24 công ty Trung Quốc nhúng sâu vào các dự án ASEAN sau khi bị Mỹ trừng phạt

Lệnh trừng phạt của Mỹ làm phức tạp thêm nỗ lực cân bằng mối quan hệ của ASEAN với hai đối tác quan trọng nhất, trong bối cảnh Trung Quốc có liên quan mật thiết đến hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực Đông Nam Á.

Tuần trước, Washington đã trừng phạt 24 công ty Trung Quốc liên quan đến việc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng chiến dịch chống lại các công ty Trung Quốc chứ không chỉ nhắm đến Huawei hay các hãng công nghệ.

Hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Đông Nam Á đều thuộc sở hữu nhà nước và đi đầu trong chương trình phát triển cơ sở hạ tầng kéo dài nhiều năm ở nước ngoài của Bắc Kinh. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là một trong các kế hoạch đó.

Khi căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang, động thái trừng phạt mới nhất của Washington cho thấy thái độ cứng rắn của họ với Bắc Kinh trên tất cả các mặt trận.

Cho đến nay, tuyên bố trừng phạt 24 công ty Trung Quốc của chính phủ Mỹ chưa tạo ra nhiều phản ứng trong khu vực (ngoại trừ Philippines), dù Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) - một trong các công ty bị trừng phạt, sở hữu nhiều dự án tại ASEAN.

Hàng chục dự án trên khắp Đông Nam Á có dấu chân của CCCC

Tại Indonesia, CCCC có tham gia vào các dự án cấp nước ở trung Java, một dự án cầu cảng ở tỉnh Maluku, một nhà máy điện và một tuyến đường sắt ở tỉnh Sulawesi, và thậm chí là khai hoang ở tỉnh đảo Riau.

Tại Malaysia - trung tâm hoạt động của CCCC ở ASEAN, công ty Trung Quốc này đang tham gia vào dự án Đường sắt Bờ Đông (một phần quan trọng trong sáng kiến BRI).

Ngoài ra, CCCC còn đang xây dựng một tuyến đường sắt ở tỉnh Johor, một hệ thống giao thông đường sắt trên cao ở Thung lũng Klang, đường cao tốc, đường hầm và công trình ngầm cho dự án tàu điện ngầm ở Kuala Lumpur,...

Theo South China Morning Post (SCMP), tập đoàn CCCC thậm chí còn tham gia vào dự án nạo vét và cải tạo ở thành phố Malacca, Penang và Johor Bahru. Do nhiều dự án trong số này đã và đang được tiến hành nên chúng ít có khả năng bị dừng lại.

Tuy nhiên, ở Philippines, CCCC lại đối mặt với nhiều bất lợi hơn. Một ngày sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đồng cấp Philippines - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Teodoro Locsin Jnr cho hay ông sẽ khuyến nghị chính phủ hủy hợp đồng với các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã trở nên nồng ấm hơn trong 4 năm qua, nhưng năng lực hấp thụ yếu, các vấn đề về thu hồi đất và sự chậm trễ của bộ máy hành chính Philippines đã cản trở tiến độ của nhiều dự án do Trung Quốc cấp vốn.

24 công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt đang nhúng sâu vào các dự án ASEAN - Ảnh 1.

Công nhân đang xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung tại Indonesia. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

So với Indonesia và Malaysia, dấu ấn của CCCC trong cơ sở hạ tầng của Philippines vẫn khá khiêm tốn. Bước đột phá lớn nhất của CCCC cho đến nay là dự án xây dựng một sân bay ở thành phố Cavite. Ngoài ra, công ty này còn có một hợp đồng nạo vét cảng ở thành phố Cebu.

Công ty con của CCCC là Tập đoàn Cầu Đường Trung Quốc (CRBC) cũng đang xây dựng các cây cầu bắc qua sông Pasig ở khu đô thị Manila. Đây là một phần của khoản viện trợ không hoàn lại mà Trung Quốc dành cho Philippines.

Tuy nhiên, các cam kết đầu tư của CRBC trong một số dự án khác vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi như dự án đường cao tốc ở thành phố Bicol, hệ thống buýt nhanh ở khu đô thị Manila và một tuyến đường sắt nối quận Subic và sân bay Clark trên đảo Luzon.

Do sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Philippines với Trung Quốc, rủi ro chính trị có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư Trung Quốc, đặc biệt là đối với các dự án lớn đã thai nghén từ lâu.

Theo SCMP, điều đó có thể giáng một đòn đau vào chương trình "Build, Build, Build" của Tổng thống Rodrigo Duterte cũng như nỗ lực giải quyết hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kĩ của Philippines.

Do đó, phát ngôn viên Harry Roque của ông Duterte đã nhanh chóng làm rõ chính phủ Philippines sẽ không dừng các dự án hợp tác cùng 24 công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt. Tuy nhiên, khi ông Duterte chỉ còn hai năm nhiệm kì, viễn cảnh gián đoạn sẽ tiếp tục cản trở mong muốn thu hút nguồn vốn Trung Quốc của Philippines.

Ngoài ra, CCCC còn tham gia vào xây dựng thành phố Yangon mới, cảng nước sâu và khu kinh tế Kyaukpyu của Myanmar. Dự án cảng và khu kinh tế Kyaukpyu nằm trong kế hoạch Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar (một phần của sáng kiến BRI).

Tại Campuchia, CRBC đã kí thỏa thuận xây dựng một tuyến đường cao tốc nối thủ đô Phnom Penh với cảng nước sâu Sihanoukville.

CCCC là một mô hình thu nhỏ cho thấy mức độ gắn kết của đất nước Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Do đó, bứt ra khỏi hệ thống này là cực kì khó khăn, thậm chí là không khả thi.

Hiện tại, các nước gia Đông Nam Á có thể chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 để xem liệu Washington có tiếp tục duy trì chiến dịch chống lại các doanh nghiệp Trung Quốc đã bị trừng phạt hay không.

Cho đến nay, trong 34 công ty con của CCCC, chỉ 5 công ty nằm trong danh sách trừng phạt của chính phủ Mỹ.

5 công ty con này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nạo vét, hàng hải và đường thủy nên các lệnh cấm của Washington có thể hạn chế sự tham gia của Trung Quốc trong các mảng nêu trên.

Mặt khác, lệnh trừng phạt của Mỹ có thể mang lại cơ hội cho các công ty Trung Quốc khác không nằm trong danh sách đen, đặc biệt là với các doanh nghiệp tư nhân và hạng 2.

SCMP nhận định, Washington có thể dùng quá trình dịch chuyển đầu tư của Mỹ ra khỏi Trung Quốc làm mồi câu để nhận được sự ủng hộ của các nước ASEAN. Ngoài ra, Washington cũng có thể ngăn cản doanh nghiệp Mỹ mở cửa hàng hoặc hoạt động kinh doanh ở các nước có quan hệ sâu sắc với những công ty Trung Quốc trong danh sách đen.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.