Cư dân Thanh Hà - Cienco 5 'khát' trường học, đất để xây trường hơn chục năm vẫn bỏ hoang

Việc cư dân thiếu trường học cho con em mình là tình trạng xảy ra nhiều năm nay tại không ít khu đô thị ở Hà Nội, trong đó có khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5.

Thừa trường tư, thiếu trường công

Được đầu tư xây dựng tại các phường Phú Lương, Kiến Hưng, quận Hà Đông và xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 có diện tích khoảng trên 400 ha. 

Nhiều cư dân tại khu đô thị phản ánh, trường tư rất nhiều nhưng quá ít trường công lập. Đến mỗi mùa tuyển sinh, các bậc phụ huynh lại "náo loạn" tìm trường cho con, nhất là vào lớp 1. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ dân chủ yếu cho con theo học tại các trường công lập như Mậu Lương, Cự Khê, Kiến Hưng (mầm non - tiểu học - THCS - THPT).

Gia đình có điều kiện có thể cho con theo học tại trường liên cấp Newton, Tuệ Đức, Victoria Thăng Long khoảng 7 - 8 triệu/tháng. Các trường này nằm rải rác quanh KĐT Thanh Hà, trong vòng từ 1 - 3 km.

Cư dân Thanh Hà - Cienco 5 'khát' trường học, đất để xây trường hơn chục năm vẫn bỏ hoang - Ảnh 1.

Khu đô thị Thanh Hà. (Ảnh: Di Linh).

Một phụ huynh sống tại KĐT chia sẻ: "Gia đình chúng tôi chuyển đến từ năm 2017, lúc đó chủ đầu tư cho xem dự án xây trường và hứa hẹn triển khai trong vòng 1 - 2 năm tới. Tôi rất mong chờ để cho con đi học gần, mà giờ chỗ đó vẫn chỉ là bãi đất hoang".

Người này cũng cho biết, đa số các hộ ở đây đều có kinh tế bình thường, nên cho con theo học ở Mậu Lương, Cự Khê. Nhưng ở đó đang quá tải, nên đầu vào ngày càng khó. 

"Bé lớn nhà tôi năm nay lên lớp 3, bé nhỏ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Cách đây ba năm xin cho con theo học tại Mậu Lương còn dễ, vì trường mới mở, bên khu Mipec Kiến Hưng còn vắng. Bây giờ riêng KĐT Thanh Hà 23 tòa, Mipec Kiến Hưng 26 tòa. 

Trường học ở Mậu Lương quá tải, xin khó vô cùng. Các con phải đi học "nhờ", trái tuyến, đầu vào khó. Bé lớn nhà tôi phải học xa tận 6 km, những hôm mữa bão, gió rét đến khổ."

Chuyển đến KĐT Thanh Hà được gần 5 năm, một người khác chia sẻ, quanh khu vực KĐT trường tư thì nhiều vô số kể, trường công lại thiếu trầm trọng. 

"Mầm non thì không lo, có thể học tư được vì có nhiều trường tư giá bình dân. Nhưng vào lớp 1 thì tôi hơi quan ngại, nhìn các mẹ "bầm dập" đi nộp hồ sơ cho con mà thấy nản. Hơn nữa, các trường công quanh đây cơ sở vật chất vẫn còn khá thiếu thốn, gia đình muốn cho các cháu theo học một môi trường tốt hơn. Nhưng các trường tư thục liên cấp như Newton, Tuệ Đức học phí lớp 1 đều 7 - 8 triệu/tháng, gia đình tôi không lo được", chị này cho biết.

Một phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay chia sẻ, ở KĐT Thanh Hà, trường Cự Khê, Mậu Lương là gần nhất nhưng quá tải. "Đúng tuyến còn không xin được thì làm sao tôi xin được trái tuyến ở Hà Nội?".

Sẽ sớm xây trường học tại 23 ô đất quy hoạch khu đô thị Thanh Hà

Khu đô thị mới Thanh Hà - Cienco 5 được chủ trương xây dựng từ năm 2008, do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư. Với mức dân số dự kiến rất đông, khoảng 34.333 người, khu đô thị này ngày càng có nhiều gia đình chuyển về sinh sống.

Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội khóa XV ban hành ngày 18/5 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã đề cập đến vấn đề trường học ở KĐT Thanh Hà.

Theo nội dung văn bản, cử tri đã có đề nghị thành phố chỉ đạo bàn giao 21 điểm trường công lập theo quy hoạch tại KĐT Thanh Hà cho huyện quản lý; đồng thời quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống các trường công lập để đảm bảo đủ trường, đủ lớp công lập cho học sinh tại KĐT Thanh Hà cũng như trên địa bàn xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.

Trả lời về vấn đề này, UBND thành phố cho biết sẽ giao Sở Kế hoạch - Đầu tư kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và đôn đốc việc bàn giao toàn bộ các ô đất quy hoạch xây dựng trường học các cấp, để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu cư dân theo quy định của pháp luật.

Cư dân Thanh Hà - Cienco 5 'khát' trường học, đất để xây trường hơn chục năm vẫn bỏ hoang - Ảnh 2.

Sẽ sớm xây trường học tại 23 ô đất quy hoạch ở KĐT Thanh Hà. (Ảnh: Di Linh).

Cụ thể, UBND thành phố có ý kiến rằng, Quyết định số 961 ngày 17/4/2008, Quyết định số 964 ngày 17/4/2008 của UBND tỉnh Hà Tây đã cho phép đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị mới Thanh Hà B - Cienco5 tại Hà Đông và huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

Trong đó tại mục 12, Điều 1 có nội dung "Các công trình được chuyển giao nhưng không hồi hoàn: Sau khi xây dựng xong, chủ đầu tư chuyển giao toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mặt bằng để xây dựng các công trình xã hội bao gồm: trụ sở hành chính, nhà văn hóa, trạm y tế, nhà trẻ mẫu giáo, trường học, bến xe, khu công viên cây xanh tạo cảnh quan cho chính quyền địa phương khai thác quản lý và sử dụng".

Ngoài ra, theo Quyết định số 3229 ngày 13/7/2015 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, tỷ lệ 1/500, trong đó đã xác định 23 ô đất quy hoạch xây dựng trường học, bao gồm 21 ô đất xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS, và hai ô đất xây dựng trường trung học phổ thông (THPT).

Cụ thể trường mầm non có 12 ô (ký hiệu: A1.2-NT01; A2.3-NT01; A2.6-NT01; A2.8-NT01; A2.8-NT02; BU-NT01; B1.2-NT01; BL3-NT01; B1.4-NT01; B2.1-NT01; B2 2-NT01; B2.3-NT01);

Trường tiểu học có 5 ô (ký hiệu: A2.4-TH01; A2.8-TH01; B1.4-TH01; B2.4-TH01; B3.1-TH01); Trường THCS có 4 ô (ký hiệu: A2.8-THCS01; A2.8-THCS02; B1.2- THCS01; B2.3-THCS01); Trường THPT có hai ô (ký hiệu: A2.7-THPT01; B2.5-THPT01).

Việc bàn giao đất xây dựng các công trình hạ tầng xã hội là điều kiện khi UBND tỉnh Hà Tây trước đây xem xét để giao nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Thanh Hà B - Cienco5.

Bên cạnh đó, trao đổi với Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Khánh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, giải pháp trước mắt huyện sẽ xin bổ sung chỉ tiêu với UBND huyện và báo cáo Sở GD&ĐT bổ sung chỉ tiêu đảm bảo 100% học sinh trên địa bàn Cự Khê được học các trường công lập của huyện Thanh Oai (nếu phụ huynh có nhu cầu). 

UBND huyện cũng đã đề xuất với Thường trực huyện uỷ, Thường trực HĐND xem xét cho phép xây dựng 3 cấp trường (Mầm non, Tiểu học, THCS) tại KĐT Thanh Hà. 

Năm nay, số trẻ 5 tuổi vào lớp 1 của địa bàn xã Cự Khê theo điều tra của nhà trường là 601 (DT1: 219; DT2: 14; DT3: 261). 

