EVN sẽ hết độc quyền, người dân có thể thỏa thuận giá bán lẻ điện từ sau 2025

Khi triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn là đơn vị duy nhất bán lẻ điện, thay vào đó người dân có thể lựa chọn đơn vị bán lẻ khác và được đàm phán giá điện.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản vốn nhà nước tại doanh nghiệp về chủ trương xây dựng, phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý chủ trương triển khai xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và nghiên cứu điều chỉnh qui định về giá bán lẻ điện phù hợp phát triển của thị trường điện.

Đây là một trong những chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng liên quan đến thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, làm tiền đề để áp dụng thí điểm vào năm 2021.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai công tác cần thiết tiếp theo để xây dựng và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; khẩn trương rà soát, thực hiện các thủ tục cần thiết theo qui định để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về việc bổ sung qui định giá phân phối điện vào Luật điện lực, tạo điều kiện triển khai thị trường bán lẻ điện.

Đồng thời, xây dựng đề án tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.

Bên cạnh đó, Thủ trướng giao Ủy ban quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết theo qui định của pháp luật để chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia theo qui định tái cơ cấu ngành điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 168.

Và phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

EVN sẽ hết độc quyền, người dân có thể thỏa thuận giá bán lẻ điện từ sau 2025 - Ảnh 1.

Hiện tại, 5 Tổng công ty điện lực (TP Hà Nội, TP HCM, miền Bắc, miền Trung, miền Nam) là đơn vị bán lẻ chiếm khoảng 94% tổng sản lượng điện thương phẩm. (Ảnh: EVN)

Trước đó, tại Tờ trình phê duyệt chủ trương xây dựng, phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch phát triển từng giai đoạn cho thị trường bán lẻ điện.

Giai đoạn 1 (2020 - 2021): Giai đoạn thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết cho vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong giai đoạn 2 (2022 – 2023).

Giai đoạn 2 (2022 - 2023): Khách hàng sử dụng điện lớn tham gia mua điện từ thị trường giao ngay. 

Cụ thể, các khách hàng sử dụng điện lớn đủ điều kiện được mua điện trên thị trường điện giao ngay, trong đó ưu tiên thí điểm cơ chế kí hợp đồng song phương trực tiếp giữa khách hàng lớn và các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).

Các khách hàng sử dụng điện chưa tham gia thị trường bán lẻ điện: Tiếp tục mua điện từ các Tổng công ty điện lực theo biểu giá bán lẻ do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Giai đoạn 3 (2024 - 2025): Khách hàng sử dụng điện lớn lựa chọn đơn vị bán lẻ điện. Đối với nhóm khách hàng tham gia thị trường điện, mở rộng nhóm khách hàng sử dụng điện lớn đủ điều kiện được tham gia mua điện trên thị trường điện giao ngay; cho phép một số khách hàng sử dụng điện lớn tại một số khu vực được quyền lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện.

Các khách hàng sử dụng điện còn lại: Tiếp tục mua điện từ các Tổng công ty điện lực theo biểu giá bán lẻ do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Giai đoạn 4 (sau 2025): Phát triển mở rộng thị trường bán lẻ điện. Đối với nhóm khách hàng tham gia thị trường điện, mở rộng đối tượng khách hàng lớn được tham gia mua điện trên thị trường điện giao ngay; mở rộng phạm vi thị trường bán lẻ điện, cho phép các khách hàng sử dụng điện trên toàn quốc được quyền lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện (theo lộ trình phù hợp với quy mô tiêu thụ điện của khách hàng).

Các khách hàng không tham gia thị trường: Mua điện từ các đơn vị bán lẻ điện mặc định (các Tổng công ty điện lực) theo biểu giá do cơ quan có thẩm quyền qui định.

Như vậy, có thể thấy từ sau 2025, người dân muốn tham gia vào thị trường bán lẻ điện có thể lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, khi triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đối với các đối tượng khách hàng tham gia thị trường bán lẻ cần sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg để giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị bán lẻ điện và khách hàng sử dụng điện thỏa thuận, thống nhất theo hợp đồng song phương.

Do đó, giá bán lẻ điện được xác định trên cơ sở đàm phán thống nhất giữa 2 bên mua bán điện.

Theo dự kiến, thị trường bán lẻ điện được phát triển mở rộng theo từng bước. Trong giai đoạn đầu, một phần khách hàng sử dụng điện trực tiếp tham gia thị trường (mua điện hoàn toàn theo giá thị trường cạnh tranh, không áp dụng các cơ chế bù giá); các khách hàng còn lại mua điện theo biểu giá do Nhà nước qui định.

Đến khi đủ điều kiện cho phép sẽ mở rộng phạm vi để 100% khách hàng được tham gia thị trường bán lẻ điện (khi đó giá điện hoàn toàn theo thị trường, không bù giá trong giá điện và các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ thu nhập thấp cần được tách bạch rõ ràng, độc lập với giá bán lẻ điện).

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.