Chiều 15/7, Cổng TTĐT Chính phủ đã tổ chức tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô", theo Báo Chính phủ.
Tại toạ đàm, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ Chỉ thị 20 của Thủ tướng quy định đến ngày 1/7/2026, không lưu hành xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch (xăng dầu) mà chuyển sang sử dụng phương tiện sạch, xanh.
Đến ngày 1/1/2028, trong vành đai 1 không sử dụng mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch và hạn chế ô tô trong vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, xét các điều kiện này để phát triển tiếp tới vành đai 3.
Để triển khai việc này, TP Hà Nội sẽ nghiên cứu những chương trình, kế hoạch, biện pháp, giải pháp cụ thể. Trong đó, ông nhấn mạnh chắc chắn phải nghiên cứu một cơ chế chính sách để hỗ trợ chuyển đổi phù hợp nhất cho người dân, đặc biệt là người sử dụng phương tiện chạy bằng xăng dầu trong khu vực vành đai 1, trung tâm của Thủ đô.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội sẽ khuyến khích người dân ở khu vực ngoài vành đai 1 theo lộ trình năm 2026, 2028, 2030, kể cả trong Thủ đô và giao diện với Thủ đô cũng thụ hưởng chính sách khuyến khích chuyển đổi.
Theo ông Tuấn, việc chuyển đổi phương tiện cá nhân cần sự phối hợp của cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Thành phố cũng sẽ có những biện pháp để kêu gọi và tổ chức quản lý, triển khai cho tất cả doanh nghiệp cung ứng phương tiện xanh để đưa ra chế độ ưu đãi nhất để chuyển đổi phương tiện, thậm chí hỗ trợ vào giá thành và các vấn đề liên quan để sử dụng phương tiện đó tốt nhất.
Đặc biệt, sẽ có các biện pháp hỗ trợ các vấn đề như lệ phí trước bạ, đăng ký và các vấn đề như giao thông tĩnh. Trong lộ trình này, TP Hà Nội sẽ tăng cường cho khu vực hạn chế xe xăng dầu, ưu đãi cho các xe sử dụng năng lượng xanh, sạch.
“Luật Thủ đô cũng khuyến khích việc chuyển đổi này, thậm chí các phương tiện xanh, sạch đăng ký thì miễn phí gần như 100% lệ phí trước bạ, đăng ký”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. (Ảnh: VGP).
Cùng với việc hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, TP Hà Nội sẽ chuẩn hoá lại quy hoạch và triển khai mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trạm sạc cho các xe sử dụng điện, thậm chí còn làm nhiệm vụ đầu tư công của thành phố để kiện toàn hệ thống trạm sạc phù hợp, song song với việc bảo đảm an toàn.
“Nếu kiểm soát không phù hợp các trạm sạc sẽ tạo nguy cơ mất an toàn cho các đối tượng sử dụng xe này. Chúng ta thấy pin xe là vấn đề liên quan tới cả phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ”, lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong khu vực vành đai 1 và 2, TP Hà Nội sẽ tiến hành tổ chức lại mạng lưới hệ thống giao thông công cộng. Hiện tại, trong khu vực vành đai 1 có 45 tuyến xe buýt với 535 xe, trong đó có 11 tuyến xe buýt điện với 126 xe. Với đề án đã ban hành và nghị quyết đang hình thành, đến năm 2030, thành phố sẽ chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang xe buýt điện.
Loại hình taxi xe điện sẽ kiểm soát bổ trợ, thiết lập các loại hình trung chuyển xe điện ở mức độ nhỏ hơn quy mô 4 chỗ, tạo mạng lưới khép kín trong khu vực vành đai 1, phát triển lan tỏa vành đai 2 trong tương lai với lộ trình đến năm 2028 tiến tới 2030 cho các vành đai. Hệ thống đường sắt đô thị cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ để kết hợp với hệ thống xe buýt, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ phấn đấu nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng. Ông Dương Đức Tuấn cho hay hiện nay, tỷ lệ này của thành phố còn hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 20%. Đến 2030, thành phố cố gắng nâng tỷ lệ này lên tới 35%, thậm chí 40%.
Cùng tham gia thảo luận tại tọa đàm, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết trên thế giới có rất nhiều những bài học về giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường từ phương tiện giao thông, trong đó có cả những bài học thành công và bài học thất bại.
Đơn cử như Bắc Kinh (Trung Quốc), cách đây hơn 10 năm, đây là thành phố rất ô nhiễm, luôn luôn đứng đầu trên thế giới. Nhưng qua nỗ lực rất lớn của chính quyền cũng như nhân dân, doanh nghiệp, đến bây giờ chất lượng không khí của Bắc Kinh đã được cải thiện lên rất nhiều. Những vấn đề ô nhiễm từ các nguồn giao thông đã được giải quyết rất triệt để.
Nhấn mạnh vào vấn đề giao thông, ông Tùng đánh giá Bắc Kinh đã có những bước chuyển đổi rất lớn. "Họ quyết tâm chỉ trong 1, 2 năm, họ chuyển toàn bộ xe buýt sang xe điện, rất nhanh, rất quyết liệt, cũng giống như Chỉ thị 20", ông Tùng nói.
Ông cho biết Bắc Kinh đã đầu tư một khoản rất lớn, ví dụ như chuyển đổi các xe. Họ cũng làm từ vùng lõi trước rồi mở rộng ra và có rất nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi. Hiện nay rất nhiều thành phố của Trung Quốc đã chuyển đổi sang xe điện, không chỉ Bắc Kinh.
Nhiều thành phố châu Âu cũng lập ra các vùng phát thải thấp, với khoảng 300 vùng và được đánh giá rất hiệu quả. Trong vùng phát thải thấp chỉ những phương tiện xanh được đi lại, cấm hẳn những phương tiện chạy bằng nhiên liệu hoá thạch, cấm một số phương tiện gây ô nhiễm.
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam. (Ảnh: VGP).
Theo chuyên gia, việc chuyển đổi tương tự cũng diễn ra ở Bangkok (Thái Lan), Indonesia. Ví dụ, Indonesia cũng có những bài học thất bại. Từ đầu họ chuyển đổi chỉ bằng cách hỗ trợ, nhưng về sau thấy hỗ trợ không chưa đủ, nước này đã cấm hoạt động một số loại xe máy chạy xăng, vừa hỗ trợ, vừa sử dụng các phương tiện giao thông công cộng…
Vị này nhận định, với tất cả đô thị trên thế giới, nguyên nhân ô nhiễm từ các phương tiện giao thông chạy nguyên liệu hoá thạch là chắc chắn, đã có những nghiên cứu khoa học, có những số liệu. Phát thải CO2, đi xe điện giảm tới 70% so với đi xe máy chạy xăng, những chất khác cũng giảm rất nhiều. Do đó, ông cho rằng không nên băn khoăn là xe máy có phải nguyên nhân gây ô nhiễm chính hay không mà cần có những giải pháp cực kỳ quyết liệt như Chỉ thị 20.
Mặt khác, ông khẳng định người dân cũng rất mong các chính sách hỗ trợ, an toàn, mạng lưới sạc, giao thông công cộng triển khai, công bố nhanh, công bố sớm. “Đó cũng là kinh nghiệm của các nước, các chính sách hỗ trợ làm rất công khai, minh bạch, kịp thời. Thậm chí, đưa lên các trang web, app để người dân thấy rõ việc chuyển đổi”, TS. Hoàng Dương Tùng nói.