Sau 6 tháng đầu năm 2020, những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 dường như đã bắt đầu lộ rõ hơn đối với lĩnh vực ngân hàng. Nếu như trong 3 tháng đầu năm 2020, số lượng nhân viên tại các ngân hàng nhích nhẹ 0,1% so với cuối năm trước thì tới cuối tháng 6, con số này tại 27 ngân hàng đã giảm gần 3.700 người, tương ứng giảm 1,5%.
Có thể càng thấy rõ hơn sự khác biệt khi trong cùng kì năm trước khảo sát tại các ngân hàng cho thấy số lượng nhân viên đã tăng 12% so với cuối năm 2018 và nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng hai con số.
Theo thống kê trong 27 ngân hàng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí II có 13 ngân hàng cắt giảm nhân sự và 15 ngân hàng tiếp tục tuyển dụng thêm.
Trong đó, ngân hàng có sự điều chỉnh mạnh nhất là VPBank với việc cắt giảm hơn 4.200 nhân viên, giảm 15,6% so với cuối năm trước. Tiếp đó là các ngân hàng như MB giảm 722 người; Sacombank giảm gần 600 người; HDBank giảm 431 người, Eximbank giảm 403 người; VietinBank gần 300 người;...
Những ngân hàng cắt giảm nhân sự trong nửa đầu năm 2020
Tại VPBank, phần lớn sự cắt giảm là tại mảng tài chính tiêu dùng, nơi chiếm giữ phần lớn nhân sự của ngân hàng. Nếu chỉ xét riêng ngân hàng mẹ, số lượng nhân viên chỉ giảm từ 9.436 người về 9.149 người, tương đương cắt giảm 287 nhân viên (giảm 3%).
Việc cắt giảm nhân sự tại mảng này là điều dễ hiểu đối với VPBank bởi vì tín dụng tiêu dùng là mảng được nhiều chuyên gia nhận định sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19 khi sức tiêu dùng và thu nhập của người dân sẽ sụt giảm.
Mặc dù lãnh đạo ngân hàng vẫn xác định đây là một trong những phân khúc trọng tâm của VPBank nhưng rủi ro nợ xấu, nợ khó thu hồi khiến cho ngân hàng cần phải thận trọng hơn trong việc phát triển tín dụng từ mảng này, đồng thời tập trung sâu hơn vào việc quản lí chất lượng tín dụng.
Sacombank cũng là một ngân hàng xác định rõ mục tiêu cắt giảm chi phí, nhân viên để tối ưu chi phí trong năm 2020. Cho biết tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết trong 5 tháng đầu năm trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sacombank đã cắt giảm 2,5% nhân viên và sẽ tiếp tục tái cơ cấu nhân sự, đầu tư công nghệ.
Vào cuối tháng 6, số lượng nhân viên của Sacombank đã giảm về hơn 18.600 người, giảm 3,1% so với đầu năm.
Trái ngược với xu hướng cắt giảm nhân viên nói trên, một số ngân hàng khác lại tiếp tục tuyển thêm người. Vietcombank đã có thêm 1.167 nhân viên; TPBank có thêm 791 nhân viên, Nam A Bank và VIB đều tăng thêm hơn 300 nhân viên trong 6 tháng đầu năm.
Vietcombank với vị thế ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận, ngân hàng từng tuyên bố sẽ tuyển dụng thêm hơn 2.200 nhân viên trong năm nay, đồng thời tăng tỉ lệ chi phí lương trên lợi nhuận trước thuế chưa bao gồm lương năm 2020 từ 27% lên 37%.
Ngân hàng cho biết việc tuyển dụng thêm nhằm đáp ứng kế hoạch mở rộng mạng lưới, tăng 12% qui mô nhân sự và tăng thêm 5 chi nhánh trong năm 2020.
Chia sẻ với cổ đông tại đại hội thường niên vào cuối tháng 5, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết sẽ không tuyển dụng thêm nhân sự, không tăng lương cho nhân viên trong năm 2020. Đồng thời, cần tăng năng suất lao động của nhân viên để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Tính tới cuối tháng 6, số lượng nhân sự tại TPBank đã tăng thêm 791 người, tăng gần 13% so với cuối năm trước, là ngân hàng có tỉ lệ tăng nhân viên cao nhất trong số 27 ngân hàng khảo sát.
Những ngân hàng tăng nhân sự trong nửa đầu năm 2020
Một điểm đáng chú ý là mặc dù số lượng nhân viên giảm trong nửa đầu năm nhưng tổng chi phí dành cho nhân viên của các ngân hàng vẫn tăng tới hơn 8,4% so với cùng kì năm ngoái với hơn 37.800 tỉ đồng. Trong 27 ngân hàng khảo sát chỉ có 7 nhà băng giảm chi phí này.
Những ngân hàng tăng chi nhiều nhất cho nhân viên có thể kể đến như VIB (tăng 51,7%); ACB (tăng 35%); Techcombank (tăng 25,3%); SCB (tăng 23,5%); MSB (tăng 22,8%);...
Trong khi đó, PG Bank là ngân hàng cắt mạnh tay các khoản chi cho nhân viên nhất giảm tới hơn 46% từ 149 tỉ đồng về 80 tỉ đồng. Tiếp đó là OCB (11,9%) và NCB (10,3%), còn lại đều giảm không đáng kể dưới 10% so với cùng kì năm trước.
Mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng đã tiếp tục nhấn mạnh việc cắt giảm chi phí là một trong những nhiệm vụ của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2020.
Theo đó, Thống đốc yêu cầu các TCTD cần tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới. Qua đó, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.