Đồng Nai sẽ dời trung tâm hành chính về KCN Biên Hòa 1

Tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện di dời trung tâm hành chính về vị trí thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay, thuộc phường An Bình, TP Biên Hòa, với quy mô khoảng 44 ha.

Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh cũ là Biên Hòa và Long Khánh. Đây là địa phương đông dân thứ 5 cả nước sau TP HCM, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An.

Tỉnh hiện có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm hai thành phố và 9 huyện, với 159 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 33 phường, 9 thị trấn và 117 xã. 

Đối với hệ thống trung tâm hành chính của tỉnh này, hiện trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai có vị trí tại số 236 đường Phan Trung, phường Tân Mai, TP Biên Hòa.

Về kế hoạch di dời trung tâm hành chính tỉnh, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện di dời trung tâm hành chính về tại vị trí thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay.

 Một góc TP Biên Hòa hiện nay. (Ảnh: Hải Quân).

Sẽ di dời khu công nghiệp Biên Hòa 1

Để phục vụ cho kế hoạch do dời trung tâm hành chính của tỉnh, cũng như chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện di dời khu công nghiệp Biên Hòa 1, thuộc phường An Bình, TP Biên Hòa.

 Một góc khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay. (Ảnh: Hải Quân).

Theo đó, giai đoạn 1 được thực hiện và hoàn thành trước tháng 12 tới. Trong đó, các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích khu 1, khoảng 75 ha, nằm về phía Nam Khu công nghiệp Biên Hòa 1, tiếp giáp cầu An Hảo, đường Trần Quốc Toản, đường Lê Văn Duyệt, xa lộ Hà Nội.

Giai đoạn này, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến toàn bộ mặt bằng của 10 công ty và một phần diện tích của 4 công ty khác.

Giai đoạn 2 sẽ được hoàn thành trước tháng 12/2025, gồm các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích còn lại. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, kế hoạch cụ thể hóa thể nhiệm vụ của từng sở, ban, ngành và UBND TP Biên Hòa trong việc triển khai Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường, trong từng giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Đồng thời, xây dựng và thực hiện phương án bồi thường, di dời các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân (nếu có) đảm bảo các doanh nghiệp nằm trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 di dời trước ngày 31/12/2025. Việc xây dựng và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật do Tổng công ty Sonadezi đã đầu tư xây dựng trước ngày 31/12/2025.

Theo TTXVN, khu công nghiệp này được hình thành từ năm 1963, là khu công nghiệp đầu tiên của cả nước. Tháng 2/2014, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý cho Đồng Nai phê duyệt đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ.

Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam.

Tháng 2/2024 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

Theo đề án, việc đầu tư Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1 sẽ được tách thành 2 hồ sơ với quy mô cụ thể từng dự án (khu vực) bao gồm dự án khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh, quy mô khoảng 44 ha; dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ là hơn 286 ha.

 Khu vực sẽ làm khu trung tâm hành chính mới của tỉnh Đồng Nai thể hiện trên bản đồ Google vệ tinh.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cần khoảng 7.500 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ di dời đối với doanh nghiệp và người dân.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có diện tích hơn 330 ha, hiện nay có 76 doanh nghiệp đang thuê đất còn hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Trung tâm hành chính mới sẽ có quy mô 44 ha, nằm gần nhiều tuyến giao thông lớn

Theo kế hoạch do dời khu công nghiệp Biên Hòa 1 trên, dự án khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh sẽ có quy mô khoảng 44 ha. Hiện nay, tại khu vực này đang triển khai các dự án Trụ sở Công an tỉnh Đồng Nai với diện tích gần 6 ha và Trụ sở Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII diện tích 0,5 ha.

Trụ sở Công an tỉnh Đồng Nai đang thi công xây dựng. (Ảnh: Hải Quân).

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, khu trung tâm chính trị - hành chính mới sẽ thuận lợi kết nối với hệ thống giao thông đô thị như QL 1 (Xa lộ Hà Nội), QL 51, tuyến metro kết nối với trung tâm TP HCM, gần với tuyến đường sắt nhẹ của TP Biên Hòa.

Cùng với đó, khu vực cũng có sẵn hệ thống hạ tầng kỹ thuật thuận lợi như cầu An Hảo kết nối khu vực trung tâm chính trị - hành chính mới với trung tâm hành chính hiện hữu của tỉnh, tạo thuận lợi cho việc di dời, đi lại làm việc của các cơ quan hành chính và người dân.

