Huyện Long Thành nằm ở phía nam của tỉnh Đồng Nai, có diện tích 431 km2. Trung tâm huyện nằm cách trung tâm TP HCM khoảng 32 km về phía đông, cách TP Biên Hòa 24 km về phía bắc và cách TP Vũng Tàu 60 km về phía nam.
Về vị trí địa lý, phía đông giáp huyện Cẩm Mỹ và huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía tây giáp huyện Nhơn Trạch và TP Thủ Đức, TP HCM; phía nam giáp thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía bắc giáp huyện Trảng Bom, huyện Thống Nhất và TP Biên Hòa.
Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn đến năm 2030, tỉnh này sẽ có 4 thành phố (Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành); một thị xã (Trảng Bom) và 6 huyện (Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc).
Giai đoạn sau năm 2030, có 5 thành phố (Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom); một thị xã (Thống Nhất) và 5 huyện (Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc).
Như vậy, huyện Long Thành được tỉnh Đồng Nai quy hoạch lên thành phố đến năm 2030, là một trong 4 thành phố của tỉnh này.
Theo quy hoạch xây dựng Vùng huyện Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đồ án quy hoạch, Vùng huyện Long Thành có diện tích hơn 43.000 ha, hướng đến xây dựng một vùng phát triển kinh tế động lực trung tâm của tỉnh Đồng Nai, là cực phía Đông của TP HCM.
Cùng với đó, vùng huyện Long Thành sẽ phát triển trên 5 chiến lược, trong đó 3 đô thị Long Thành, Bình Sơn, Phước Thái gắn với khu vực sân bay Long Thành, hệ thống cảng Gò Dầu và các tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành.
Về mục tiêu, đô thị Long Thành sẽ phát triển đạt tiêu chí đô thị loại III trước năm 2030 và sau năm 2030 hướng tới đô thị loại II. Về quy mô dân số, dự báo đến năm 2030 đô thị Long Thành có quy mô dân số khoảng 340.000 - 370.000 người và dự báo đến năm 2045 có quy mô khoảng 480.000 - 500.000 người.
Trong tương lai, Đồng Nai sẽ hình thành tứ giác đô thị động lực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành (thành phố sân bay). Biên Hòa được xác định trở thành đô thị tập trung tâm phát triển thương mại – dịch vụ có quy mô lớn, du lịch kết hợp với cảnh quan sông Đồng Nai.
TP Long Thành là đô thị thông minh, trung tâm thương mại - dịch vụ, giao lưu quốc tế, là đầu mối giao thông kết nối toàn vùng, đồng thời hình thành các khu logistics, khu công nghiệp công nghệ cao.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ lấy hai khu vực làm động lực phát triển mới cho tỉnh bao gồm khu vực đô thị sân bay Long Thành và khu vực hành lang sông Đồng Nai.
Trong đó, khu vực đô thị sân bay Long Thành sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia và vùng. Phát triển toàn diện các dịch vụ hàng không trong phạm vi Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đối với huyện Long Thành, huyện sẽ phát triển khu đô thị tại phía tây nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành; phát triển các khu cụm công nghiệp, logistics phía đông nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành, liên kết với hệ thống công nghiệp - dịch vụ hậu cần cảng biển Cái Mép - Thị Vải; phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo trục cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, QL 51 và Vành đai 4 vùng TP HCM.
Về cấu trúc không gian tổng thể, huyện Long Thành sẽ lấy hạt nhân là sân bay Long Thành, hình thành các vành đai chức năng từ hạt nhân ra xung quanh.
Với mức độ tiếp cận khác nhau hình thành các chức năng chính bao gồm không gian tiếp giáp trực tiếp với sân bay Long Thành (mức độ 1): là khu vực chuyển tiếp giao thông công cộng, kho bãi, dịch vụ vận tải, MICE, du lịch…
Không gian tiếp giáp với sân bay Long Thành (mức độ 2) là khu vực trung tâm đô thị; không gian chịu ảnh hưởng của sân bay Long Thành (mức độ 3) sẽ hình thành các KCN và dân cư; không gian ít chịu tác động của sân bay (mức độ 4) sẽ phát triển không khu dân cư, nông nghiệp theo định hướng của địa phương.
