềm hồi tưởng về thời bao cấp trong những năm đầu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập. Với dịp kỉ niệm 70 năm, chính quyền Bắc Kinh nhất quyết sẽ không để nhân dân bắt gặp lại cảm giác thiếu thốn như thời sơ khai lập quốc.
Theo ước tính, thịt heo chiếm 2/3 lượng tiêu thụ thịt hàng năm cho một hộ gia đình Trung Quốc không theo đạo Hồi. Giá tăng buộc người tiêu dùng phải đưa ra lựa chọn khó khăn: hoặc tốn nhiều tiền hơn hoặc ăn ít thịt hơn.
Mọi chuyện dần khủng hoảng khi Nam Ninh, thành phố thủ phủ của vùng Tây Nam Quảng Tây, gần đây đã phát hành lại tem phiếu mua thịt chiết khấu. Tem phiếu này cho phép người dân mua thịt heo với giá chiết khấu 10%, nhưng chỉ được mua một kg thịt heo mỗi ngày tại 10 nơi thí điểm.
Tỉnh Phúc Kiến cho ra đời hệ thống tem phiếu để mua thịt heo như thời bao cấp. (Ảnh: Telegraph).
Tin tức ngay lập tức lan truyền trên toàn quốc, không chỉ vì mức độ nghiêm trọng của việc thiếu thốn thịt heo, mà quan trọng hơn là vì nó gợi lên những kí ức về hệ thống tem phiếu có mặt khắp nơi trong thời bao cấp. Những năm 1950, Trung Quốc cũng từng vận hành hệ thống tem phiếu, giới hạn hàng loạt các mặt hàng mà người dân nhận được theo mô hình kinh tế "tự cung tự cấp". Đến những năm 1980, Bắc Kinh thi hành chính sách mở cửa, nền kinh tế bao cấp bị triệt tiêu.
Tem phiếu giảm giá này cũng tồn tại ở một vài thành phố phía Nam của tỉnh Phúc Kiến. Hệ thống tem phiếu này được dự kiến sẽ duy trì đến cuối năm do nhu cầu cao điểm. Chính quyền quận Lệ Thành của thành phố Phủ Điền ở tỉnh Phúc Kiến, từ thứ Sáu, sẽ cung cấp cho người dân khoản trợ cấp 4 nhân dân tệ mỗi kg cho việc mua thịt heo.
Thư thả hơn, người dân được mua tới 2 kg thịt mỗi người. Người tiêu dùng ở Hạ Môn, một thành phố khác ở Phúc Kiến, cũng có tem phiếu, nhưng được mua hẳn 2,5 kg thịt mỗi ngày, kể từ đầu tháng 8.
Báo chí nước này nhận định Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường rất quan tâm đến tình hình thịt heo, và yêu cầu phải phục hồi ngành chăn nuôi càng sớm càng tốt. Suốt mấy tháng qua, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra một loạt biện pháp để khống chế dịch bệnh lây lan, hỗ trợ cho những gia đình nông dân có heo chết do dịch bệnh, khuyến khích khôi phục đàn heo và chi 3,23 tỉ nhân dân tệ để hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp mua thịt.
Hiện tại, người Trung Quốc chỉ dùng 60% lượng thịt trong bữa ăn từ heo. (Ảnh: SCMP).
Ngoài ra, người dân khắp cả nước đang được tuyên truyền nên chuyển khẩu vị sang thịt bò và thịt cừu. Truyền thông đang dùng danh nghĩa "giúp mọi người có được cuộc sống khỏe mạnh hơn" để tung hô về lợi ích của 2 loại thịt thay thế trên.
Mặc dù, trước khủng hoảng, mức tiêu thụ thịt heo của Trung Quốc so với các loại thịt khác đã giảm từ khoảng 90% trong những năm 1980 xuống còn khoảng 60%.