Kinh tế Singapore quí II sụt giảm tồi tệ hơn dự tính

Trong quý II, nền kinh tế Singapore đã giảm 42,9% so với quý trước, cho thấy tình trạng của nền kinh tế nước này tồi tệ hơn so với dự báo chính thức được công bố tháng trước.

Singapore hôm nay (11/8) cho biết nền kinh tế của họ suy giảm nhiều hơn dự kiến ban đầu và điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2020.

Bộ Thương mại và Công nghiệp báo cáo, trong quí II năm nay, nền kinh tế nước này đã giảm 42,9% so với quí trước. Số liệu mới được cập nhật cho thấy tình trạng nền kinh tế còn tồi tệ hơn so với dự báo chính thức được công bố tháng trước và xác nhận quốc gia Đông Nam Á này đã bước vào một suy thoái về mặt kĩ thuật.

Ước tính mới nhất dựa phần lớn vào dữ liệu từ tháng 4 và tháng 5 cho thấy nền kinh tế bị thu hẹp 41,2% trong quí II so với ba tháng trước đó.

So với cùng năm ngoái, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của "đảo quốc sư tử" này đã giảm 13,2% trong quí II. Điều này còn tồi tệ hơn so với ước tính trước đó khi cho rằng GDP giảm 12,6% trong quí II so với cùng kì năm trước.

Kinh tế Singapore quí II sụt giảm tồi tệ hơn dự tính - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore. (Ảnh: CNBC).

Hầu hết các mảng chính của nền kinh tế Singapore phải đóng cửa từ đầu tháng 4 khi nước này tiến hành phong tỏa một phần đất nước để kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19. Một số hạn chế bắt đầu được nới lỏng từ đầu tháng 6, cho phép hầu hết nền kinh tế mở cửa trở lại.

"Sự sụt giảm GDP là do các biện pháp giãn cách xã hội, được thực hiện từ 7/4 đến 1/6 để kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19 ở Singapore. Thêm vào đó, nhu cầu bên ngoài yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái vì dịch bệnh cũng là nhân tốt góp phần vào sự suy thoái này", Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết.

Hiện có hơn 55.000 trường hợp nhiễm Covid-19 được xác nhận tại quốc gia này và 27 trường hợp tử vong liên quan tới dịch bệnh, theo dữ liệu của Bộ Y tế.

Tuy hầu hết các ca mắc đã phục hồi nhưng tới ngày 10/8, Bộ Y tế Singapore cho biết vẫn còn 5.656 trường hợp dương tính với virus corona.

Trong khi đó, số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp cho thấy việc giãn cách xã hội đã khiến toàn bộ các hoạt động xây dựng bị tạm dừng trong quí II, dẫn tới lĩnh vực này sụt giảm 59,3% so với cùng kì năm trước. Bộ cho biết đợt bùng phát dịch bệnh tại khu nhà ở của những người lao động nhập cư, phần lớn những người này làm trong ngành xây dựng, đã khiến khó khăn trong lĩnh vực này càng gia tăng.

Dưới đây là báo cáo của các ngành khác trong quí II:

Sản xuất giảm 0,7% so với cùng kì năm trước.

Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 41,4%.

Vận tải và lưu kho giảm 39,2%.

Thương mại bán buôn và bán lẻ giảm 8,2%.

Riêng lĩnh vực tài chính và bảo hiểm tăng 3,4% so với cùng kì năm trước, đánh dấu lĩnh vực duy nhất ghi nhận sự tăng trưởng.

Điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020

Trước tình hình không mấy khả quan, Bộ Thương mại và Công nghiệp đã phải điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm của mình. Theo đó, bộ này cho rằng nền kinh tế Singapore sẽ suy giảm 5-7% trong năm nay thay vì mức 4-7% được đưa ra trước đó.

Bộ cho biết: "Triển vọng nền kinh tế Singapore đã suy yếu nhẹ kể từ tháng 5".

Bộ đưa ra ba lí do dẫn đến triển vọng xấu đi:

Thứ nhất, môi trường kinh tế bên ngoài khó khăn đè nặng lên các lĩnh vực như vận tải, kho bãi, cũng như thương mại và buôn bán.

Thứ hai, việc mở cửa lại các biên giới quốc tế lâu hơn dự kiến đã gây áp lực cho các ngành phụ thuộc vào du lịch và lữ hành.

Thứ ba, các ngành phụ thuộc vào lao động nước ngoài mất nhiều thời gian hơn dự kiến để hoạt động trở lại. Những người lao động này chiếm hơn 90% các trường hợp được xác nhận dương tính với Covid-19 tại Singapore.

Tuy nhiên, cũng có một số điểm sáng trong nền kinh tế Singapore, trong đó có nhu cầu lớn hơn với chất bán dẫn hay lĩnh vực sản xuất y sinh cũng dự kiến sẽ tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, Bộ cũng cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn bất chắc trong thời gian tới.

"Ngay cả khi dự báo tăng trưởng được thu hẹp, vẫn tồn tại sự không chắc chắn lớn nhất là tình hình Covid-19 sẽ diễn tiến như thế nào trong những quí tới và những tác động của nó đối với sự phục hồi kinh tế trong nước và trên toàn cầu", Bộ Thương mại và Công nghiệp nhận định.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.