Nhiều năm gần đây, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công luôn là câu chuyện “nóng” tại tỉnh Bình Dương. Dù đã có những giải pháp cứng rắn, thậm chí đã tổ chức kiểm điểm nhưng tiến độ giải ngân vẫn luôn bị đình trệ.
Hệ luỵ của nó là hàng loạt công trình, dự án đầu tư công dù có tiền mà không thanh toán được nên việc triển khai thi công nhỏ giọt; không những làm chậm tiến độ xây dựng các dự án đầu tư mà đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương.
Là người thường xuyên đi lại trên tuyến Quốc lộ 13, anh Nguyễn Văn Trung cho biết, trước đây đoạn đường này ít xe đi lại nhưng những năm gần đây lượng xe cộ qua lại khá đông nên gây kẹt xe.
"Tầm giờ chiều hay bị kẹt xe, nên xe container, xe khách lấn, bóp còi in ỏi. Xe máy thì leo lên vỉa hè, xe khách nhỏ, ô tô 4-5 chỗ chen vào làn xe máy nên rất nguy hiểm đến người tham gia giao thông. Tôi nghe nói có thông tin mở rộng quốc lộ 13 nhưng không biết đến khi nào mới triển khai", anh Trung cho biết.
Tâm sự của anh Trung cũng là nỗi niềm chung của những người hàng ngày đi qua đoạn Quốc lộ 13, trục giao thông huyết mạch của Bình Dương. Để giải toả ách tắc giao thông, năm 2016, Bình Dương đã phê duyệt Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ điểm giao cầu Phú Long đến nút giao ngã tư Hòa Lân.
Tỉnh giao cho Ban quản lí dự án đầu tư-Xây dựng tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư với hơn 760.000 tỉ đồng để thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Là một dự án giao thông quan trọng nhưng cho đến nay vốn cứ nằm mãi trong két để chờ được giải ngân cho từng hạng mục.
Một dự án khác là tuyến đường trục chính Đông Tây đoạn từ Quốc lộ 1A (Bến xe miền Đông mới) đến giáp Quốc lộ 1K khoảng 3.640m ở thành phố Dĩ An cũng vậy. Dù nguồn vốn đầu tư công đã được bố trí từ năm 2016, chủ đầu tư là UBND thành phố Dĩ An nhưng cho đến giờ vẫn chưa giải ngân được đồng nào. Trong khi đó, lưu lượng xe cộ đi qua tuyến đường này càng ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng thường xuyên kẹt xe cả vào giờ thấp điểm và cao điểm.
Không chỉ lĩnh vực giao thông mà việc giải ngân cho nhiều dự án môi trường cũng hết sức chậm chạp. Đơn cử như Dự án trục thoát nước Bưng Biệp-Suối Cát hay Dự án thoát nước và xử lí nước thải khu vực thành phố Dĩ An… Bao năm nay cứ trải ra làm mà vẫn không xong vì có tiền mà không tiêu được. Chính vì thế mà khu vực này vẫn ngập úng mỗi khi mưa xuống, hàng ngàn dân cư ở đây phải bì bõm lội qua đường.
Lí giải việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương nêu ra vô số lí do: Bị vướng về thủ tục đất đai, hồ sơ phải điều chỉnh cho phù hợp qui hoạch sử dụng đất, qui hoạch xây dựng; khi thi công thực hiện đã phát sinh thêm một số điểm cần phải điều chỉnh lại thiết kế; rồi đơn vị trúng thầu năng lực yếu, triển khai chậm...
Trong khi đó, các chủ đầu tư lại lơ là, thiếu trách nhiệm làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân; và đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cứ “dậm chân tại chỗ” nên các nhà thầu phải “nằm chờ đợi”.
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Trưởng phòng Tổng hợp, Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, hai năm trở lại đây, giá đất ở Bình Dương tăng cao khiến các dự án gặp khó trong công tác bồi thường vì người dân không đồng thuận, chần chừ chưa giao đất. Các chủ đầu tư thiếu mặt bằng và đất sạch thì không thể triển khai được nên dù nguồn vốn tỉnh đã bố trí nhưng không giải ngân được là vậy.
“qui định cưỡng chế có nhưng để thực hiện cưỡng chế là khâu rất phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân mà cái đó chủ trương của Nhà nước không muốn người dân bị thiệt hại và đảm bảo ổn định đời sống. Do đó cái cần tập trung tháo gỡ là sự chủ động của chủ đầu tư, đặc biệt là các cấp chính quyền huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ nếu đã giải tỏa được 90%, 10% còn lại phải tích cực hơn nữa”, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.
Trong vô vàn những lí do gây chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công mà đến nay chưa thấy lối thoát, tỉnh Bình Dương đã nhận thấy hạn chế, khuyết điểm do các cán bộ sở, ngành và các cấp chính quyền cơ sở chưa chủ động triển khai tích cực.
Chính vì vậy, tỉnh Bình Dương đã gỡ khó bằng cách triển khai nhiều giải pháp; trong đó đã giao việc giải phóng mặt bằng về cho địa phương thực hiện; nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư khi triển khai dự án từ khâu chuẩn bị hồ sơ, thủ tục… cho đến việc tổ chức giải phóng mặt bằng và thi công các hạng mục phải theo qui định gắn với tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.
Đồng thời, phát huy hết vai trò giám sát của HĐND tỉnh trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công để khi cần có thể đề xuất, kiến nghị hoặc tìm giải pháp khả thi để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc.
Ông Nguyễn Tầm Dương, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương cho biết: "Công trình, dự án đầu tư công đa số là những cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phát triển kinh tế-xã hội. Nó là điều kiện quan trọng để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội những năm sắp tới. Đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Nhà nước cho nên HĐND phải đặc biệt quan tâm, thường xuyên giám sát lĩnh vực này”.
Năm 2019, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Bình Dương lên tới 12.400 tỉ đồng; đến cuối năm chỉ giải ngân được tầm 67% so với kế hoạch; thấp hơn nhiều so với 2 năm trước đó. Riêng kết quả giải ngân theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, thì đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 62% so với kế hoạch đầu kỳ; trong khi thời gian thực tế thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này chỉ còn 9 tháng.
Việc giải ngân chậm chạp vốn đầu tư công ở Bình Dương đang làm chậm tiến độ các dư án đầu tư và công trình dân sinh cấp thiết. Đặc biệt là các dự án trọng điểm phục vụ cho phát triển kinh tế, mở rộng giao thông, bảo vệ môi trường nên vô hình chung đang kìm hãm mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Từ đầu năm nay, Luật Đầu tư công đã có hiệu lực, đây được xem là cơ sở pháp lí quan trọng để tháo gỡ những nút thắt cho tỉnh Bình Dương về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí vốn linh hoạt. Thế nhưng, do vẫn chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn nên dù Luật đã có hiệu lực vẫn chưa đi vào cuộc sống.
Trong khi đó, các qui định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng còn chồng chéo lẫn nhau đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các qui định về thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu còn kéo dài… vẫn đang là lực cản cho các chủ đầu tư khi triển khai thực hiện các dự án.
Chính vì vậy, tiền vẫn nằm trong két mà không giải ngân được là một thực tế kéo dài, nếu như những vấn đề đã nêu không được tháo gỡ một cách đồng bộ.