Hòa Bình chuyển mục đích 38 ha rừng làm khu du lịch sinh thái

Khu du lịch sinh thái Thác Bạc Long Cung nằm tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình, được đầu tư bởi CTCP Đại Lâm.
Hòa Bình chuyển mục đích 38 ha rừng làm khu du lịch sinh thái - Ảnh 1.

Hồ Hòa Bình. (Ảnh: Tổng cục Du Lịch).

HĐND tỉnh Hòa Bình vừa có nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Thác Bạc Long Cung tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi.

Theo đó, tỉnh cho phép chuyển mục đích hơn 38 ha đất rừng sản xuất tại Xóm Củ, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, vị trí tại tiểu khu 4999, các khoảnh 20, 21, 23, 23a. Về hiện trạng của khu đất gồm có 15,09 ha rừng trồng và 22,94 ha đất không có rừng.

Khu du lịch sinh thái Thác Bạc Long Cung nằm tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình, cách TP Hòa Bình hơn 20 km và cách Hà Nội 70 km. Chủ đầu tư của dự án là CTCP Đại Lâm.

Về chủ đầu tư, CTCP Đại Lâm được thành lập ngày 1/8/2002, có trụ sở chính tại Xóm Củ, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình. Theo nội dung đăng ký doanh nghiệp, Công ty Đại Lâm chuyên kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày gồm khách sạn, biệt thự, nhà nghỉ.

Ngày 29/1/2021 vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 99 tỷ đồng lên thành 500 tỷ đồng. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Đại Lâm là ông Nguyễn Mạnh Tiến.

Liên quan đến dự án Thác Bạc Long Cung, hồi tháng 3 vừa qua, CTCP Thương mại Vinh - Plaza đã chào bán thành công trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 300 tỷ đồng cho một tổ chức trong nước. Trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng kể từ ngày 22/3/2021 và lãi suất cố định 11% mỗi năm.

Nguồn vốn thu được từ đợt phát hành sẽ được doanh nghiệp sử dụng góp vốn đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Thác Bạc Long Cung theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Đại Lâm.

Thông tin về tổ chức phát hành, Công ty Vinh Plaza được thành lập ngày 18/6/2013, có trụ sở chính tại số 3, đường Mai Hắc Đế, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An. Ngành nghề kinh doanh chính của Vinh Plaza là dịch vụ lưu trú ngắn ngày, gồm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ.

Tại thời điểm thành lập, Vinh Plaza có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, với ba cổ đông sáng lập gồm bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, ông Lê Văn Hải và ông Nguyễn Trọng Dũng. Tháng 7/2017, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 65 tỷ đồng. Đến tháng 10/2020, cả ba cổ đông sáng lập nói trên đều đã thoái hết vốn khỏi Vinh Plaza.

Thông tin công bố vào cuối tháng 2 vừa qua, Vinh Plaza tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty là ông Nguyễn Xuân Thủy.

Tại TP Vinh, Vinh Plaza được biết đến là chủ sở hữu của khách sạn 4 sao Vinh Plaza, có quy mô 8 tầng với khoảng 180 phòng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng là chủ đầu tư của dự án chung cư Vinh Plaza với diện tích 1.000 m2, được hoàn thành vào năm 2018. Cả hai dự án này đều nằm trên đường Mai Hắc Đế.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.