Với giới nhiếp ảnh gia, việc “săn” một bức ảnh đẹp cho một đỉnh núi cũng khó khăn ngang bằng việc chinh phục nó. Nhiều người cho rằng, một đỉnh núi được xem là “nàng thơ” của giới nhiếp ảnh không chỉ cần mỗi phong cảnh thiên nhiên ngoạn mục. Khái niệm “ăn ảnh” (photogenic) cũng có thể áp dụng cho chính những ngọn núi. Ví dụ, Phú Sĩ (Nhật Bản) được xem là một huyền thoại do có tỷ lệ cân đối hoàn hảo, hay Matterhorn (Thụy Sĩ) được băng tuyết bao phủ quanh năm tạo khung cảnh choáng ngợp.
Tại châu Á, đỉnh Fansipan của Việt Nam chính là một trong những nguồn cảm hứng bất tận của giới nhiếp ảnh gia, bên cạnh những “nàng thơ” hùng vỹ và mộng mơ khác là Batur (Indonesia), Hallasan (Hàn Quốc)…
Không có tạo hình chỉ cần nhìn là ấn tượng như các ngọn núi nổi tiếng khác trên thế giới, đỉnh Fansipan quyến rũ nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa thiên nhiên, khí hậu và những công trình tâm linh hùng vĩ giữa mây ngàn.
Là đỉnh núi cao nhất Đông Dương, mỗi mùa, mỗi thời điểm, Fansipan lại khoác lên vẻ quyến rũ khác nhau. Người ta nói, nơi đây hội tụ linh khí của đất trời nước Nam, nên cứ đặt chân đến đỉnh thiêng Fansipan, mỗi người lại thấy như được tiếp thêm sức mạnh, và trong tâm lan tỏa một sự bình yên lạ lùng.
Fansipan cũng sở hữu “bộ sưu tập” những khoảnh khắc không thể tìm thấy được ở nơi nào trên dải đất hình chữ S. Đó có thể là khoảnh khắc tuyết phủ trắng quần thể tâm linh thâm nghiêm, là giây phút hàng ngàn tinh tú rực sáng trên nền trời đêm, hay ánh hoàng hôn nhuộm vàng biển mây bồng bềnh, hoặc khi mây cuồn cuộn chảy như thể một dòng sông đang đổ thành thác mây xuống những triền núi.
“Đánh thức” nhiếp ảnh gia
Dễ dàng tìm kiếm hình ảnh của đỉnh Fansipan trên Internet nhưng không phải ai cũng biết trước năm 2016, Fansipan dường như vẫn là một “thiên đường ngủ quên” mà những tay máy chỉ mới nghĩ đến việc chinh phục đã thấy khó chứ chưa nói đến việc săn ảnh.
Sự hiểm trở khiến đỉnh Fansipan được mặc nhiên xem như một thử thách chỉ dành cho những người đam mê chinh phục, gan dạ và đủ sức khỏe để băng qua rừng già, mất tới 2-5 ngày đêm leo rừng, ngủ núi khá vất vả mới tới được. Nóc nhà Đông Dương khi đó như một thiên đường ngủ quên, một miền đất hứa của nhiều nhiếp ảnh gia đã tới và đem lòng yêu Sa Pa, nhưng không thể đặt chân tới do mất quá nhiều thời gian di chuyển.
Năm 2016, tuyến cáp treo do Tập đoàn Sun Group kiến tạo và được thực hiện bởi nhà sản xuất cáp treo nổi tiếng nhất thế giới Doppelmayr Garaventa đã mở ra cơ hội chinh phục ngọn núi cao nhất Đông Dương cho du khách mọi lứa tuổi. Từ hành trình di chuyển 2-5 ngày đêm rút ngắn chỉ còn 15-20 phút bay giữa tầng mây. Còn với giới nhiếp ảnh gia, cơ hội săn ảnh đẹp của một kỳ quan thiên nhiên đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Có lẽ, chính “cơn tỉnh giấc” này đã tạo nên một sức bật đáng kinh ngạc cho Fansipan. Tra cứu nhanh trên những kho lưu trữ hình ảnh lớn nhất thế giới như Getty Images, Shutterstock, Alamy… ta có thể thu được những con số đáng kinh ngạc về đỉnh Fansipan. Hơn 17.000 ảnh Fansipan trên Getty Images, trong khi đó, Hallasan – đỉnh núi cao nhất Hàn Quốc thu về hơn 15.000 kết quả, Kirkjufell- ngọn núi nổi tiếng tại Iceland khi xuất hiện trên phim Trò chơi vương quyền có hơn 2.000 ảnh.
Con số này chứng tỏ Fansipan không chỉ lọt vào mắt xanh của các nhiếp ảnh gia Việt Nam và châu Á, mà cũng được cộng đồng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế quan tâm.
Nguồn cảm hứng sáng tác bất tận
Với độ cao 3.143m, đỉnh Fansipan thường tách biệt mình với thế giới bằng cách ẩn mình trên những biển mây, tạo nên một vẻ bí ẩn thôi thúc những nhiếp ảnh gia lên đường. Theo quan niệm của người bản địa Sa Pa, Fansipan chính là cổng trời, nơi bốn mùa mây giăng, nơi dẫn lối đến miền tiên cảnh.
