Gia tộc giàu nhất Hong Kong sốt sắng gây dựng quan hệ ở đại lục khi mất gần 8 tỉ USD trong một năm

Sự bán tháo cổ phiếu Sun Hung Kai Properties là tin xấu đối với gia đình giàu nhất Hong Kong, qua đó phản ánh viễn cảnh ảm đạm của đặc khu hành chính.

Sun Hung Kai Properties là tập đoàn bất động sản lớn nhất ở Hong Kong và thuộc quyền điều hành của gia tộc Kwok. Trong 12 tháng qua, giá trị vốn hóa của tập đoàn giảm gần 8 tỉ USD - mức giảm mạnh nhất trong số các gia tộc tỉ phú ở châu Á, theo Bloomberg.

Ảnh hưởng của làn sóng biểu tình dai dẳng ở Hong Kong và cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ năm 1997, giá cổ phiếu của Sun Hung Kai Properties trên thị trường chứng khoán đã giảm giảm 11% từ đầu năm, khiến giá trị vốn hóa hiện nay chưa bằng một nửa giá trị tài sản ròng thực tế của tập đoàn.

Tình trạng bán tháo cổ phiếu Sun Hung Kai Properties không chỉ là tin xấu đối với gia đình giàu nhất Hong Kong, mà còn phản ánh viễn cảnh ảm đạm của đặc khu hành chính.

Với danh mục bất động sản gồm nhiều tòa nhà văn phòng, khách sạn, trung tâm mua sắm và tòa nhà chung cư, Sun Hung Kai từng tăng trưởng nhanh hơn phần lớn doanh nghiệp khác. Đà lao dốc của cổ phiếu Sun Hung Kai cho thấy sự lo ngại tăng dần của giới đầu tư đối với triển vọng của Hong Kong trong bối cảnh Trung Quốc tăng mức độ kiểm soát đối với đặc khu hành chính.

Mất gần 8 tỉ USD trong một năm, gia tộc giàu nhất Hong Kong vội vã gây dựng quan hệ ở đại lục - Ảnh 1.

Ông Raymond Kwok (người ngồi giữa), Tổng giám đốc của tập đoàn bất động sản Sun Hung Kai. (Ảnh: SCMP).

Giáo sư Gilles Hilary của Đại học Georgetown (Anh) nhận định giá trị bất động sản ở Hong Kong sẽ không bao giờ có thể tăng tới mức cao như trước đây.

"Giá trị dài hạn của các bất động sản gắn với Hong Kong và mối quan hệ của Hong Kong với Trung Quốc", ông giải thích.

Mặc dù gia tộc Kwok thể hiện sự tin tưởng vào tương lai của Hong Kong và chủ tịch tập đoàn Sun Hung Kai ủng hộ luật an ninh mới của Trung Quốc, họ đã bắt đầu thực hiện các bước để đa dạng hóa tài sản, bao gồm chiến lược đầu tư vào đại lục. Hồi tháng 8 năm ngoái, lần đầu tiên họ đã đưa một người từ đại lục vào ban quản trị.

Hiện tại, Sun Hung Kai đang xây một trong những tòa nhà thương mại lớn nhất ở Thượng Hải và họ chi 1,9 tỉ USD để mua một mảnh đất ở thành phố Hàng Châu. Khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn ở Hong Kong cũng hướng về đại lục. Hồi tháng 11, họ chi tới 5 tỉ USD để mua một mảnh đất gần một nhà ga đường sắt mới xuyên biên giới. 

Vì những khó khăn ở Hong Kong, giới phân tích hiểu lí do Sun Hung Kai tăng mối quan hệ ở đại lục. Jackson Wong - Giám đốc quản lý tài sản tại Amber Hill Capital, nhận định các doanh nghiệp bất động sản ở Hong Kong vẫn vật vã kiếm lợi nhuận từ thị trường Trung Quốc, một phần vì thiếu quan hệ.

"Quan hệ là nền tảng của thành công trong kinh doanh ở đại lục", Jackson Wong phát biểu.

Trong một email trả lời Bloomberg, Sun Hung Kai khẳng định họ vẫn tập trung vào Hong Kong và đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ đặc khu hành chính duy trì vị thế một trung tâm tài chính.

"Khoảng 80% tài sản của chúng tôi nằm ở Hong Kong và phần còn lại nằm ở đại lục", Sun Hung Kai nhấn mạnh.

Gia tộc Kwok từng xóa tan nghi ngại của giới quan sát nhiều lần. Khủng hoảng tài chính châu Á và đại dịch SARS đẩy bất động sản Hong Kong vào một trong những giai đoạn tệ nhất lịch sử trong thời kỳ 1998 - 2003. 

Bất chấp thực tế khắc nghiệt, tập đoàn vẫn đầu tư mạnh vào Trung tâm Tài chính Quốc tế. Khu phức hợp văn phòng - trung tâm thương mại ấy là một trong những tài sản biểu tượng của Sun Hung Kai với giá thuê thuộc hàng cao nhất thế giới.

Với các tài sản nổi bật, lượng tiền mặt dồi dào cùng hơn 12 km2 đất ở Hong Kong và Trung Quốc, nhà Kwok có thể chống chịu đợt lao dốc trên thị trường bất động sản, Joseph Fan - Giáo sư tại Đại học CUHK - dự báo.

"Cả gia đình Kwok và tập đoàn đều có tài chính tốt, giúp họ vượt qua thời kì khó khăn", vị giáo sư nói.

Dù vậy, khả năng hồi phục lần này khá khó khăn. Trong ngắn hạn, kinh tế Hong Kong vẫn chịu tác động từ các cuộc biểu tình và đại dịch bùng phát trở lại. Đặc khu hành chính đang chìm trong cuộc khủng hoảng tệ nhất lịch sử, tỉ lệ trống tại các văn phòng cao nhất 15 năm, giá thuê trung tâm thương mại và giá nhà đều lao dốc.

Giả sử những thách thức hiện tại biến mất, rủi ro dài hạn với nhà Kwok vẫn là xu hướng Trung Quốc tăng mức độ kiểm soát Hong Kong. Chủ trương của Bắc Kinh đang khiến niềm tin doanh nghiệp giảm sút, có thể gây sức ép lên giá thuê bất động sản thương mại tại đây, kể cả nếu nhu cầu từ doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên. Bất động sản nhà ở cũng sẽ có xu hướng tương tự nếu người Hong Kong và lao động nước ngoài rút khỏi thành phố.

chọn