Trong tháng 7/2020, cả nước có 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng kí là 239,3 nghìn tỉ đồng và số lao động đăng kí là 91,4 nghìn lao động, giảm 3,8% về số doanh nghiệp, tăng 72% về vốn đăng kí và giảm 8,7% về số lao động so với tháng trước.
So với cùng kì năm trước, số doanh nghiệp đăng kí tăng 7%; số vốn đăng kí tăng 72%; trái lại số lao động đăng kí giảm 4%.
Vốn đăng kí bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 18,1 tỉ đồng, tăng 78,8% so với tháng trước và tăng 60,9% so với cùng kì năm 2019.
Trong tháng, cả nước còn có 4.839 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 79,9% so với cùng kì năm 2019; 3.372 doanh nghiệp đăng kí tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, lần lượt tăng 4,8% và 34,8% so với tháng trước và cùng kì năm ngoái.
Bên cạnh đó, tháng 7 cũng ghi nhận 3.068 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 1.504 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và 4.591 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng kí.
Tính chung 7 tháng, cả nước có 75,2 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với tổng số vốn đăng kí là 936,4 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng kí là 598,6 nghìn lao động, giảm 5,1% về số doanh nghiệp, giảm 6,3% về vốn đăng kí và giảm 19,5% về số lao động so với cùng kì năm trước.
Vốn đăng kí bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 12,4 tỉ đồng, giảm 1,2% so với cùng kì năm trước.
Nếu tính cả 1.158,4 nghìn tỉ đồng vốn đăng kí tăng thêm của 21 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng kí bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm nay là 2.094,8 nghìn tỉ đồng, giảm 15,4% so với cùng kì năm trước.
Bên cạnh đó, còn có gần 28,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,6% so với 7 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng lên 103,8 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, 7 tháng đầu năm có 1.372 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 20,9% so với cùng kì năm trước; có 22 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 2,1%; có 51,9 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 8,4%.
Thống kê của GSO cho thấy, trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động, ngoài ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn có ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas là có số doanh nghiệp thành lập mới tăng với 2.340 doanh nghiệp, tăng 190,7% so với cùng kì năm trước.
Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm, bao gồm bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy gần 25,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 3% so với cùng kì năm 2019; xây dựng 9.862 doanh nghiệp, giảm 4%; công nghiệp chế biến, chế tạo 9.441 doanh nghiệp, giảm 6,4%; khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, 6.580 doanh nghiệp, giảm 0,4%.
Mặt khác, ngankinh doanh bất động sản 3.618 doanh nghiệp, giảm 23,9%; vận tải, kho bãi 3.144 doanh nghiệp, giảm 6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 2.968 doanh nghiệp, giảm 21%; thông tin truyền thông 2.158 doanh nghiệp, giảm 4,2%; giáo dục và đào tạo 1.985 doanh nghiệp, giảm 15,4%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 747 doanh nghiệp, giảm 8,7%...
Trong 7 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 32,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 41,5% so với cùng kì năm trước; 21,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 12,2%; 8,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,5%, trong đó có 7,9 nghìn doanh nghiệp có qui mô vốn dưới 10 tỉ đồng, giảm 5,1%; 138 doanh nghiệp có qui mô vốn trên 100 tỉ đồng, tăng 4,5%.
Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy gần 3,3 nghìn doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo 1.012 doanh nghiệp; xây dựng có 779 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, 570 doanh nghiệp...