Chim bồ câu từng là một phương tiện liên lạc hữu dụng và đáng tin cậy của con người. Ảnh: Andreas Trepte/Wikimedia |
Lịch sử của loài người từng ghi lại việc Thành Cát Tư Hãn dùng bồ câu đưa thư để nắm bắt tình hình tại những vùng đất xa xôi do mình chiếm đóng. Trước đó vào thời Hy Lạp cổ đại, bồ câu là phương tiện để thông báo những sự kiện quan trọng như Olympic. Series phim truyền hình giả tưởng nổi tiếng như Trò chơi vương quyền cũng không quên sử dụng chi tiết dùng bồ câu hoặc quạ đưa thư để tăng tính chân thật.
Trên thực tế, những "bưu cục bồ câu" vẫn còn hoạt động tại Ấn Độ cho đến tận năm 2002.
Vậy tại sao những chú chim bé nhỏ này lại có khả năng đưa thư đặc biệt ấy?
Phương thức liên lạc sớm nhất của con người chính là nhờ vào những người đưa thư trên lưng ngựa. Tuy nhiên, điều này lại đem đến nhiều phiền toái như tai nạn, mất mát thư từ, chưa kể việc nội dung thư có thể bị đọc lén. Do đó, người ta cần có một hình thức thông tin mới nhanh và đáng tin cậy hơn.
3.000 năm về trước, những chú bồ câu bắt đầu được sử dụng vào mục đích này sau khi con người khám phá ra khả năng nhận biết đường đi và đường về kỳ diệu của chúng. Ngay cả khi bồ câu bay xa hàng dặm để săn bắt và tìm kiếm thức ăn theo mọi hướng, chúng vẫn có khả năng trở lại đúng tổ của mình. Hơn nữa, sử dụng bồ câu để liên lạc mang đến nhiều lợi ích khác như dễ săn bắt, sinh sản nhanh và tương đối dễ huấn luyện.
Một số giả thuyết cho rằng bồ câu có khả năng đọc từ trường của Trái đất để định vị. Ảnh: Andrey VP/Shutterstock |
Lúc đó, con người tin rằng bồ câu đưa thư được dạy bay về “nhà” từ những vị trí khác nhau dựa vào việc nhận khung cảnh thiên nhiên. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà khoa học nhận định loài chim đặc biệt này được tạo hoá ban cho khả năng nhận biết từ trường mạnh mẽ mà con người không có.
Đây là kỹ năng giúp nhiều loài động vật định vị và nhận biết đường hướng di chuyển dựa vào từ trường trái đất. Nhiều bằng chứng cũng cho thấy nhờ khả năng này mà bồ câu có thể bay theo hướng bắc-nam theo hai cực của trái đất chính xác hơn là từ đông sang tây.
Tương tự, theo John Hagstrum, một nhà địa chất học người Mỹ, chim bồ câu đưa thư sở dĩ giỏi xác định đường về như vậy là bởi chúng có thể nghe được những sóng âm vô cùng thấp ở mức 0.1 Hertz. Đây là sóng âm phát ra từ vỏ trái đất, đại dương và kể cả bầu khí quyển. Hagstrum nhận thấy vào thời kì khi những máy bay siêu thanh Concord còn hoạt động, chính những sóng âm của loại máy bay này đã gây nhiễu loạn việc định hướng của chim bồ câu tại Châu Âu, khiến chúng không thể tìm được đường về nhà.
Giả thuyết của Hagstrum tuy chưa thực sự giải thích tại sao bồ câu luôn trở về nơi xuất phát sau những chặng bay dài, nhưng cũng giúp lý giải tại sao trong một số trường hợp chúng lại bay lạc do nhiễu âm thanh.
Đến nay, vẫn chưa có lời giải thích khoa học xác đáng cho khả năng định vị thần kỳ của loài bồ câu. Ảnh: Africa Studio/Shutterstock |
Tuy nhiên theo một nghiên cứu kéo dài suốt 10 năm của những nhà nghiên cứu hành vi động vật tại Đại học Oxford, Anh, bồ câu đưa thư hiện nay không còn bay theo bản năng, dựa vào khả năng định vị, mà lại dựa vào hệ thống đường xá hiện đại.
“Điều này khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên”, báo Telegraph trích lời Giáo sư Tim Guilford, trưởng nhóm nghiên cứu.
“Chúng tôi nhận thấy rằng nếu bồ câu bay một chặng đường mới, chúng sẽ bay theo bản năng. Tuy nhiên nếu chặng đường ấy đã trở nên quen thuộc, chúng sẽ bay về nhà theo hệ thống đường xá, giống như chúng ta trở về nhà sau khi đi làm vậy. Bồ câu nhận biết đó sẽ là chặng đường dễ dàng hơn cả.”
Dù vẫn chưa ai có thể đưa ra câu trả lời thực sự, không ai có thể phủ nhận khả năng thần kỳ của những “công nhân” bưu chính nhỏ bé này. Bồ câu có thể giao thư mà không gặp bất cứ trở ngại nào về đường xá, tai hoạ thiên nhiên, gian dối hoặc những sai sót mà trước đây con người từng mắc phải.
Và nếu hệ thống Internet toàn cầu chưa xuất hiện, chắc hẳn chúng vẫn là một công cụ liên lạc hữu hiệu của loài người.
Dùng chim bồ câu vận chuyển lậu ma túy | |
Cảnh sát Ấn Độ bắt chim bồ câu mang thư đe dọa thủ tướng |