Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh cũ là Biên Hòa và Long Khánh. Đây là tỉnh đông dân thứ 5 cả nước sau TP HCM, TP Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An.
Tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên hơn 5.863 km2. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính, gồm hai thành phố (Biên Hòa và Long Khánh) và 9 huyện (Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch).
Phía đông tỉnh giáp tỉnh Bình Thuận; phía tây giáp tỉnh Bình Dương và TP HCM; phía nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía bắc giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Phước.
Dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050
Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển, có tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 14.650 USD.
Cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2030 có công nghiệp - xây dựng chiếm 59% (riêng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 50%); khu vực dịch vụ chiếm 29%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 6%.
Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai dự kiến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế.
Theo cập nhật mới nhất, dân số toàn tỉnh Đồng Nai khoảng hơn 3 triệu người, mật độ dân số đạt 516,3 người/km2. Trpng đó, dân số thành thị chiếm hơn 48%, dân số nông thôn chiếm gần 52%. Đây cũng là tỉnh đông dân nhất vùng Đông Nam Bộ với hơn 3 triệu dân (nếu không tính TP HCM).
Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, Đồng Nai có 19 đô thị, bao gồm một đô thị loại I (TP Biên Hòa); hai đô thị loại II (TP Long Khánh và đô thị Nhơn Trạch); một đô thị loại III (Long Thành), 7 đô thị loại IV (TX Trảng Bom, Dầu Giây, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Long Giao, Gia Ray) và 8 đô thị loại V (Hưng Lộc, Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1, La Ngà, Phú Túc, Thạnh Phú, Sông Ray).
Giai đoạn 2030 - 2050, Đồng Nai có 26 đô thị, bao gồm ba đô thị loại I (TP Biên Hòa, TP Long Khánh và đô thị Nhơn Trạch); một đô thị loại II (TP Long Thành), một đô thị loại III (TP Trảng Bom); 7 đô thị loại IV (thị xã Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Thạnh Phú, Long Giao, Gia Ray) và 14 đô thị loại V.
Về quy hoạch đơn vị hành chính, giai đoạn đến năm 2030, có 4 thành phố (Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành); một thị xã (Trảng Bom) và 6 huyện (Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc).
Giai đoạn sau năm 2030, có 5 thành phố (Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom); một thị xã (Thống Nhất) và 5 huyện (Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc).
Như vậy, các huyện bao gồm Nhơn Trạch, Long Thành và Trảng Bom sẽ được quy hoạch lên thành phố; huyện Thống Nhất sẽ lên thị xã.
Huyện Nhơn Trạch là địa phương tập trung sản xuất công nghiệp của Đồng Nai với nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Trên địa bàn huyện hiện có 9 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động. Dự báo đến năm 2030, quy mô dân số huyện đạt 430 nghìn người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%.
Huyện Long Thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kế cận với các thành phố lớn như Biên Hòa, TP HCM, nên có lợi thế về sức thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp - dịch vụ và du lịch. Cùng với sự phát triển của các hoạt động thương mại, dịch vụ, logistics gắn liên với sân bay Long Thành. Đến năm 2030, quy mô dân số huyện Long Thành dự báo đạt 380 nghìn người, tỷ lệ đô thị hóa 70%.
Huyện Trảng Bom là huyện vệ tinh của TP Biên Hòa, có vị trí địa lý, kinh tế thuận lợi, nằm gần các đô thị lớn, có các tuyến đường giao thông đường bộ thuận lợi. Dự báo dân số đến năm 2030, huyện Trảng Bom đạt 443,3 nghìn người, tốc độ tăng trưởng dân số bình quân năm khoảng 2%/năm.
Huyện Thống Nhất là nơi hội tụ các đầu mối giao thông huyết mạch của quốc gia (QL 1, QL 20, đường sắt Bắc - Nam, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và trong tương lai là đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Dầu Giây - Ðà Lạt). Dự báo đến năm 2030, quy mô dân số huyện đạt 207,8 nghìn người.
Theo Quy hoạch, tỉnh Đồng Nai sẽ quy hoạch phát triển theo ba vùng kinh tế - xã hội bao gồm vùng phía tây (từ đường Vành đai 4 đến sông Đồng Nai, gồm thành phố Biên Hòa, các đô thị Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và 08 xã: Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thạnh Phú, Thiện Tân, Tân An, Vĩnh Tân, Trị An và thị trấn Vĩnh An của huyện Vĩnh Cửu).
Đây là vùng động lực đô thị - dịch vụ - công nghiệp; hạt nhân phát triển chính là chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai bao gồm Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch.
Vùng phía đông nằm ở phía nam hồ Trị An và sông La Ngà, phía Tây Vành đai 4, bao gồm thành phố Long Khánh, các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất và 5 xã Suối Nho, Phú Túc, Túc Trưng, Phú Cường, La Ngà của huyện Định Quán.
Đây là vùng động lực phát triển công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ với thành phố Long Khánh làm hạt nhân trung tâm.
Vùng phía bắc (nằm ở phía bắc hồ Trị An và sông La Ngà, gồm phần còn lại của huyện Vĩnh Cửu, huyện Định Quán và toàn huyện Tân Phú) là vùng động lực phát triển nông nghiệp - du lịch - sinh thái với cặp đô thị Định Quán - Tân Phú là hạt nhân trung tâm.
6 hành lang kinh tế bao gồm hành lang sông Đồng Nai; hành lang Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và quốc lộ 51; hành lang cao tốc TP HCM - Long Thành - Phan Thiết; hành lang quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam; hành lang quốc lộ 20 và cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; hành lang cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Ba vành đai bao gồm gồm Vành đai 4 vùng TP HCM; Vành đai quốc lộ 56 - ĐT 762; Vành đai liên kết Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.
