Kinh tế trưởng MBS: Vĩ mô tốt chưa chắc đầu tư sẽ tốt, đầu tư kiếm lời trong năm 2021 sẽ khó hơn năm 2020

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng của MBS nhận định rằng kinh tế vĩ mô năm 2021 chắc chắn sẽ tốt, nhưng kinh tế vĩ mô tốt chưa chắc đầu tư sẽ tốt. Việc đầu tư kiếm lời trong năm sau sẽ khó hơn năm nay. Tâm trạng của các nhà đầu tư đều hưng phấn đồng nghĩa rủi ro đang tăng cao.

"Vĩ mô tốt chưa chắc đầu tư sẽ tốt, đầu tư kiếm lời năm 2021 sẽ khó hơn năm 2020"

Chiều nay (17/12), Chứng khoán MB (MBS) tổ chức MBS Talk với chủ đề cơ hội vàng thời chứng khoán. Đánh giá về triển vọng chứng khoán Việt Nam năm 2021, bộ phận phân tích của MBS cho rằng thị trường bước vào giai đoạn tăng tốc.

Cơ sở để MBS đưa ra nhận định trên đó là xu thế tăng dài hạn theo năm được xác lập trong chu kỳ 20 năm vừa qua. Thanh khoản thị trường tăng nhờ dòng tiền mới, số lượng tài khoản mở mới tăng đạt gần mức đỉnh. Cùng với đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang hồi phục trên hầu hết các ngành.

Về câu chuyện nâng hạng thị trường, trong kịch bản lạc quan, MBS kỳ vọng FTSE sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vào kỳ đánh giá thường niên vào tháng 9/2021 và chính thức từ tháng 3/2022. MSCI có thể đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ kỳ đánh giá tháng 6/2022.

Sâu hơn về kịch bản của VN-Index trong năm 2021, MBS dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 so với bình quân năm 2020 là 16,7%. Kịch bản cơ sở được công ty chứng khoán này đưa ra là VN-Index dao động trong khoảng 965 – 1.165 điểm (tương đương mức P/E bình quân khoảng 14,94 lần).

Với kịch bản lạc quan, tăng trưởng EPS năm 2021 dự báo có thể đạt 19,4%. Với kịch bản này, MBS dự báo VN-Index dao động trong khoảng 995 – 1.230 điểm trong năm 2021.

Tại sự kiện, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment đưa ra đánh giá mức định giá của thị trường. Theo đó, năm 2021 các doanh nghiệp sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại, nếu thị trường ổn định thì P/E sẽ giảm xuống. Với nền lãi suất thấp như hiện nay, thì P/E là không cao, là mức chấp nhận được cho việc đầu tư.

Về vĩ mô trong năm 2021, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng của MBS cho rằng: "Kinh tế vĩ mô năm 2021 chắc chắn sẽ tốt, nhưng kinh tế vĩ mô tốt chưa chắc đầu tư sẽ tốt, việc đầu tư kiếm lời trong năm 2021 sẽ khó hơn năm 2020. Tâm trạng của các nhà đầu tư đều hưng phấn đồng nghĩa rủi ro đang tăng cao."

Kinh tế trưởng MBS: Vĩ mô tốt chưa chắc đầu tư sẽ tốt, đầu tư kiếm lời trong năm 2021 sẽ khó hơn năm 2020 - Ảnh 1.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng của MBS. Ảnh: Lợi Hoàng.

Mua cổ phiếu gì cho năm 2021?

Dựa trên những nhận định trên, bộ phận phân tích của MBS đưa ra chiến lược đầu tư năm 2021. Theo đó, nhà đầu tư nên tập trung ưu tiên nhóm cổ phiếu đầu ngành lớn, được hưởng lợi từ đà hồi phục của nền kinh tế và sức mua tiêu dùng trong nước, hưởng lợi từ đầu tư công, định giá còn hấp dẫn.

Nói rõ hơn về các chủ đề đầu tư, theo ông Trần Hoàng Hơn, Giám đốc nghiên cứu của MBS, nhà đầu tư có thể để ý đến một số nhóm ngành mà tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Đơn cử, cổ phiếu có yếu tố chu kỳ, được hưởng lợi từ đầu tư công sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong năm 2021. Nền tảng cơ bản của các cổ phiếu tốt so với ngành ví dụ như ngành thép khi giá thép thế giới tăng tương đối tốt và dự trữ thép của Trung Quốc đang giảm.

Tại nhóm ngân hàng, ông Sơn cho rằng các ngân hàng đang cơ cấu lại các khoản nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. NĐT có thể tập trung vào những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, chất lượng tăng trưởng khá và tập trung vào mảng dịch vụ.   

Những rào cản đối với TTCK Việt Nam

Trong báo cáo nghiên cứu, bộ phận phân tích của MBS chỉ ra một số rào cản đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Đơn cử, giới hạn quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOLs) là vấn đề phổ biến trong câu chuyện nâng hạng thị trường khi các nhà quản lý quỹ thường đánh giá thấp các thị trường có giới hạn quyền sở hữu nước ngoài và hạn chế "room" ngoại đối với những cổ phiếu và ngành nghề trọng yếu.

Hệ thống vận hành thị trường liên quan đến hoạt động thanh toán, bù trừ và lưu ký hiện đang hạn chế do không có đối tác bù trừ trung tâm cho thị trường cổ phiếu. Bên cạnh đó, yêu cầu tỷ lệ ký quỹ thanh khoán 100% (tức là phải có đủ 100% tiền tại thời điểm đặt mua cổ phiếu) là một điểm trừ đối với các nhà quản lý quỹ đầu tư nước ngoài khi họ không thể nắm giữ tiền ngoại tệ trong danh mục đầu tư.

Sang năm 2021, Luật Chứng khoán sửa đổi bắt đầu có hiệu lực được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những hạn chế trên TTCK Việt Nam, đặc biệt là vấn đề tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài. 

 Mặt khác, hệ thống thanh toán đối tác bù trừ trung tâm được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) kỳ vọng triển khai từ năm 2021 cho phép hoạt động giao dịch trong ngày (T 0) và hạ tỷ lệ ký quỹ thanh toán từ 100% xuống 10 – 20% có thể giúp nâng cao hiệu quả vận hành thị trường.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.