Hai bài học quan trọng từ khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm Việt

Bảo hiểm là ngành kinh doanh khá truyền thống song nhiều startup đang ‘nhăm nhe’ thay đổi thực tế này. Phan Đức Hùng, CEO và đồng sáng lập công ty công nghệ bảo hiểm Papaya nói rằng ông học được hai điều quan trọng khi khởi nghiệp.

Chia sẻ với TechInAsia, Phan Đức Hùng, CEO và đồng sáng lập công ty công nghệ bảo hiểm Papaya nói rằng ông học được hai điều quan trọng khi khởi nghiệp. Đầu tiên, không nên đơn thuần số hóa mô hình kinh doanh đại lí truyền thống. Chi phí thâu tóm và quản lí các đại lí sẽ rất đắt đỏ trong dài hạn.

Thứ hai, ông Hùng cho rằng không nên phụ thuộc vào một nền tảng hiện có trên thị trường để phân phối sản phẩm. Nó làm hẹp biên lợi nhuận và nền tảng đó sẽ dần dần sẽ tìm ra cách bán hàng trực tiếp tới khách hàng.

Startup Việt trong cuộc chơi dịch vụ bảo hiểm đã có quá nhiều các ‘ông lớn’ - Ảnh 1.

Papaya lọt vào chung kết Grab Ventures Ignite. (Ảnh: Papaya).

Khi ông Hùng sáng lập Papaya vào năm 2018, đội ngũ của ông dành nhiều thời gian để suy tính về mô hình kinh doanh. Trước đó, Papaya đã thử bán bảo hiểm xe máy trên nhiều nền tảng khác ở Việt Nam song nhu cầu không rõ rệt.

Vì thế, Papaya quyết định giải quyết một trải nghiệm khó chịu với nhiều khách hàng: đòi quyền lợi bồi thường với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe. Thường thì khách hàng có cảm giác bị các công ty bảo hiểm "lừa" bởi quá nhiều những rắc rối liên quan đến chính sách miễn trừ.

Ở Việt Nam, Papaya là một trong số không nhiều công ty công nghệ bảo hiểm đang hoạt động, một phần bởi bảo hiểm là một ngành truyền thống với quá nhiều "ông lớn".

Năm nay, Papaya đã lọt đến vòng chung kết Grab Ventures Ignite. Công ty cũng đã gọi vốn thành công ở vòng hạt giống và đang tìm kiếm cơ hội gọi thêm 1 triệu USD để đầu tư vào công nghệ tự động hóa và săn đầu người.

Số hóa ngành bảo hiểm

Thị trường bảo hiểm ở Việt Nam cực kì rộng lớn và tiềm năng. Tổng giá trị phí bảo hiểm mà các công ty trong ngành thu về chạm mốc 160,2 nghìn tỉ đồng năm 2019, tăng 20,5% so với cùng kì năm trước. Dù vậy, tỉ lệ sử dụng bảo hiểm ở Việt Nam vẫn rất thấp. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chỉ khoảng 8,5% dân số Việt Nam có bảo hiểm.

Nhà sáng lâp Papaya từng có kinh nghiệm làm việc cho FWD. Từ đó, ông hiểu những rắc rối khi khách hàng đòi quyền lợi bảo hiểm, từ cả phía bệnh nhân lẫn công ty bảo hiểm. Quá trình này phần lớn thực hiện thủ công như điền giấy tờ, gửi email qua lại và quá trình thẩm định có thể mất vài tuần.

Đến thời điểm hiện tại, Papaya mới chỉ hoạt động ở mảng B2B. Khách hàng của Papaya gồm các công ty bảo hiểm đang dần nhận ra lợi ích của tăng tốc quá trình đòi quyền lợi của khách. Papaya hiên là đối tác của FWD và Bảo Minh. Hai công ty ủy quyền nhiều danh mục khách hàng doanh nghiệp để Papaya quản lí.

Papaya hiện đang xử lí hồ sơ bồi thường bảo hiểm cho khoảng 8.000 người. Khách hàng có thể dùng ứng dụng di động để làm thủ tục tại các bệnh viện và phòng khám nằm trong mạng lưới hợp tác của các công ty bảo hiểm.

Theo ông Hùng, điều này giúp khách hàng nhận phê duyệt bồi thường trong 30 phút (với các đề nghị bồi thường dưới 3 triệu đồng). Thông thường, Papaya có thể phê duyệt đòi bồi thường bảo hiểm dưới 5 triệu đồng. Các đề nghị giá trị cao hơn cần phê duyệt từ các công ty bảo hiểm.

Papaya thu phí tương đương 6% phí bảo hiểm thường niên từ các công ty bảo hiểm, kèm theo đó là 2% phí duy trì dịch vụ ứng dụng di động. Theo đó, Papaya kì vọng có thể nhận doanh thu chạm mốc 250.000USD trong năm nay. Mục tiêu của Papaya là đưa toàn bộ hành trình khách hàng với dịch vụ bảo hiểm sức khỏe lên nền tảng của mình.

Dù vậy, ông Hùng hiểu rõ giới hạn của startup mình điều hành. Papaya mới chỉ tự động hóa 10% quy trình đòi bồi thường. Nhân viên vận hành của Papaya vẫn đang kiểm tra hồ sơ thủ công. Với chỉ 4 nhân viên, Papaya xử lí khoảng 1.000 hồ sơ mỗi tháng.

"Hồ sơ y tế ở Việt Nam chưa chuẩn hóa. Chúng tôi sẽ đầu tư vào tự động hóa nhưng cần thời gian", nhà sáng lập Papaya cho hay.

Bên cạnh đó, ông Hùng nhận định Papaya  cần tìm nguồn doanh thu khác. Lí do là vì thị trường bồi thường khá nhỏ vì nó phụ thuộc vào ngân sách của các công ty bảo hiểm truyền thống mà Papaya là đối tác.

Một thị trường đủ lớn

CXA Group (Singapore) là mô hình kinh doanh Papaya muốn đi theo. CXA Group sở hữu nền tảng toàn diện cho phép người dùng tìm nhà cung cấp dịch vụ y tế, thanh toán hóa đơn và quản lí bệnh án.

Từ năm 2021, ông Hùng nói Papaya sẽ bán các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe cá nhân hóa thông qua hợp tác với các công ty bảo hiểm.

Ở mảng phân phối, Papaya vấp phải cạnh tranh từ các công ty fintech như Momo hay Payoo. Các chuyên gia ngành dự đoán công ty fintech sẽ chuyển hướng sang bảo hiểm mạnh mẽ khi cuộc chiến thanh toán số ngã ngũ.

Thị trường Việt Nam cũng cở mở với các công ty công nghệ bảo hiểm trong khu vực. Igoo (Singapore) và PasarPolis (Indonesia) đang có kế hoạch tấn công vào Việt Nam.

Nhà sáng lập Papaya cho rằng cạnh tranh sẽ giúp khách hàng hiểu thêm về lợi ích của bảo hiểm số. "Tôi tin thị trường đủ lớn với nhiều cơ hội không chỉ ở mảng bảo hiểm sức khỏe mà còn ở nhiều mảng khác", ông nói.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.