4 điểm nổi bật về quy hoạch huyện Trảng Bom, Đồng Nai

Huyện Trảng Bom được tỉnh Đồng Nai định hướng trở thành thị xã tới năm 2030, giai đoạn sau năm 2030, huyện được định hướng lên thành phố. Cùng điểm qua những điểm đáng chú ý trong quy hoạch tại địa phương này.

Huyện Trảng Bom cách trung tâm TP HCM khoảng 42 km, tiếp giáp và cách trung tâm TP Biên Hòa khoảng 12 km về phía đông, nằm ở phía tây nam của hồ Trị An.

Huyện có diện tích khoảng 324 km2, dân số theo cập nhật mới nhất là 363.122 người, trong đó dân số thị trấn Trảng Bom là 25.167 người và dân số 16 xã là 337.955 người.

 Một góc huyện Trảng Bom hiện nay. (Ảnh: Báo Pháp luật Plus).

Định hướng lên thị xã tới năm 2030

Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn đến năm 2030, có 4 thành phố (Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành); một thị xã (Trảng Bom) và 6 huyện (Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc).

Giai đoạn sau năm 2030, có 5 thành phố (Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom); một thị xã (Thống Nhất) và 5 huyện (Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc).

Như vậy, huyện Trảng Bom sẽ được quy hoạch lên thị xã tới năm 2030. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ được quy hoạch lên thành phố, là một trong 5 thành phố của tỉnh Đồng Nai giai đoạn sau năm 2030.

Về quy hoạch huyện, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Trảng Bom phát triển với mô hình Công nghiệp – đô thị - dịch vụ, đề xuất phân thành hai vùng kinh tế - xã hội bao gồm các phân khu phía Tây đường Vành đai 4, phạm vi bao gồm thị trấn Trảng Bom, xã Hố Nai 3, Bắc Sơn, Bình Minh, Quảng Tiến, Giang Điền, An Viễn, Đồi 61, một phần xã Sông Trầu và xã Tây Hoà. Quy mô khoảng 14.872 ha. Tính chất chủ đạo là phát triển đô thị - dịch vụ - công nghiệp.

Hệ thống đô thị của vùng này bao gồm đô thị Trảng Bom, đô thị Hố Nai 3, đô thị Bắc Sơn, đô thị Giang Điền. Trong đó thị trấn Trảng Bom là đô thị hạt nhân của toàn vùng.

Các phân khu phía Đông đường Vành đai 4 có vị trí kinh tế tiếp giáp huyện Thống Nhất, huyện Vĩnh Cửu, hồ Trị An. Tính chất chủ đạo của vùng là phát triển nông lâm ngư nghiệp, về tồn rừng, bảo vệ cảnh quan, nguồn nước, duy trì đa dạng sinh học.

Phạm vi vùng bao gồm các xã Thanh Bình, xã Cây Gáo, xã Bàu Hàm, xã Sông Thao, xã Trung Hòa, xã Đông Hòa, xã Hưng Thịnh và một phần xã Sông Trầu và xã Tây Hoà. Quy mô khoảng 17.669 ha.

Đến năm 2025, huyện Trảng Bom trở thành thị xã Trảng Bom, đạt tiêu chí đô thị loại IV với quy mô toàn huyện; tiến tới thành lập thị xã Trảng Bom với số đơn vị hành chính cấp xã có tối thiểu là 09 phường với quy mô khoảng 12.500 ha.

Trong đó, khu vực 2 phường trung tâm được hình thành bởi thị trấn Trảng Bom (khoảng 931 ha), một phần xã Sông Trầu (khoảng 434 ha), một phần xã Quảng Tiến (khoảng 172 ha) và một phần xã đồi 61 (khoảng 35 ha).

Đến năm 2030, Trảng Bom được nâng cấp lên đô thị loại III, có 6 xã là một trong các trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh Đồng Nai, trung tâm công nghiệp tập trung đa ngành, trung tâm tiếp vận, kho vận phía Đông vùng TP HCM; trung tâm giải trí, thể dục thể thao và du lịch sinh thái cấp vùng.

Nằm trên hai hành lang, một vành đai kinh tế của tỉnh

Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai, huyện Trảng Bom là vùng phát triển kinh tế - xã hội phía Tây (từ đường vành đai 4 đến sông Đồng Nai, gồm TP Biên Hòa, các đô thị Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và 8 xã Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thạnh Phú, Thiện Tân, Tân An, Vĩnh Tân, Trị An và thị trấn Vĩnh An của huyện Vĩnh Cửu).

Đây là vùng động lực đô thị - dịch vụ - công nghiệp; hạt nhân phát triển chính là chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai: Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch.

Định hướng phát triển vùng sẽ lấy công nghiệp hàng không, công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu và dịch vụ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu làm phương hướng chủ đạo.

Phát triển các dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hướng đến phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, các loại hình du lịch gắn liền với các đô thị văn minh hiện đại, cảng hàng không quốc tế và sông Đồng Nai.

Cùng với đó, huyện còn nằm trên các hành lang, vành đai kinh tế của tỉnh Đồng Nai bao gồm hành lang sông Đồng Nai;  hành lang quốc lộ 1 và một vành đai kinh tế là Vành đai 4 vùng TP HCM.

Nói thêm về quy mô đất đai của huyện Trảng Bom theo quy hoạch, đối với quy mô đất đô thị: Định hướng đến năm 2030, diện tích đất đô thị khoảng 18.500 - 21.200 ha.

