Chính quyền ông Trump đang xem xét đưa Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC) vào danh sách đen thương mại, buộc các nhà cung cấp của Mỹ phải xin được giấy phép đặc biệt trước khi xuất khẩu đơn hàng cho công ty này.
Theo South China Morning Post, công ty có trụ sở tại Thượng Hải này huy động được 53 tỉ nhân dân tệ (7,8 tỉ USD) khi niêm yết trên sàn Star Market vào tháng 7, trở thành thương vụ IPO lớn nhất của Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây. 14 tháng trước đó, SMIC rút khỏi Sàn giao dịch chứng khoán New York.
Dưới đây là thông tin về mối quan hệ của SMIC với các nhà cung cấp và khách hàng dựa trên dữ liệu tài chính do Bloomberg phân tích tổng hợp.
ASML Holding, công ty sản xuất máy quang khắc lớn nhất thế giới – công nghệ thiết yếu trong việc sản xuất chip tích hợp – là nhà cung cấp lớn nhất của SMIC. Theo dữ liệu của Bloomberg, công ty Hà Lan chiếm đến 11% chi phí tài sản cố định (CapEx) của SMIC tính đến ngày 2/4. Trong cùng khoảng thời gian trên; 0,12% doanh thu của ASML đến từ SMIC.
Các công ty Mỹ là nhóm nhà cung cấp lớn nhất của SMIC. 10 trong số 30 nhà cung cấp hàng đầu của SMIC là công ty đại chúng Mỹ. Nhà cung cấp Mỹ lớn nhất của SMIC là Lam Research, có trụ sở tại Fremont, California. Lam Research chiếm tới 8,5% chi phí tài sản cố định của SMIC tính đến ngày 4/5 và kiếm được 1,1% doanh từ công ty sản xuất chip này.
Các công ty niêm yết trên sàn giao dịch Trung Quốc đại lục là nhóm nhà cung cấp lớn thứ hai, với 6 nằm trong số top 30 nhà cung cấp của SMIC. Đài Loan đứng thứ ba. Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và Israel đồng hạng 4.
National Silicon Industry Group, công ty chế tạo tấm silicon (silicon wafer) là nhà cung cấp Trung Quốc dễ bị tổn thương nhất trước bất kì sự gián đoạn nào của SMIC. Tính đến 1/7, National Silicon kiếm được 26,5% doanh thu từ SMIC và chiếm 2,3% CapEx của SMIC trong cùng kì.
Huawei là khách hàng lớn nhất, đóng góp 18,7% doanh thu của SMIC tính đến ngày 14/8. Huawei công bố kết quả tài chính hàng năm kể từ năm 2000 dù chưa lên sàn. SMIC chiếm 1% chi phí của Huawei.
Qualcomm, ông lớn cung cấp chip cho điện thoại di động cho Apple, Motorola và Samsung là khách hàng Mỹ lớn nhất chịu vạ lây nếu SMIC bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Dữ liệu cho thấy SMIC chiếm 3,9% giá vốn hàng bán của Qualcomm tính đến ngày 14/8. Lượng hàng xuất khẩu cho Qualcomn chiếm 8,6% doanh thu của SMIC.
Trung Quốc đại lục có 13 trong số 38 khách hàng lớn nhất của SMIC, tương đương 34%. Khoảng 20% doanh thu của SMIC đến từ các khách hàng trong nước. Tiếp theo là Đài Loan với 10 công ty nằm trong danh sách các khách hàng quan trọng. Đứng thứ ba là Mỹ với 9 công ty có mặt trong danh sách. Hàn Quốc xếp thứ 4 với ba khách hàng.