Về cơ sở vật chất trường Tiểu học Cự Khê được xây dựng từ lâu chỉ đáp ứng phục vụ cho khoảng 4000 - 5000 dân với số trẻ vào lớp 1 các năm chỉ khoảng 100 – 150 học sinh (trước khi có KĐT Thanh Hà). Hiện nay số phòng học là 19 , thiếu 5 phòng học và 12 giáo viên.

Cư dân Thanh Hà - Cienco 5 'khát' trường học, đất để xây trường hơn chục năm vẫn bỏ hoang - Ảnh 4.

Khu đô thị Ngoại giao đoàn. (Ảnh: Di Linh).

Những khu đô thị "khát" trường học

Theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 11 ngày 14/1/2013 của Chính phủ về phát triển đô thị và Nghị định số 99 ngày 20/10/2015 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một sô điều của Luật Nhà ở: Các dự án xây dựng khu đô thị và nhà ở phải đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trong đó bao gồm các trường học.

Trong văn bản số 2866 ngày 6/7/2020 của UBND TP Hà Nội về việc trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố, UBND thành phố cho biết, khi thực hiện quyết định chủ trương hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, UBND thành phố đã chỉ đạo nhà đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội, ưu tiên triển khai các công trình hạ tầng xã hội trước khi triển khai các công trình kinh doanh. 

Theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đất đai 2013, các dự án đều phải đảm bảo đầu tư theo hình thức ký quỹ. Nhà đầu tư chỉ được hoàn trả tiền ký quỹ khi dự án đã được thực hiện theo đúng tiến độ được chấp thuận.

Thực tế, tại Hà Nội, tình trạng chủ đầu tư xây dựng đô thị nhưng không xây trường học diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, nhiều khu đô thị đã hình thành được 10 - 15 năm nhưng trường học vẫn không có.

Đến năm 2020, TP Hà Nội đã tiến hành rà soát 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học.

Kết quả có 36 dự án được đầu tư xây dựng đảm bảo đồng bộ các công trình nhà trẻ, trường học với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch.

27 dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có tiến độ xây dựng nhà trẻ, trường học theo quy hoạch đảm bảo cùng tiến độ xây dựng nhà ở. 

Đơn cử như khu đô thị mới Định Công, khu đô thị Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì, KĐT Royal City, KĐT mới Văn Quán - Yên Phúc, KĐT sinh thái Vincom Vilage, KĐT Trung Yên, KĐT Việt Hưng, Sài Đồng,...

Cư dân Thanh Hà - Cienco 5 'khát' trường học, đất để xây trường hơn chục năm vẫn bỏ hoang - Ảnh 5.

Khu đô thị mới Đặng Xá, Gia Lâm. (Ảnh: Di Linh).

Tuy nhiên có nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm so với tiến độ xây dựng nhà ở.

Đơn cử như KĐT thành phố giao lưu, KĐT Ngoại giao Đoàn, KĐT mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), KĐT mới Phùng Khoang, dự án chức năng đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), KĐT Lê Trọng Tấn Geleximco, KĐT Văn Phú, Nam Cường (quận Hà Đông), khu chức năng đô thị Ao Sào (quận Hoàng Mai), KĐT mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì), KĐT mới Đặng Xá (Gia Lâm), KKĐT mới Tây Nam hồ Linh Đàm, Đại Kim - Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai), KĐT Đông Nam Trần Duy Hưng, Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy),...

Trong những năm qua, quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã đầu tư xây dựng một số trường học công lập còn thiếu trên địa bàn một số phường, xã.

Cụ thể: Huyện Thanh Trì xây dựng trường THCS Thị Trấn; thị xã Sơn Tây xây trường THCS Phú Thịnh; quận Thanh Xuân xây dựng trường THCS Thanh Xuân Trung; quận Nam Từ Liêm xây dựng trường mầm non Mỹ Đình 2, trường mầm non Cầu Diễn, trường THCS Mỹ Đình 1, trường THCS Cầu Diễn; quận Hà Đông xây dựng trường THCS Văn Quán; quận Bắc Từ Liêm đã xây dựng trường tiểu học, THCS Đức Thắng, và đang triển khai dự án đầu tư trường mầm non Đức Thắng, trường tiểu học, THCS Cổ Nhuế 1.