Lãi 387 tỉ đồng nửa đầu năm, VNG thoái dần vốn khỏi sàn thương mại điện tử Tiki

Trong quý II/2019, VNG đã thoái dần vốn khỏi Tiki từ tỉ lệ sở hữu 28,88% xuống còn 24,6%. Đáng chú ý, việc thoái vốn diễn ra trong bối cảnh sàn thương mại điện tử này đang ngày càng được đánh giá cao.

Công ty CP VNG vừa công bố báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2019. Ngoài việc thể hiện kết quả kinh doanh hợp nhất khả quan trong 6 tháng đầu năm, báo cáo cũng tiết lộ những động thái mới nhất của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam về các khoản đầu tư liên quan sàn thương mại điện tử Tiki.

Quý II/2019, VNG đã thoái 4,28% cổ phần tại Tiki 

VNG bắt đầu đầu tư vào Tiki từ tháng 2/2016. Thời điểm đó, Tiki là công ty cổ phần, hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tính đến chốt kì báo cáo quý II/2019, VNG đang nắm 24,6% quyền sở hữu và quyền biểu quyết tại Tiki.

tiki

VNG đã thoái 4,28% cổ phần tại Tiki trong quý II/2019, còn lại 24,6% quyền sở hữu và quyền biểu quyết tại Tiki. (Ảnh: Tiki).

Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ trong quý II/2019 cũng cho biết thêm, tổng giá trị đầu tư của VNG vào Tiki hiện là 506 tỉ đồng. Đặc biệt, báo cáo tài chính này cũng tiết lộ tỉ lệ sở hữu của VNG tại Tiki vào đầu năm nay là 28,88%, cao hơn mức hiện tại đến hết tháng 6.

Trong khi đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019, VNG công bố hồi cuối tháng 4, tỉ lệ sở hữu tại Tiki cũng không thay đổi, tức 28,88%. 

Như vậy, trong quý II, VNG đã thoái bớt 4,28% tỉ lệ sở hữu tại sàn thương mại điện tử Tiki.

Thời gian qua, khoản đầu tư hàng trăm tỉ đồng của VNG vào Tiki đã nhận được nhiều sự chú ý, đặc biệt là từ cổ đông. Tại đại hội diễn ra cuối tháng 5, nhiều cổ đông đã "sốt ruột" khi VNG đầu tư hàng trăm tỉ vào Tiki nhưng sàn này vẫn thua lỗ kéo dài.

Tiki thua lỗ triền miên nhưng đang có dấu hiệu khởi sắc

Trong năm tài chính 2016-2017, Tiki lỗ lần lượt 179 và 282 tỉ đồng, khiến VNG cũng ghi nhận khoản lỗ tương ứng 93 và 126 tỉ đồng. Năm 2018, khoản lỗ mà VNG phải gánh giùm Tiki tăng gấp đôi, lên 254 tỉ đồng. 

Tính đến hết năm 2018, tổng lỗ lũy kế của Tiki đang ở con số "khủng" 1.300 tỉ đồng, và đang trong cuộc chiến "đốt tiền" với hàng loạt sàn thương mại điện tử khác như Lazada, Shopee, Sendo…

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-01 lúc 18

Tiki đang duy trì lượng truy cập đứng thứ 2 trong nhiều quý, sàn Lazada lại đang có dấu hiệu đuối sức. (Nguồn: iPrice Insights - Đồ hoạ: Phúc Minh).

Tuy nhiên, trả lời cổ đông, lãnh đạo VNG cho rằng các khoản đầu tư hiện nay, gồm cả đầu tư vào sàn Tiki, vẫn tốt và tăng giá trị. Theo ban lãnh đạo, các quyết định đầu tư của công ty vốn được cân nhắc rất kĩ lưỡng, bởi VNG chỉ nhắm vào các công ty có cùng lĩnh vực Internet.

Đáng chú ý, dù lỗ nhưng Tiki đang được đánh giá cao trên thị trường thương mại điện tử. 

Theo số liệu cập nhật mới nhật từ "Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam", do iPrice Insights thực hiện, Tiki đang là 1 trong hai sàn thương mại điện tử dẫn đầu về tỉ lệ khách hàng truy cập website trong quý II/2019, với 33,7 triệu lượt truy cập mỗi tháng.

Tiki bắt đầu vượt mặt Lazada từ cuối quý IV/2018, và giãn dần khoảng cách với sàn này. Lazada đang tỏ ra "đuối sức" trong cuộc đua đốt tiền vào thương mại điện tử, thậm chí, tỉ lệ truy cập của Sendo cũng đang tiệm cận Lazada.

Công ty mẹ lỗ hơn trăm tỉ nhưng sau hợp nhất vẫn lãi lớn

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của VNG cho biết doanh nghiệp đang tiếp tục kinh doanh hiệu quả, với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, nếu xét báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ, "kì lân" công nghệ này đang có khoản lỗ hơn trăm tỉ.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng, doanh thu thuần quý II của VNG đạt 953 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, hầu hết chi phí đều tăng mạnh khiến mức tăng trưởng doanh thu của VNG không thể tạo ra lợi nhuận trong quý.

doanh-thu-tu-nganh-game-viet-nam-se-can-dich-ty-do-neu-dam-roi-ao-lang1494778058

Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ cho biết VNG lỗ hơn 100 tỉ trong quý II/2019. (Ảnh: VNG).

Chi phí tài chính tăng 2,75 lần, lên 99 tỉ đồng; chi phí bán hàng tăng 47 tỉ đồng, lên 170 tỉ đồng; chi phí quản lí doanh nghiệp tăng 40 tỉ đồng; chi phí khác cũng tăng 11 tỉ so với cùng kì. Trong khi đó, khoản lỗ khác cũng tăng mạnh từ 2,9 tỉ đội lên thành lỗ 13,4 tỉ đồng.

Kết quả, chỉ riêng quý II, công ty mẹ lỗ trước thuế 110 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái lãi được 21 tỉ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của VNG lại ghi nhận kết quả kinh doanh rất tích cực.

Doanh thu thuần hợp nhất quý II đạt 1.303 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kì. Tổng lợi nhuận trước thuế trong quý II đạt 211 tỉ, tăng 65 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 45% từ con số 146 tỉ của cùng kì năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của VNG đạt 2.524 tỉ đồng, trong khi cũng kì là 2.066 tỉ, tăng 22%. Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng 23 tỉ đồng. Đặc biệt, phần lỗ từ các công ty liên kết đã sụt giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm, chỉ còn lỗ 28 tỉ, trong khi cùng kì là 99 tỉ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-01 lúc 18

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, VNG đạt 387 tỉ lợi nhuận trước thuế, đạt 55% chỉ tiêu năm nay. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Ngoài ra, chi phí sau hợp nhất cũng không nhiều biến động so với cùng kì, khiến VNG đạt lợi nhuận trước thuế 387 tỉ đồng. Cùng kì năm ngoái, lãi trước thuế của VNG là 308 tỉ đồng, như vậy, năm nay, "kì lân" này đã tăng trưởng 26% về lãi trước thuế.

Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, VNG còn lãi sau thuế 315 tỉ đồng.

Với kết quả kinh doanh này, VNG đã hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 55% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của VNG đang ở mức 5.764 tỉ đồng, tăng 18% so với cuối năm ngoái. Trong đó, tài sản dở dang dài hạn cho dự án VNG Campus trị giá 335 tỉ đồng, tăng 37% so với cuối năm.

Định hướng của VNG trong năm nay là tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng, gồm Zalo và các sản phẩm truyền thông. Trong đó, ưu tiên phát triển ZaloPay, hