Khi ông Nhậm Chính Phi - một cựu sĩ quan quân đội, thành lập Huawei tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến vào năm 1987, thành phố này vẫn đang chật vật để tìm một chỗ đứng trong nền kinh tế Trung Quốc.
Khi đó, Thâm Quyền không chỉ thua xa đặc khu hành chính Hong Kong kế bên mà còn bị các thành phố khác tại đại lục vượt mặt.
Ít ai có thể tưởng tượng được rằng 4 thập kỉ sau, làng chài một thời sẽ trở thành tấm gương cho đà phát triển kinh tế thần kì của Trung Quốc.
Càng ít người có thể dự đoán rằng Huawei, hiện đang là một phần quan trọng của nền kinh tế Thâm Quyến, sẽ trở thành gã khổng lồ ngành viễn thông toàn cầu, thậm chí bị Washington coi là mối đe dọa an ninh và thách thức tiềm tàng với trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, khi Thâm Quyến - Thung lũng Silicon của Trung Quốc, kỉ niệm 40 năm thành lập vào năm nay, không rõ liệu thành phố 13 triệu dân này có thể tiếp tục tỏa sáng khi đất nước Trung Quốc bước vào kỉ nguyên mới đầy biến động hay không.
Khi Mỹ áp dụng chiến lược đối đầu với Trung Quốc, khả năng tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn, công nghệ và thị trường nước ngoài của Thâm Quyến đang dần sụp đổ. Trong quá khứ, ba yếu tố này đóng vai trò đặc biệt quan trọng với đà trỗi dậy của Thâm Quyến.
Theo South China Morning Post (SCMP), vận may của Huawei đang cạn dần khi Washington không ngừng ngăn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tham gia vào mạng 5G trên toàn cầu, đồng thời hạn chế hãng tiếp cận linh kiện công nghệ quan trọng của Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm Huawei và các chi nhánh mua chất bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị hoặc phần mềm Mỹ từ tháng 9. Theo một số nhà phân tích, lệnh cấm này không khác nào "án tử" cho Huawei.
Nếu Huawei suy yếu hoặc "chết yểu", nền kinh tế của Thung lũng Silicon Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Nghiêm trọng hơn, niềm tin lớn mạnh của đất nước tỉ dân vào công nghệ và tăng trưởng kinh tế sẽ đi xuống.
Ông Liu Kaiming - Giám đốc Viện Quan sát Đương đại ở Thâm Quyến, cho hay các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Huawei yếu đi và gây ra một hiệu ứng "đóng băng" cho toàn bộ chuỗi cung ứng điện tử của Trung Quốc.
Ông Liu nhấn mạnh: "Không có công ty nào khác ở Trung Quốc có thể thay thế Huawei dẫn đầu ngành công nghệ và quá trình toàn cầu hóa của đất nước. Nếu Huawei không thể chống đỡ được các lệnh trừng phạt của Mỹ, công ty nào có thể chứ?"
Đối với nền kinh tế Thâm Quyến, tổn thất của Huawei sẽ gây hậu quả nặng nề, vì gã khổng lồ viễn thông này là một trong các viên ngọc sáng nhất trên vương miện của Thung lũng Silicon Trung Quốc.
Theo dữ liệu mới nhất từ văn phòng thống kê Thâm Quyến, Huawei là doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất vào GDP của thành phố trong năm 2016, chiếm 7% sản lượng kinh tế của Thâm Quyến.
Cùng năm đó, Huawei là công ty duy nhất đóng góp hơn 100 tỉ nhân dân tệ (tương dương 14,4 tỉ USD) cho nền kinh tế Thâm Quyến.
Tuy nhiên, số liệu trên cũng chỉ tính đến tác động trực tiếp của Huawei với nền kinh tế thành phố Thâm Quyến, trong khi các nhà cung ứng và công ty dịch vụ hợp tác cùng Huawei đã mở rộng tầm ảnh hưởng của họ lên nhiều lần theo thời gian.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2014 - 2016, Huawei còn là công ty đầu tư nhiều nhất vào nghiên cứu và phát triển tại Thâm Quyến, vượt qua gã khổng lồ công nghệ Tencent, hãng chế tạo máy bay không người lái DJI và hãng xe điện BYD.
Tầm quan trọng của Huawei với Thâm Quyến còn được thể hiện vào năm 2018, khi công ty này quyết định xây dựng một cơ sở vận hành mới ở thành phố Đông Hoản lân cận. Nhiều người tự hỏi Thâm Quyến đã đối xử tệ bạc với công ty tốt nhất của họ như thế nào. Các bài báo như "Xin đừng để Huawei ra đi" bùng nổ trên mạng xã hội.
Huawei giúp Thâm Quyến trở thành điểm đến hàng đầu cho các tài năng lập trình và kĩ thuật của Trung Quốc. Ngoài ra, hãng còn tạo dựng được tiếng vang về sự hào phóng với những bộ óc sáng tạo và công nhân chăm chỉ nhất.
Zhang Ji (27 tuổi), vừa tốt nghiệp tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo (AI) từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, được Huawei tuyển dụng với lương khởi điểm 2,01 triệu nhân dân tệ, vượt xa mức trung bình 200.000 nhân dân tệ.
Theo SCMP, năm 2019, Huawei cũng là công ty tuyển dụng nhiều nhất sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Chiết Giang và Đại học Phúc Đán.
Ông Peng Peng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Cải cách Hệ thống Quảng Đông, cho hay ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei sẽ lan tỏa trên khắp Trung Quốc và là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp Trung Quốc không còn được chào đón trên toàn cầu như trước.
Chuyên gia Liu Kaiming đồng ý rằng khó khăn của Huawei sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Trung Quốc, kết thúc kỉ nguyên khi mà các công ty Trung Quốc được chấp nhận là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ thế giới.
Ông Liu cho hay quá trình tách rời khỏi Trung Quốc đã bắt đầu. Nhà phân tích này từng dự đoán một số công ty Trung Quốc có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều công ty đặt trụ sở tại Thâm Quyến, sẽ thu xếp và rời đi.
Vào tháng 7, một nhà cung ứng của Apple là Wistron cho biết họ sẽ bán hai trong số các công ty con thuộc sở hữu toàn quyền của hãng tại miền đông Trung Quốc cho công ty đại lục Luxshare Group.
"Cũng giống như đầu những năm 2000, khi khách hàng Mỹ yêu cầu các nhà cung ứng Đài Loan và Hàn Quốc chuyển dịch sang Trung Quốc, bây giờ họ lại yêu cầu doanh nghiệp rời Trung Quốc đến Việt Nam, Ấn Độ và Đài Loan", ông Liu nói.
Dù vậy, tương lai của Thâm Quyến và Huawei cũng không hoàn toàn ảm đạm, vì thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc vẫn là một nguồn tăng trưởng lớn.
Giáo sư Li Daokui của Đại học Thanh Hóa từng cho biết, thị trường 1,4 tỉ dân cùng các thị trường trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, sẽ đủ sức hỗ trợ các công ty Trung Quốc như Huawei.
"Cứ để nhà đầu tư châu Âu và Mỹ rời đi. Rất khó để hòa hợp với họ nếu họ không tin tưởng chúng ta", giáo sư Li nhấn mạnh.