Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ đặc biệt quan trọng của dân tộc Việt Nam. Cứ đến ngày lễ này, mặc dù không ai bảo ai thì mọi người dân đều tạm gác lại những công việc và hành hương về đất tổ Phú Thọ với lòng thành kính, biết ơn gửi đến những vị vua thời sơ khai của đất nước.
Lễ vật dâng cúng các vị Vua Hùng đó chính là 2 loại bánh đặc sản truyền thống được lưu truyền trong truyền thuyết của dân tộc.Theo hướng dẫn về nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009 của Bộ Văn hóa, lễ vật dâng cúng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương gồm có các lễ sau:
18 cái bánh dày
18 cái bánh chưng
Hương, hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả
Trong đó với con số 18 là con số đại diện cho 18 đời Vua Hùng đã có công xây dựng và giữ gìn đất nước. Theo quan niệm dân gian bánh chưng và bánh dày là loại bánh ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Cụ thể, bánh dày có hình tròn và thuộc hệ dương, không có góc cạnh, hình khối cụ thể, có thể giãn nở mọi phía, tượng trưng cho trời nên có màu trắng và không có nhân bánh. Còn bánh chưng có hình vuông, thuộc hệ âm, có góc cạnh và hình khối cụ thể, tượng trưng cho đất đai, hoa cỏ, cây cối nên có màu xanh, bên trong có nhân thịt và đậu xanh đãi vỏ.
Với sự đối lập giữa âm và dương, trời và đất, vuông và tròn đã nói lên những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình nghĩa vợ chồng, công ơn sinh thành, dưỡng dục lớn như biển trời của cha mẹ.
Ngoài ra, xét theo tín ngưỡng phồn thực và triết lý “Nõ – Nường – Chày – Cối – Chưng – Dày”, hai hình ảnh trên còn biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở. Bánh chưng biểu tượng cho cha Rồng, bánh dày biểu tượng cho mẹ Tiên. Cha Rồng và mẹ Tiên chính là nguồn gốc của cộng đồng dân tộc Lạc Việt.
Mâm lễ cúng Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ có lễ chay, lễ mặn khác nhau tuỳ vào mỗi gia đình và tùy vào phong tục tập quán của mỗi vùng miền cũng sẽ gồm các món lễ vật khác nhau.
Bánh chưng và bánh dày là 2 sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài còn cơm tẻ cũng do Vua Hùng dạy cho dân cấy lúa mà ra, là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như là có âm có dương đầy đủ.
Nếu là mâm cỗ chay thì cần phải có hai lễ vật quan trọng đó là bánh chưng và bánh dày. Còn nếu là mâm cỗ mặn thì gia chủ có thể làm các món từ thịt heo, thịt bò, thịt dê, hay có thể thay thế bằng thịt gà luộc và một số món mặn khác. Ngoài ra, hương, hoa, trầu cau, muối, gạo là những lễ vật không thể thiếu dù là cúng chay hay cúng mặn