Đối với hạ tầng giao thông của tỉnh Đồng Nai, tỉnh này sẽ có 4 tuyến cao tốc và hai tuyến vành đai đi qua. Cụ thể, ba tuyến cao tốc bao gồm cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng); cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai) và cao tốc Bến Lức - Long Thành; hai tuyến vành đai bao gồm vành đai 3 và vành đai 4 TP HCM.
Trong đó, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200 km, được chia thành ba phân đoạn để đầu tư. Ba phân đoạn bao gồm đoạn Dầu Giây - Tân Phú dài 61 km, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư gần 7.370 tỷ đồng.
Đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dài hơn 66 km, nằm trên địa phận hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, tổng mức đầu tư 16.220 tỷ đồng và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương dài 73,9 km nối với cao tốc Liên Khương - Prenn, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 11.300 tỷ đồng.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài gần 54 km, đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai (hơn 34 km) và Bà Rịa - Vũng Tàu (khoảng 19,5 km). Ở giai đoạn 1, dự án được đầu tư theo quy mô đường cao tốc 4 - 6 làn xe, tổng vốn hơn 17.800 tỷ đồng. Tuyến hiện nay đang được thi công, xây dựng
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 dài 16 km, tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 dài hơn 18 km, tổng mức đầu tư được duyệt hơn 6.850 tỷ đồng do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5 km, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài 55,7 km, thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đường cao tốc này nối TP HCM với Đồng Nai, có điểm đầu tuyến là nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong những tuyến cao tốc đi vào hoạt động sớm nhất khu vực phía nam.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58 km, khởi công từ năm 2014. Tổng mức đầu tư của dự án là 31.320 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản (11.975 tỷ đồng), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) (13.654 tỷ đồng) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (5.689 tỷ đồng).
Trong đó, tuyến có khoảng 4,9 km đi qua tỉnh Long An gồm hai huyện Bến Lức và Cần Giuộc, 24,9 km đi qua TP HCM gồm huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, và 27 km đi qua tỉnh Đồng Nai gồm hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành.
Vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài khoảng 76 km đi qua 4 địa phương gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tuyến đường được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.
Đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai là đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch với chiều dài hơn 8 km, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai (hơn 6 km) và địa bàn TP HCM (gần 2 km).
Tuyến đường được đầu tư với bề rộng nền đường từ 20,5 - 26 m, gồm 4 làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp, tốc độ thiết kế 80 km/h. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 6.955 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 9/2022, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2025.
Vành đai 4 TP HCM dài hơn 206 km. Trong đó đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 18 km; qua Đồng Nai 45,6 km; qua Bình Dương 47,4 km; TP HCM 17,3 km và Long An 78 km. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án khoảng 105.964 tỷ đồng.
Đối với hệ thống đường sắt, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Đồng Nai sẽ có tuyến đường sắt cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến đầu tư trước 2030 để vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (kết nối khu bến Cái Mép - Thị Vải) có điểm đầu tại ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, điểm cuối tại Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, chiều dài khoảng 128 km, đường đôi, khổ đường 1.435 mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD.
Đối với hệ thống metro, trước năm 2030, tỉnh này sẽ thực hiện xây dựng kéo dài tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đến huyện Trảng Bom.
Sau năm 2030, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, gồm tuyến đường sắt đô thị trung tâm hành chính mới - sân bay Biên Hòa dài 13 km; tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Nhơn Trạch - Long Thành dài 25 km.
Tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Trảng Bom - Long Khánh dài 47 km; tuyến đường sắt đô thị Long Khánh - Cẩm Mỹ - Long Thành dài 30 km và tuyến đường sắt đô thị sân bay Biên Hòa - sông Đồng Nai (kết nối đến tỉnh Bình Dương) dài 2 km.
Bên cạnh các tuyến đường sắt, tỉnh Đồng Nai hiện cũng đang xây dựng sân bay quốc tế Long Thành với quy mô khoảng 5.000 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4,6 tỷ USD.
Hiện tại dự án đã cơ bản thành hình,vị trí xây dựng nhiều hạng mục lớn của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đều đã hoàn thành san nền, sẵn sàng triển khai các công trình.
Dự kiến hết năm 2024 sẽ hoàn thành toàn bộ phần sàn, phần xây dựng phấn đấu trước tháng 12/2025, lắp dựng mặt đứng trước tháng 3/2026, cùng với công tác hoàn thiện, lắp đặt thiết bị vận hành thử từ đầu năm 2026.
Cùng với đó, tỉnh này cũng quy hoạch sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng. Hiện nay sân bay này cũng đã có sẵn 2 đường băng dài 3,6km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay…
Để khai thác lưỡng dụng, sân bay này chỉ cần xây thêm nhà ga hàng không nội địa phục vụ hành khách và hàng hóa cũng như làm mới diện tích sân đỗ cho máy bay, làm mới hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu đường băng, hệ thống phụ trợ dẫn đường… để tạo khả năng phục vụ các loại máy bay thương mại cỡ lớn cất, hạ cánh.
Quy hoạch 07:58 | 16/11/2024
Quy hoạch 07:44 | 02/11/2024
Quy hoạch 08:20 | 05/10/2024
Quy hoạch 06:45 | 02/10/2024
Quy hoạch 19:00 | 24/09/2024
Quy hoạch 11:41 | 21/09/2024
Quy hoạch 13:53 | 18/09/2024
Quy hoạch 07:00 | 08/09/2024