Về phương án tổ chức các không gian thành phần, đối với khu vực chính, tiếp giáp trực tiếp với sân Bay Long thành ở mức độ 1 được phân bố và định hướng bao gồm khu vực 1 tiếp giáp với đông nam sân bay Long Thành.
Định hướng phát triển không gian kho bãi, dịch vụ vận tải, khu tự do và miễn thuế hải quan, Khu nhà hàng bản lẻ đồ đặc sản, các điểm du lịch văn hóa, khách sạn nghỉ ngơi cho khách, dịch vụ hội nghị hội thảo, sân golf…
Khu vực 2 tiếp phía tây bắc sân bay Long Thành, định hướng là khu tự do và miễn thuế hải quan, Khu nhà hàng bản lẻ đồ đặc sản, các điểm du lịch văn hóa, khách sạn nghỉ ngơi cho khách, khu văn phòng kinh doanh, dịch vụ hội nghị hội thảo…
Khu vực 3 nằm giáp phía đông nam sân bay Long Thành. Định hướng hình thành khu vực hậu cần hàng không; khu vực 4 nằm tiếp với phía đông bắc sân bay. Định hướng phát triển không gian kho bãi, dịch vụ vận tải.
Đối với khu vực tiếp giáp với sân bay Long Thành ở mức độ 2 là không gian các đô thị bao gồm đô thị Long Thành, đô thị Bình Sơn, trung Tâm Sông Nhạn. Đây là khu vực phát triển đô thị có sự phát triển gắn kết với sân bay Long Thành.
Đô thị Long Thành mở rộng về phía đông nam dọc theo hành lang QL 51 và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tạo ra cự ly hợp lý cho việc kết nối với với sân bay, từ đó thuận lợi cho phát triển các chức năng mới phục vụ sân bay: thương mại, dịch vụ.
Đô thị Bình Sơn hình thành khu vực lõi kết kết nối trực tiếp với lối ra sân bay, hình thành trung tâm thương mại - dịch vụ - Tài chính.
Trung tâm Sông Nhạn hình thành trung tâm dịch vụ đô thị tại giao lộ cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và vành đai 4.
Huyện Long Thành hiện nay rất được tỉnh Đồng Nai chú trọng về hệ thống hạ tầng giao thông, có ba tuyến cao tốc đã và sẽ đi qua địa phương này bao gồm cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Bến Lức - Long Thành. Cùng với đó, huyện còn được hưởng lợi từ cả tuyến vành đai 3 và vành đai 4 TP HCM, đi qua các huyện lân cận.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe, chiều dài 54 km là một phần của đường trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên được đầu tư xây dựng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do đó, từ khi đưa vào khai thác năm 2015 đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường cao tốc này liên tục tăng cao. Theo VEC, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng trung bình hơn 10,4% mỗi năm.
Được biết, từ khi đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện tham gia trên đoạn cao tốc TP HCM-Long Thành (Km 00 đến Km 25+920) liên tục tăng cao, dự kiến năm 2025 vượt 25% năng lực thông hành với 4 làn xe hiện hữu, thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Hiện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã nghiên cứu, đề xuất mở rộng đoạn từ nút giao đường vành đai 2 TP HCM đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4 đến Km25+920) với quy mô 8 làn xe, bảo đảm khả năng mở rộng lên 10 làn xe.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài gần 54 km, đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai (hơn 34 km) và Bà Rịa - Vũng Tàu (khoảng 19,5 km). Ở giai đoạn 1, dự án được đầu tư theo quy mô đường cao tốc 4 - 6 làn xe, tổng vốn hơn 17.800 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 dài 16 km, tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản.
