Hà Nội: Cấm 11 tuyến đường chính, nhiều tài xế Uber, Grab bỏ nghề!?

Với quyết định cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ, tài xế Uber, Grab gặp nhiều khó khăn, nhiều người có thể phải bỏ nghề.

Quyết định của thành phố Hà Nội cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ, trong đó có xe taxi công nghệ Uber, Grab tại 11 tuyến đường chính của Thủ đô vào giờ cao điểm có hiệu lực từ 11/1 vừa qua.

Trong 3 ngày qua, nhiều chủ phương tiện bị “nhắc nhở” vì đi vào đường cấm. Sau 10 ngày, nếu các chủ phương tiện vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định. Với quyết định này của thành phố, tài xế Uber, Grab gặp nhiều khó khăn, nhiều người có thể phải bỏ nghề.

ha noi cam 11 tuyen duong chinh nhieu tai xe uber grab bo nghe
Nhiều tài xế uber, grab tính bỏ nghề vì lệnh cấm đường.

Trong 3 ngày kể từ khi Sở Giao thông thành phố Hà Nội gắn biển cấm ô tô hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, nhưng xe taxi công nghệ Uber, Grab vẫn đi vào trong giờ cao điểm để đón, trả khách. Cũng vì thế, việc ùn tắc giao thông tại tuyến đường này vẫn không giảm so với trước.

Ông Nguyễn Thành Lộc ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cho biết, các tài xế Uber, Grab không dán logo nên khó nhận biết xe nào là xe chở khách: “Taxi truyền thống gắn logo, còn taxi công nghệ Uber, Grab thì không có logo. Tôi nghĩ chúng ta cần phải công khai, minh bạch, tức là phải dán logo, như vậy thì cạnh tranh giữa các bên mới công bằng”.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật về việc quản lý xe taxi công nghệ còn thiếu và chưa chặt chẽ.

Vì vậy, bước đầu, việc xử phạt tài xế Uber, Grap đi vào đường cấm, giờ cấm sẽ gặp khó khăn. Thanh tra giao thông thành phố đang phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra và “sẽ có cách” để phát hiện những phương tiện vi phạm.

Ông Vũ Văn Viện nói: “Việc bổ sung quy định cấm lưu thông tại một số tuyến đường đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ nhằm để đảm bảo quy định của chúng ta công bằng giữa quản lý xe Uber, Grab với xe taxi truyền thống, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.

Điều này cũng nhằm thực hiện đúng đề án quản lý phương tiện giao thông của thành phố. Trong 10 ngày đầu, chúng tôi sẽ chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở để anh em lái xe ý thức được việc này. Sau đó, chúng tôi sẽ kiểm tra để xử lý theo những vi phạm như đối với xe taxi khác”.

Anh Nguyễn Xuân Quang, tài xế Uber cho biết, gia đình anh làm nghề buôn bán nhỏ. Để có chiếc xe ô tô, gia đình anh phải vay ngân hàng gần 400 triệu đồng. Hiện nay, anh trả góp mỗi tháng gần 10 triệu đồng.

Với chiếc xe này, anh phải đưa đón con đi học mỗi ngày, phụ vợ lấy hàng để bán.

Khi có thời gian anh mới chở khách. Nếu dán phù hiệu của hãng Uber trên xe, thì anh không thể lưu thông trên 11 tuyến đường chính của thành phố theo quy định.

Nhưng nếu không dán phù hiệu thì sẽ bị phạt cả 2 lỗi khi đi vào các tuyến đường này theo biển báo: “Tôi mua xe chủ yếu là để phục vụ gia đình. Khi rảnh rỗi chạy để tăng thêm thu nhập. Vào những giờ cao điểm từ 6 giờ đến 8h30 phút sáng, từ 4 giờ chiều đến 7h30 tối là những giờ tôi phải lưu thông trên đường. Tôi đi đón con tôi học ở Giảng Võ, mà cấm đường đó thì tôi đi bằng đường nào”.

Anh Lại Văn Bình, tài xế Grab thì mong muốn, thành phố Hà Nội cần có văn bản quy định cụ thể đối với phương tiện chở khách không chuyên nghiệp như của anh, vì trên thực tế, anh phải trả 25% doanh thu cho hãng Grap và chịu toàn bộ chi phí trong quá trình hoạt động.

Anh Bình lấy ví dụ, khi đưa người nhà đi bệnh viện hay chở vợ, con đi chơi qua những đường cấm trong giờ cao điểm thì có bị phạt hay không? Nếu “căng” quá, anh Bình sẽ phải bán xe và sắp xếp lại công việc và cuộc sống.

“Quyết định này ảnh hưởng đến một phần doanh thu của chúng tôi. Đối với những cuốc xe đoạn đường ngắn doanh thu của chúng tôi sẽ không cao. Bản thân tôi coi đây là công việc tạm thời nên không xác định lâu dài, nhưng những tài xế làm nghề này mà đó là thu nhập chính thì sẽ ảnh hưởng hơn rất nhiều” - Anh Lại Văn Bình nói.

Thành phố Hà Nội có trên 15.000 taxi công nghệ được cấp phép thí điểm. Tuy nhiên, con số thực tế là nhiều hơn so với số phương tiện được cấp phép. Thậm chí, một số tài xế của các hãng taxi truyền thống cũng tham gia vào Uber, Grab để có thêm hành khách.

Việc gia tăng số lượng taxi công nghệ khiến giao thông của Thủ đô vốn đã chật hẹp, ngày càng ùn tắc hơn.

Vấn đề đặt ra là Hà Nội cần có quy hoạch cả hệ thống taxi nói chung phù hợp với thực trạng kết cấu giao thông hiện nay. Bên cạnh đó, có biện pháp quản lý taxi công nghệ hiệu quả hơn để phát triển theo định hướng và không gây ra sự bất bình đẳng trong các phương tiện vận tải./.

ha noi cam 11 tuyen duong chinh nhieu tai xe uber grab bo nghe Dự báo thời tiết hôm nay 14/1: Miền Bắc tăng nhiệt, trời ấm dần

Rét đậm, rét hại vẫn bao trùm miền Bắc, ở các tỉnh vùng núi nhiệt độ dưới 7 độ C. Tuy nhiên, khoảng gần trưa, ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.