Ngoài ra, khu vực ngã tư Tân Lập cũng được định hướng là đô thị dựa trên nền là trung tâm xã Cây Gáo và xã Thanh Bình với mục đích phục vụ cho vùng nông nghiệp phía Bắc và vùng du lịch sinh thái hồ Trị An với diện tích khoảng 300 ha.

Đất khu dân cư nông thôn sẽ có khoảng 2.500 ha phân bố tập trung theo các điểm dân cư xã, cụm xã.

 (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Hưởng lợi từ tuyến vành đai 4 TP HCM

Với các chuyển động hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ, huyện Trảng Bom sẽ được hưởng lợi rất lớn từ tuyến vành đai 4 TP HCM, sau khi tuyến đường này được hoàn thành.

Đường vành đai 4 TP HCM có chiều dài 207 km, phân kỳ giai đoạn 1 sẽ đầu tư 4 làn xe và sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần với quy mô 8 làn xe.

Đối với tỉnh Đồng Nai, đường vành đai 4 đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài hơn gần 46 km, qua các địa phương bao gồm huyện Cẩm Mỹ, huyện Trảng Bom, huyện Vĩnh Cửu và huyện Long Thành. Điểm đầu tuyến thuộc địa phận huyện Cẩm Mỹ và điểm cuối tuyến thuộc địa phận huyện Vĩnh Cửu (không bao gồm cầu Thủ Biên).

Hồi tháng 7/2023, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về quy mô, tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 TP HCM giai đoạn 1.

Theo văn bản, sau khi đánh giá tính khả thi, UBND tỉnh thống nhất phương án mặt cắt ngang dự án đường vành đai 4 TP HCM đoạn qua Đồng Nai giai đoạn 1 là 22 m.

Cụ thể, đường có 4 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, dải phân cách giữa (trùng tim tuyến đường giai đoạn hoàn thiện), có bố trí đường gom tại các khu vực có dân cư. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn tỉnh là hơn 17.200 tỷ đồng (không bao gồm lãi vay).

Hướng tuyến đường vành đai 4 (CT 41).

Bên cạnh tuyến vành đai 4, theo quy hoạch, huyện còn có các tuyến đường tỉnh bao gồm ĐT 762. Điểm đầu nằm tại Km6+900, QL 20; điểm cuối nằm tại đường Nguyễn Tất Thành, chiều dài dự kiến khoảng 20,5, quy mô 4 - 6 làn xe.

ĐT 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc) có điểm đầu nằm tại ĐT 766, huyện Xuân Lộc; điểm cuối nằm tại ĐT 767, huyện Trảng Bom. Chiều dài của tuyến đường này là hơn 53 km, quy mô 4 - 8 làn xe.

Có tuyến đường sắt cao tốc đi qua, quy hoạch tuyến metro dài 47 km

Theo quy hoạch, huyện Trảng Bom sẽ được đầu tư xây mới đường sắt tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu, chiều dài khoảng 84 km, khổ 1.435 mm; trong đó, đoạn Biên Hòa - Thị Vải đường đôi, đoạn Thị Vải - Vũng Tàu đường đơn.

Điểm đầu, đối với vận chuyển hàng hóa tại ga Trảng Bom (tương ứng km 1677+886 đường sắt Thống Nhất) thuộc xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom; đối với vận chuyển hành khách tại ga Biên Hòa mới (km 0+00) thuộc xã An Hòa. Điểm cuối tại ga Thị Vải (km 45+540) thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong đó, đoạn Biên Hòa - Thị Vải nhu cầu đến năm 2050 khoảng 22,6 triệu tấn hàng hóa/năm và 9,0 triệu hành khách/năm, tương đương chỉ khoảng 75 đôi tàu/ngày đêm được quy hoạch tuyến đường đôi với năng lực vận chuyển lên đến khoảng 120 đôi tàu/ngày đêm.

Đoạn Thị Vải - Vũng Tàu nhu cầu đến năm 2050 khoảng 0,68 triệu tấn hàng hóa/năm và 7,2 triệu hành khách/năm, tương đương chỉ khoảng 12 đôi tàu/ngày đêm được quy hoạch tuyến đường đơn với năng lực vận chuyển lên đến 35 đôi tàu/ngày đêm.

Cùng với đó, huyện sẽ được đầu tư tuyến đường sắt đô thị  Biên Hòa - Trảng Bom - Long Khánh với chiều dài khoảng 47 km, quy mô khổ đường rộng 1.435 mm.

Về bất động sản của huyện Trảng Bom, Báo Đồng Nai dẫn thông tin từ UBND tỉnh cho biết, huyện Trảng Bom là một trong 4 địa phương có số lượng dự án bất động sản nhiều nhất của tỉnh Đồng Nai.

Huyện hiện tại có 18 dự án bất động sản đang triển khai, quy mô hơn 487 ha. một số các dự án bất động sản có quy mô khá lớn như khu dân cư dịch vụ Giang Điền (Khu B) hơn 104 ha; khu dân cư Phú An Lành tại xã Sông Trầu gần 98 ha; khu dân cư dịch vụ Giang Điền (Khu A) tại xã Giang Điền 94 ha.

Cùng với đó, theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai, huyện Trảng Bom cũng là vị trí của khu du lịch quốc gia Hồ Trị An, bên cạnh các địa phương như huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất và Định Quán.

Huyện cũng sẽ được đầu tư xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Trảng Bom.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.