Khu trung tâm chính trị - hành chính mới của tỉnh cũng sẽ được gắn kết hài hòa với kiến trúc tổng thể đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 với đáp ứng về sự hài hòa giữa các công trình kiến trúc với cảnh quan sông nước tạo nên một trung tâm hành chính - chính trị mới đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yếu cầu cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số…

Đây cũng là nơi có địa hình cao ráo, thoát nước mặt thuận lợi gắn liền với cảnh quan sông Đồng Nai, sông Cái và cù lao Hiệp Hòa tạo mỹ quan đặc trưng cho khu vực nói riêng, TP Biên Hòa nói chung và cải thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường nước của hệ thống sông Đồng Nai

Đồng thời, khắc phục tình trạng phân tán, xây dựng, sửa chữa, cải tạo một cách chấp vá và kém hiệu quả của các cơ quan công sở hiện tại; giảm áp lực về quỹ đất xây dựng cơ quan hành chính trong đô thị cũ; khai thác hiệu quả quỹ đất đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và TP Biên Hòa.

Theo Báo cáo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực quy hoạch trung tâm hành chính mới thuộc khu vực quy hoạch phía tây bắc của tỉnh.

Đây là khu vực đô thị lịch sử tập trung đông dân cư; là trọng điểm phát triển đô thị mới tại khu vực Cù Lao Hiệp Hoà và khu vực phía Tây sông Đồng Nai; là khu vực hạt nhân xanh và phát huy không gian ven sông Đồng Nai hình thành không gian biểu tượng cho thành phố.

Trong đó, khu trung tâm đô thị lịch sử sẽ từng bước cải tạo đô thị hiện hữu; chuyển đổi sang quỹ đất phát triển đô thị khi di dời trung tâm hành chính tỉnh đến vị trí mới; phát huy lịch sử văn hoá và khu vực ven sông, tái phát triển khu vực ven sông thành không gian dành cho công cộng.

Cù lao Hiệp Hoà sẽ phát triển đô thị tiên tiến hài hoà với thiên nhiên sông Đồng Nai gắn với lịch sử văn hoá. khu vực thượng lưu sông Đồng Nai sẽ phát triển các chức năng có mật độ thấp và thấp tầng phù hợp với giới hạn chiều cao khu vực quanh sân bay; phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp văn hóa lịch sử Bửu Long.

Khu vực hữu ngạn sông Đồng Nai sẽ tăng cường liên kết không gian với sông Đồng Nai và khu vực đô thị trung tâm hiện hữu bên kia sông; phát triển du lịch, đô thị mới quanh các khu vực khai thác đá có cảnh quan hồ nước đẹp; cải tạo khu vực dân cư hiện hữu, khu vực ven sông.

Cùng với đó, sân bay Biên Hoà sẽ phát triển theo định hướng là đô thị sân bay, phát triển mới các khu ở, thương mại dịch vụ tại khu vực cửa ngõ sân bay. 

Liên quan đến việc di dời trung tâm hành chính, theo tìm hiểu của người viết, hồi năm 2008, Ban Thường vụ Trung ương cũng đã chấp thuận chủ trương di dời, xây dựng mới khu trung tâm hành chính của tỉnh đến khu đô thị mới Tam Phước, H.Long Thành (nay là phường Tam Phước, TP Biên Hòa).

Đến ngày 24, 25/10/2008, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa VIII) họp và biểu quyết chấp thuận chủ trương di dời, xây dựng mới khu trung tâm hành chính của tỉnh đến địa điểm trên.

Theo đó, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết ngày 5/12/2008 thống nhất chủ trương lập đề án Di dời trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Nai.

Song hiện nay, dự án Đầu tư khu đô thị thương mại dịch vụ tại xã Tam Phước không tiếp tục triển khai thực hiện (do các nhà đầu tư nước ngoài không tiếp tục đầu tư).

Đồng thời, khu vực này chưa hình thành đô thị, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư; bao quanh là các khu công nghiệp Long Thành, khu công nghiệp Tam Phước và các khu dân cư xây dựng tự phát, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Tuyến đường giao thông chính là QL 51 thường xảy ra kẹt xe vào những giờ cao điểm; không thuận lợi cho cán bộ viên chức đi lại khi hình thành; cần nguồn lực đầu tư lớn về giao thông công cộng và tăng cường kết nối giao thông đô thị giữa khu vực đô thị Biên Hòa cũ và khu vực mới ở phía Nam.

Do đó, việc lựa chọn phương án đầu tư, xây dựng mới khu trung tâm chính trị - hành chính tỉnh tại khu vực đô thị mới Tam Phước hiện nay là không còn khả thi.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.