Khi cánh cửa cabin cáp treo Fansipan mở ra, du khách đã thấy đất trời hòa làm một, biển mây cuồn cuộn chảy, ánh nắng mặt trời rực rỡ hơn ở bất cứ nơi nào khác trên Việt Nam. Và nếu đến Fansipan vào một ngày đầy mây, bạn sẽ thấy như đang xuyên không về quá khứ, nửa thực nửa mơ, giữa sương giăng mây phủ, ẩn hiện những công trình tâm linh mang dáng dấp chùa Việt cổ thế kỷ 15-16.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Tú- người từng may mắn chiêm ngưỡng khoảnh khắc bình minh tại đỉnh thiêng Fansipan đã ghi lại được một khung cảnh siêu thực. Bức ảnh lột tả thời khắc ánh nắng làm sương tan dần, những vạt nắng chênh chếch chiếu qua không gian, hắt lên chóp kim loại ghi dấu mốc đỉnh cao 3.143m, tạo nên những vệt hắt ánh sáng rực rỡ.
Anh không giấu nổi sự ấn tượng của mình trước vẻ đẹp nơi Nóc nhà Đông Dương: “Chúng tôi lặng người đi trước khung cảnh đắt giá. Rất khác những buổi bình minh mà chúng tôi đã từng được chứng kiến. Không giống cao nguyên, không giống biển, càng không giống ở chốn thị thành. Đôi khi có những thời khắc chúng ta có thể ghi lại trong những khuôn hình, nhưng xúc cảm của con người chỉ có thể tự cảm nhận, in hằn sâu trong đáy mắt và lưu giữ trong tim”.
Không chỉ biến hóa vào từng thời gian trong ngày, vẻ đẹp của Fansipan còn biến hóa theo mùa, điều đối với những nước có khí hậu thuần nhiệt đới như Đông Nam Á là rất hiếm.
Mùa đông, nhiệt độ trên đỉnh Fansipan có thể xuống tới -9 độ C, khiến đây là một trong những nơi hiếm hoi tại Đông Nam Á có thể ngắm được băng tuyết. Có lúc, thảm tuyết dày đến hơn nửa mét, khung cảnh đẹp kỳ thú như bước ra từ một câu chuyện cổ tích của vùng Bắc Âu xinh đẹp.
Trong tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Cường, đỉnh núi hiện lên hút hồn với khung cảnh tuyết trắng xóa. Khi ấy, tuyết phủ dày đến 60 cm, tạo nên một cảnh tượng thiên nhiên hết sức kỳ thú. “Nhìn gốc đỗ quyên cổ thụ vươn mình trong gió tuyết như muốn ôm lấy và che chở cho những ngôi chùa trên đỉnh Fansipan tạo nên một bức tranh vừa sống động vừa gần gũi, ấm áp trong thời tiết giá lạnh của mùa đông nơi miền biên viễn”, anh nói.
Vẻ đẹp của Fansipan còn nằm ở những công trình tâm linh kỳ vĩ giữa mây ngàn được tạo tác kỳ công bởi bàn tay, khối óc người Việt. Năm 2021, tác phẩm “Tượng Phật trên Nóc nhà Đông Dương” của nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh xuất sắc giành giải 3 thể loại ảnh Kiến trúc, hạng mục Professional trong cuộc thi ảnh đen trắng uy tín hàng đầu thế giới Monochrome Awards. Trong ảnh, Đại tượng Phật hiện lên uy nghi và huyền hoặc trong bảng lảng mây bay. Thoạt nhìn, thật khó tin đây là một khung cảnh có thật, đang hiện hữu trên hành tinh này.
Đại Tượng Phật A Di Đà trong mây trắng cũng là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận với nhiều nhiếp ảnh gia. Đây là bức tượng Phật bằng đồng ở độ cao cao nhất Việt Nam, có chiều cao 21,5m, được tạo thành bởi hàng ngàn vạn tấm đồng dày 5mm, với tổng trọng lượng 62 tấn.
Bốn mùa hoa nở, cảnh sắc thiên nhiên biến ảo từng phút giây khiến Fansipan hiện lên muôn hình vạn trạng trong mỗi bức ảnh. Song chẳng khó để nhận ra vẻ đẹp ấy dường như có một công thức chung, là sự hài hòa giữa thiên nhiên choáng ngợp của núi rừng Tây Bắc và những công trình thể hiện khả năng vô hạn của con người.
Fansipan bởi thế, là vẻ đẹp của non sông, của trí tuệ Việt mà những nhiếp ảnh gia tự hào giới thiệu đến thế giới. Những bức ảnh cũng là lời mời gọi tới bất kỳ du khách nước ngoài nào muốn đến tận mắt chiêm ngưỡng vì chắc chắn, không bức ảnh tĩnh nào có thể mô tả được hoàn hảo vẻ đẹp của Fansipan.