Tại TP Biên Hòa, dự án đi qua khoảng 6 km thuộc phường Tam Phước, Phước Tân và 28 km của các xã, thị trấn thuộc huyện Long Thành.
Để thực hiện dự án, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi gần 290 ha đất thuộc TP Biên Hòa và huyện Long Thành với hơn 3.400 hộ dân bị ảnh hưởng; hơn 2.400 hộ dân thuộc diện phải bố trí tái định cư. Hiện tuyến cao tốc này đang được thi công, xây dựng, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2027.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58 km, khởi công từ năm 2014. Tổng mức đầu tư của dự án là 31.320 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản (11.975 tỷ đồng), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) (13.654 tỷ đồng) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (5.689 tỷ đồng).
Tuyến cao tốc này đi qua các tỉnh bao gồm Long An (2,7 km), TP HCM (26,4 km) và Đồng Nai (28,7 km).
Trong đó, đi qua tỉnh Đồng Nai bao gồm hai địa phương là huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành, trong đó, điểm cuối của tuyến cũng giao với QL 51, thuộc địa phận huyện Long Thành. Tuyến cao tốc này dự kiến thông tuyến vào năm 2025.
Bên cạnh ba tuyến cao tốc này, khi xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh hiện cũng xây dựng hai tuyến giao thông trên địa bàn huyện để kết nối vào sân bay, trong đó, tuyến chính số 1 dài 4,3 km với vận tốc thiết kế đạt 80 km/h theo tiêu chuẩn đường chính đô thị được triển khai từ ranh phía Tây của sân bay Long Thành đến quốc lộ 51.
Tuyến giao thông kết nối số 1 còn là tuyến đường lưu thông, vận chuyển máy móc, trang thiết bị chính phục vụ công tác thi công xây dựng các hạng mục sau này của sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Tuyến chính số 2 dài 3,5 km với tiêu chuẩn đường cao tốc cùng vận tốc thiết kế đạt 100 km/h nằm trên tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn giữa cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và là tuyến đường rất quan trọng tạo thành hệ thống kết nối cho sân bay Long Thành. Hai tuyến này được dự kiến hoàn thành vào 31/12/2026.
Sân bay quốc tế Long Thành hiện đang trong quá trình xây dựng tại huyện Long Thành, cách TP HCM khoảng 40 km về hướng Đông và cách trung tâm khoảng 20 km. Quy mô sân bay này khoảng 5.000 ha.
Với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn thành tất cả 3 giai đoạn, đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai. Là huyện kề cận với sân bay Long Thành, khi sân bay này được hoàn thành, huyện Nhơn Trạch sẽ là một trong những địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này.
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4,6 tỷ USD. Dự án có 4 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do ACV làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 99.000 đồng.
Hiện tại dự án đã cơ bản thành hình,vị trí xây dựng nhiều hạng mục lớn của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đều đã hoàn thành san nền, sẵn sàng triển khai các công trình.
Dự kiến hết năm 2024 sẽ hoàn thành toàn bộ phần sàn, phần xây dựng phấn đấu trước tháng 12/2025, lắp dựng mặt đứng trước tháng 3/2026, cùng với công tác hoàn thiện, lắp đặt thiết bị vận hành thử từ đầu năm 2026.
Theo Quy hoạch, tỉnh Đồng Nai sẽ kéo dài tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đến tỉnh này,
Trong đó, đoạn kéo dài về Đồng Nai có chiều dài khoảng 18 km đi trên cao, được chia làm ba đoạn gồm bao gồm đoạn từ ga S0 đến ngã ba Vũng Tàu; đoạn từ ngã ba Vũng Tàu đến chợ Sặt và đoạn từ ngã ba Chợ Sặt về khu vực xã Hố Nai 3.
Đoạn từ ga S0 đến ngã ba Vũng Tàu có chiều dài khoảng 3,8km; đoạn từ ngã ba Vũng Tàu đến chợ Sặt khoảng 8,9 km và đoạn từ ngã ba Chợ Sặt về khu vực xã Hố Nai 3 khoảng 5,6 km.
