Hồi ức về một người thầy

Chia sẻ hồi ức về thầy cô nhân 20/11, cô Đàm Thị Thu Hương (giảng viên ĐH Sư phạm TP HCM) không khỏi xúc động khi nhắc đến những kỷ niệm về người thầy đã khuất - Thầy Phạm Văn Phúc, giảng viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Hình ảnh thầy hiện lên trong tôi là dáng người cặm cụi bên từng trang giấy thi đại học, thỉnh thoảng gật gù rồi nhâm nhi chén trà nóng, điềm tĩnh hạ bút ghi lại lời phê trong những bài văn hay của học sinh. Hình ảnh ấy nào khác những ông đồ già ngày xưa miệt mài bên giấy thắm, mực đen hay những bậc cư sĩ khi chén rượu, khi cuộc cờ; khi xem hoa nở khi chờ trăng lên. Phong thái nho nhã đó chúng ta khó có thể tìm thấy trong những kì chấm thi tuyển sinh mười năm trở lại đây. Với nhiều thế hệ học trò, thầy là cả một sự khác biệt lớn.

Ngày ấy, lũ học trò chúng tôi đều rất “rét” thầy. Đối với thầy, những kiến thức tích lũy được phải hiểu cho sâu, cho tường tận đến gốc rễ chứ không theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, bảo biết thì cũng biết nhưng hỏi hiểu đến đâu thì trả lời ú ớ, xiêu vẹo. Thế nên nếu chuẩn bị bài chưa kĩ, suy nghĩ chưa chín, không nắm chắc vấn đề thì rất sợ đứng lên trả lời những câu hỏi của thầy. Càng đáng sợ hơn khi được làm tiểu luận với thầy. Bởi lẽ, thầy luôn kĩ lưỡng trong từng chỗ in nghiêng, gạch dưới; cẩn trọng trong từng cách dùng diễn đạt, lập luận; thầy trăn trở, băn khoăn trong giải quyết vấn đề; thầy khơi mở, đào sâu nhiều luận điểm có giá trị. Có những trang A4 đặc kín những dòng chữ của thầy, không chỉ thầy sửa sai cho chúng tôi, mà thầy ghi lại toàn bộ lịch sử vấn đề về một ý chúng tôi trình bày… Giữa cuộc sống hiện đại vốn chuộng sự mau lẹ, chớp nhoáng, môi trường học đường có phần chạy theo hư danh hơn thực chất, cách làm cẩn thận, tỉ mỉ và ngọn ngành của thầy là điều thật đáng trân quý, tự hào!

hoi uc ve mot nguoi thay
Hình ảnh thầy hiện lên trong tôi là dáng người cặm cụi bên từng trang giấy thi đại học...

Thầy dành tình cảm cho sinh viên cũng thật đặc biệt. Tôi nhớ có bạn phải “trày da tróc vảy”, khóc lên khóc xuống khi làm tiểu luận với thầy. Lần nào gửi bài bạn cũng bị thầy gửi trả với những lời phê bình, nhắc nhở rất nghiêm khắc. Thế nhưng, khi bạn viết được một đoạn chỉn chu và trọn vẹn, thầy đã nhắn tin động viên “Thầy hài lòng về phần viết mới của em. Cố gắng lên”. Khó có thể nghĩ được một người khắt khe và khó tính như thầy, người thầy mà chúng tôi chỉ dám “kính nhi viễn chi” lại gần gũi và thân tình đến thế. Thầy cũng là người tận tình, hết lòng với sinh viên. Những ngày chúng tôi tập trung làm tiểu luận cũng là từng ấy thời gian, thầy đốt thuốc lá thao thức để sửa bài cho chúng tôi. Có những hôm 1, 2 giờ sáng, thầy còn nhắn tin cho chúng tôi “Thầy vừa sửa bài em xong. Mai đến lấy nhé”. Chúng tôi “sợ” thầy nhưng cũng “thương” thầy nhiều hơn. Nhiều đứa biết thầy hút thuốc nhiều không tốt cho sức khỏe, những lần họp làm tiểu luận lại tìm cách giấu chiếc hộp quẹt của thầy…

Còn đối với tôi, có lẽ không bao giờ tôi quên ngày về khoa, thầy đã gọi tôi ra nói chuyện và khuyên nhủ thật chân tình “Người giảng viên đại học cần nhất là có những ý riêng trong mỗi bài giảng, đừng rập khuôn theo giáo trình hay những tài liệu có sẵn”. Phải chăng chất riêng ấy cũng là điều mà thầy theo đuổi trong suốt cuộc đời đi dạy của mình, để mỗi khi nhớ về thầy, chúng tôi lại thấy hiện lên rất rõ những bài giảng gắn liền với cả cuộc đời đi dạy của thầy, đó là người nghĩa sĩ Cần Giuộc gan góc, dũng cảm trong trận đánh công đồn, là Nguyễn Khuyến thâm trầm mà sâu sắc, là Tú Xương gai góc, chao chát trong từng tiếng chửi đời nhưng lại chan chứa nỗi đau đời và lo đời. Dường như trong thầy đều ít nhiều mang hình bóng của cả ba nhân cách thanh cao ấy.

Ở vào cái tuổi tri thiên mệnh, thầy bắt đầu đối diện với căn bệnh ung thư quái ác. Những lần lên lớp với dáng người run run và bước chân dò dẫm thưa dần, thầy rong ruổi khắp nơi để chữa bệnh. Thế nhưng, thầy vẫn thắp sáng trong tôi sự ham học. Biết một cuốn sách về nghệ thuật thơ Nguyễn Khuyến vừa xuất bản tại Hà Nội, thầy đã nhờ tôi tìm và mua giúp. Cầm cuốn sách trên tay, thầy xiết bao xúc động và vui mừng như thể gặp lại cố nhân. Bọn trẻ chúng tôi vẫn thường vin vào cuộc sống mưu sinh hằng ngày nên đôi khi xao nhãng chuyện sách vở, nhất là cập nhật những kiến thức, tài liệu mới mẻ; vậy mà cho đến giây phút cuối đời khi mà sức khỏe không cho phép thầy vẫn không ngừng tìm tòi và nghiên cứu. Dù có vẻ hơi khiên cưỡng nhưng tự nhiên tôi lại liên tưởng đến cành mai thắm tươi tràn đầy sức sống của Mãn Giác thiền sư nơi đêm đông lạnh giá …

Cho đến giờ, sau gần 10 năm ra trường và có lẽ mãi mãi sau này, bọn học trò chúng tôi sẽ vẫn sẽ lưu giữ và trân trọng cuốn tiểu luận ngày xưa thầy đã từng chỉnh sửa. Bởi ở đó chúng tôi được gặp lại thầy, một người thầy chỉn chu, cẩn trọng trong từng lời truyền dạy, một người cha nghiêm khắc nhưng tận tình, yêu thương. Chưa một lần chúng tôi nói lời cảm ơn thầy, và có lẽ ở thầy, thầy cũng không thích những điều sáo rỗng và khách khí như thế nhưng tận trong sâu thẳm trái tim mình, chúng tôi luôn nhớ mãi về thầy cùng những điều thầy dạy…

(Theo lời kể của cô Đàm Thị Thu Hương, giảng viên khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm TP HCM)

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.