Đua nhau đi chợ hộ
Một trong những loại hình nổi lên trong giai đoạn cao điểm phòng, chống đại dịch Covivd-19, dịch vụ đi chợ hộ gần đây trở nên rất phổ biến. Đây là dịch vụ mà người dùng có thể yêu cầu nhân viên hoặc tái xế đối với các nền tảng gọi xe công nghệ, đi đến các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi để mua giúp họ những sản phẩm theo yêu cầu.
Người dùng có thể yêu cầu mua từ thực phẩm ăn liền, nước giải khát, đồ dùng cá nhân… đến thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Cách thức hoạt động khá tương đồng với dịch vụ giao thức ăn.
"Anh cả" trong dịch vụ này là Chopp, startup từng từ chối 4,5 tỉ đồng trong Shark Tank Việt Nam khi tham gia gọi vốn trong mùa đầu tiên. Theo công bố của ban lãnh đạo công ty, đến cuối năm 2019, Chopp đang là đối tác của hơn 50 siêu thị và cửa hàng tại TP HCM, phục vụ hơn 11.000 giao dịch mỗi tháng. Tỉ lệ khách hàng trung thành và quay lại đạt hơn 60%, một con số khủng trong lĩnh vực đầy mới mẻ.
Thế nhưng, thị trường đi chợ hộ thật sự nóng lên khi các ông lớn nền tảng đa dịch vụ đua nhau nhập cuộc. Doanh nghiệp nhập cuộc sớm nhất trong số đó là NowFresh của Công ty cổ phần Foody. NowFresh đã dành 2 năm để triển khai dịch vụ nên mạng lưới cửa hàng đối tác hầu như dàn trải khắp Hà Nội và TP HCM. Now từng đưa ra thống kê sơ bộ rằng tài xế của họ có thể tiếp cận hơn 1.000 cửa hàng ở mỗi thành phố.
Sống lâu dễ lên lão làng, Now đang có đối tác chiến lược là chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.op Food, chuỗi siêu thị Big C, chuỗi cửa hàng thịt heo mát MeatDeli… Ngay cả các cửa hàng tiện lợi lớn như VinMart , Circle K, GS25 cũng là đối tác của nền tảng này.
Mới triển khai trong tháng 3 vừa rồi, nhưng GrabMart của nền tảng đa dịch vụ Grab là một đối thủ đáng chú ý. Bloomberg đưa tin dịch vụ này đã nhanh chóng xuất hiện ở 50 thành phố thuộc 8 quốc gia mà Grab đặt chân. Ở Việt Nam, GrabMart chỉ mới xuất hiện ở TP HCM nhưng đã đạt tốc độ tăng trưởng 91% chỉ sau 1 tuần triển khai.
Nhờ danh tiếng trong thị trường gọi xe và giao thức ăn, Grab dễ chiếm cảm tình của nhiều chuỗi lớn. Chỉ trong vài tháng, Grab đã treo biển đối tác với Co.op Mart/Co.op Food, Big C hay Circle K trên ứng dụng.
Ngoài ra, thị trường dịch vụ đi chợ hộ còn có nhiều tên tuổi góp mặt như HeyU, đứng sau là Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group; Loship với LoMart; VinID của liên mình Masan và Vingroup; gần đây nhất là Be đi chợ của nền tảng đa dịch vụ nội địa Be. Hàng chục doanh nghiệp khác đang cạnh tranh từng miếng bánh thị phần như Faly Mart, Citiship, Alocho, Suma.vn (VC Corp), Chopp.vn, disieuthi.vn…
Từng đôi lần sử dụng dịch vụ, chị Hương Giang (nhân viên truyền thông tại quận 7, TP HCM), đánh giá cao sự tiện dụng của việc đi chợ hộ. Chị Giang sử dụng dịch vụ chủ yếu khi có cha mẹ ở quê lên thăm. "Phụ huynh của mình ngại đường xá Sài Gòn nên không dám đi đâu cả, mình thì đi làm từ sáng sớm. Những sản phẩm khác thì không nói, nhưng nếu mua thực phẩm tươi từ chiều tối hôm trước để đến hôm sau, mùi vị đã giảm đi rất nhiều. Vì thế, mình dùng dịch vụ đi chợ hộ vào buổi sáng. Tài xế giao hàng đến nơi, cha mẹ mình chỉ cần bước xuống lấy và mang lên nấu ăn", chị kể.
Dù sử dụng dịch vụ từ trước khi có dịch Covid-19, nhưng gần đây chị Giang bắt đầu dùng nhiều hơn. Chị cho biết, bản thân dễ bị "cám dỗ" bởi các mã giảm giá và chương trình ưu đãi cho dịch vụ đi chợ hộ trên các nền tảng lớn. Có lần, chị Giang đặt hàng đến gần 500.000 đồng nhưng nhờ khuyến mãi, số tiền chị trả chỉ còn hơn 400.000 đồng, chưa kể còn được giao hàng miễn phí.
Tuy phát triển rầm rộ với nhiều con số lí tưởng trong giai đoạn cao điểm dịch Covivd-19, nhưng theo khảo sát, dịch vụ đi chợ hộ chưa thật sự quá phổ biến. Khi được hỏi ý kiến về dịch vụ này, Đặng Thảo (sinh viên trường ĐH Ngoại thương II) lập tức lắc đầu, trề môi. "Mình chỉ nghe loáng thoáng về dịch vụ này, chưa từng thấy ai sử dụng cả. Và mình cũng sẽ không sử dụng đâu! Đi chợ qua mạng sao có thể lựa chọn đồ phong phú như mình tự đi được?", Thảo nói thêm.
Anh Trung Nguyên (quận 10, TP HCM) cũng là một người từng nghe rất nhiều về dịch vụ này nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng, ngay cả bạn bè xung quanh cũng thế.
"Mình cũng thích kiểu đi chợ hộ, nhưng vẫn chưa sử dụng là vì sợ siêu thị giao cho sản phẩm gần hết hạn. Mình nghĩ rằng, đối với khách hàng mua trực tiếp, họ có thể bỏ qua các sản phẩm này, nhưng với khách hàng mua trực tuyến, nhân viên có thể 'thanh lí' những sản phẩm này để đảm bảo doanh số cho họ", Nguyên giải thích.
Xác nhận ý kiến ấy, chị Nguyễn Thảo (nhân viên văn phòng ở quận 3, TP HCM) từng nhận được một gói hạt nêm chỉ còn 14 ngày sử dụng. Chưa kể, có lần khi đặt thịt heo, tài xế giao cho chị một khay thịt đã qua ngày.
"Ban đầu mình trách tài xế rằng tại sao phục vụ khách hàng không chuyên nghiệp như thế, nhưng mình được giải thích rằng họ chỉ đến và đưa đơn hàng cho nhân viên lựa, rồi đợi tính tiền, họ không phải là người trực tiếp mua hàng. Nhưng nói thế nào thì đây vẫn là lỗi của các nền tảng cung cấp dịch vụ", chị chia sẻ.