Theo Báo Đồng Nai, Đại diện Sở GTVT cho biết, trong phương án kéo dài tuyến metro số 1 về Đồng Nai sẽ quy hoạch xây dựng một nhà ga tại khu vực Khu công nghiệp Biên Hòa 1 với mô hình quảng trường nhà ga. Đây sẽ là mô hình nhà ga kết nối các hình thức vận tải.
Do đó, Sở GTVT đã làm việc với đơn vị tư vấn lập quy hoạch, đề xuất quy hoạch tuyến metro từ nhà ga KCN Biên Hòa 1 kéo dài đến sân bay Long Thành. Từ đây, tuyến metro này sẽ kết nối với tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, đảm bảo kết nối giao thông về đường sắt giữa TP HCM và Đồng Nai.
Với phương án theo đề xuất, hệ thống metro sẽ kết nối được cả hai sân bay trên địa bàn tỉnh là sân bay Long Thành và sân bay Biên Hòa.
Bên cạnh đó, huyện cũng được quy hoạch thêm tuyến hai đường sắt đô thị bao gồm tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Nhơn Trạch - Long Thành (ĐSĐT 2) với chiều dài khoảng 25 km, khổ đường rộng 1.435 mm; Tuyến đường sắt đô thị Long Khánh - Long Thành (ĐSĐT 4) với chiều dài khoảng 30 km, khổ đường rộng 1.435 mm.
Cùng với sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông, cũng như có sân bay quốc tế Long Thành, huyện Long Thành cũng có loạt dự án bất động sản lớn, tiêu biểu như KCN Công nghệ cao Long Thành (Amata City Long Thành); khu đô thị Gem Sky World; khu dân cư D2D Lộc An; khu đô thị Century City và khu đô thị STC Long Thành...
Trong đó, KCN Công nghệ cao Long Thành (Amata City Long Thành) có tổng diện tích 410 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 282 triệu USD. Chủ đầu tư của dự án này là CTCP Đô thị Amata Long Thành.
Khu đô thị Gem Sky World là khu đô thị có quy mô lên tới 92 ha tại Long Thành, Đồng Nai. Dự án được đầu tư bởi CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An, phát triển bởi Tập đoàn Đất Xanh.
Dự án sau khi hoàn thiện sẽ cung ứng cho thị trường bất động sản Long Thành 4.022 sản phẩm biệt thự, nhà phố và đất nền, dự kiến phục vụ nhu cầu an cư cho khoảng 18.000 người.
Khu tái định cư D2D (khu dân cư Lộc An Long Thành) được CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) đầu tư với quy mô hơn 41 ha. Với tổng vốn đầu tư lên đến 336 tỷ đồng.
Khu đô thị Century City do Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh (Kim Oanh Group) phát triển có diện tích khoảng 50 ha, quy mô bao gồm 2.100 sản phẩm gồm shophouse, nhà liên kế vườn, nhà phố liên kế, biệt thự, căn hộ. Theo chủ đầu tư, dự án đã hoàn thiện thi công trên 95% và đang tiến hành ra sổ.
Dự án STC Long Thành có tên pháp lý là Khu dân cư xã Bình Sơn - Lộc An, được quy hoạch tại hai xã Bình Sơn và Lộc An, do CTCP Bất động sản STC Golden Land làm chủ đầu tư.
STC Long Thành có quy mô 23,4 ha, bao gồm 1.083 sản phẩm đất nền xây dựng. Dự án này do CTCP Bất động sản STC Golden Land làm chủ đầu tư.
Quy hoạch 07:00 | 07/09/2024
Quy hoạch 07:00 | 31/08/2024
Quy hoạch 19:14 | 24/08/2024
Quy hoạch 07:30 | 24/08/2024
Quy hoạch 19:15 | 22/08/2024
Quy hoạch 06:45 | 16/08/2024
Quy hoạch 06:45 | 14/08/2024
Quy hoạch 06:45 | 31/07/2024