Hà Nội làm làn ưu tiên xe buýt thường: Trước tiên, người dân cần học cách tôn trọng làn riêng BRT

Hiện trạng tuyến buýt nhanh có thể là tương lai của nhiều con đường đang được tính làm làn ưu tiên cho xe buýt thường bởi lẽ người dân vẫn chưa có "thói quen" tôn trọng hành lang BRT.

Video xe buýt nhanh khốn khổ vì phương tiện cá nhân.

1

Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - BX Yên Nghĩa đi vào hoạt động từ năm 2016. Ngay sau khi đi vào hoạt động, làn đường riêng của BRT đã bị các phương tiện thường xuyên lấn chiếm. Trong ảnh: Cảnh thông thoáng trước đầu xe buýt nhanh như thế này rất hiếm thấy vào giờ cao điểm.

2

Xe buýt BRT có thể vận chuyển 90 hành khách/chuyến với tốc độ 20 - 22 km/giờ, nhanh hơn hẳn so với xe buýt thông thường. Tuy nhiên, nếu làn riêng của BRT bị xâm phạm thì đồng nghĩa với việc chất lượng dịch vụ, an toàn vận hành và thời gian di chuyển sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

3

Đây là hình ảnh chúng tôi ghi lại trên đường Tô Hữu đoạn nút giao Trung Văn vào giờ cao điểm buổi sáng, xe buýt nhanh bị chặn đầu, chặn đuôi, di chuyển rất chậm chạp. Bên làn đường đối diện, mặc dù thông thoáng nhưng xe máy vẫn tràn vào làn BRT.

4

"Chừng nào hành lang BRT này được tôn trọng, thông thoáng thì dịch vụ này sẽ được đảm bảo. BRT có tốc độ vận hành nhanh hơn xe buýt thường, thời gian vận hành một lượt ngắn hơn xe buýt thường chính là nhờ làn đường dành riêng này", ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lí và điều hành giao thông đô thị nói.

5

Hà Nội đang nghiên cứu, tính toán làm làn đường ưu tiên cho xe buýt thường ở một số tuyến phố như Nguyễn Trãi, Trần Phú, Vành đai 3, Nguyễn Văn Cừ. Tuy nhiên, nếu như người dân không có ý thức tôn trọng làn đường riêng và cụ thể là bắt đầu từ việc tôn trọng làn BRT thì việc làm làn đường riêng có còn tác dụng?

6

Sở dĩ buýt nhanh, hoặc buýt thường (nếu có làn ưu tiên) có thể phát huy được hết công suất thì cần được tôn trọng làn đường riêng. Việc hàng loạt phương tiện lấn chiếm làn đường buýt nhanh càng khiến loại hình này "bị oan" khi không thể phát huy được lợi thế.

7

Có nhiều ý kiến người dân không chọn xe buýt cho rằng phương tiện này không đúng giờ, không phủ rộng, đi lại gặp khó khăn khi phải đi bộ xa hoặc trộm cắp, móc túi, dịch vụ kém...

8

Tuy nhiên, nói đi cũng cần nói lại, bởi nếu các phương tiện khác không tôn trọng xe buýt, vây quanh như thế này thì phương tiện nào có thể đi đến đúng giờ?

9

Theo kế hoạch mới đây của Hà Nội, dự kiến, đến năm 2020, TP sẽ mở mới từ 40 đến 50 tuyến; đầu tư, đổi mới đoàn phương tiện theo hướng ưu tiên sử dụng phương tiện chất lượng cao, xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

10

Phát triển tốt vận tải công cộng cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia giao thông khi cho rằng đây là điều kiện tiên quyết để người dân từ bỏ phương tiện cá nhân chứ không cần phải cấm hay hạn chế.

11

Tuy nhiên, trước mắt, người dân cũng cần dần từ bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân trước những áp lực của loại hình này lên hạ tầng và giao thông công cộng.

12

Thử tưởng tượng, nếu giao thông công cộng tốt hơn, người dân từ bỏ phương tiện cá nhân thì những hình ảnh như thế này liệu có còn tồn tại?

13

Trước đó, người dân cũng cần từ bỏ thói quen tùy tiện, thói quen vi phạm các qui định về giao thông.