Ngân hàng Citigroup nhận thấy nhu cầu vàng ở khu vực nhà nước tăng lên khoảng 450 tấn sau khi giảm còn 375 tấn trong năm nay, mức thấp nhất trong một thập kỉ.
Trước đó trong báo cáo triển vọng hàng hóa quí mới nhất, các nhà phân tích của Citigroup (bao gồm chuyên gia cấp cao Aakash Doshi) cho biết thị trường kim loại quí có thể chưa đánh giá đúng các bất ổn xoay quanh quá trình và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
Ngân hàng này dự báo giá vàng giao sau có thể tăng hơn 200 USD/ounce so với mốc hiện tại.
Giá vàng đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8, khi nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn để tránh rủi ro trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế thế giới.
Công ty HSBC Securities dự đoán nhu cầu mua vàng tăng nhẹ lên 400 tấn, từ mức ước tính trước đấy 390 tấn trong năm 2020.
Mặc dù những dự báo được đưa ra thấp hơn so với ngưỡng gần cao nhất thiết lập hồi năm 2018 và 2019 là 600 tấn, việc các ngân hàng tăng cường mua vàng cũng sẽ giúp đẩy giá vàng miếng.
Nga có thể quay trở lại thị trường trong mùa xuân tới và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể tăng cường mua vàng dự trữ trở lại sau cuộc bầu cử thổng thống Mỹ, ngân hàng Citi nhận định hồi đầu tháng 9.
Điều này có thể tác động lớn hơn tới thị trường nếu các quĩ giao dịch hối đoái (ETF) giảm hoạt động mua của họ khi các nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ đại dịch Covid-19. Các quĩ ETF cũng là nhân tố chính giúp đẩy giá vàng thời gian qua.
“Mặc dù nhu cầu vàng ở khu vực nhà nước tăng mạnh trong năm 2018 và 2019, sang năm nay nhu cầu hạ nhiệt, nhưng nhìn chung cũng không phải ở mức thấp. Thế nhưng dù gì đi chăng nữa, lượng mua vào của các ngân hàng trung ương vẫn đứng sau các quĩ ETF ” ông James Steel, chuyên gia phân tích tại HSBC nhận định.
Giá vàng miếng và các tài sản trong quỹ ETF đã tăng cao lên mức kỉ lục trong năm 2020 trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm kênh trú ẩn an toàn khi dịch Covid-19 tác động nặng nền đến nền kinh tế toàn cầu.
Giá vàng giao ngay giảm từ mức cao kỉ lục nhưng đồng thời cũng chuẩn bị kết thúc tháng giảm mạnh nhất kể từ năm 2016, thế nhưng vẫn đang trên đà tăng quí thứ 8 nhờ dòng chảy vốn ổn định từ các quĩ ETF.
Colombia và Uzbekistan là hai trong số những quốc gia giảm lượng vàng dự trữ trong những tháng gần đây và Philippines cũng phát đi những tín hiệu tương tự. Nga tuyên bố sẽ tạm hoãn mua vàng kể từ tháng 4.
“Hoạt động mua ròng của các ngân hàng trung ương đã chậm lại nhưng vẫn tích cực, do đó hiện vẫn chưa có rủi ro về rằng các ngân hàng này là nguyên nhân chính tạo áp lực lên giá vàng giống như những gì xảy ra những năm 90”, ông Bernard Dahdah, chuyên gia phân tích hàng hóa cao cấp tại Natixis SA, nhận định.
Trong khi các ngân hàng Trung ương mua ròng trong 10 năm liên tiếp, nhưng nhu cầu đã trở nên tập trung hơn và ít ngân hàng bổ sung dự trữ vào năm 2020, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Theo đó, lượng vàng mua vàng trong nửa đầu năm nay giảm 39% so với cùng kì năm ngoái xuống 233 tấn.
Ông Shaokai Fan, Trưởng phòng Quan hệ Ngân hàng Trung ương tại WGC nhận định các ngân hàng trung ương nên xác định việc phân bổ vàng phù hợp với tình hình hiện tại của mình. Một số ngân hàng có thể giảm tỉ lệ giữ vàng trong kho dự trữ vì khối lượng đã quá lớn, đặc biệt là khi giá vàng tăng.
Chuyên gia phân tích Suki Cooper đến từ Standard Chartered cũng dự đoán các ngân hàng trung ương vẫn mua ròng mặc dù họ vẫn đang bán ra. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng lượng mua giảm xuống 400 tấn trong năm tới từ mức 417 tấn của năm 2020.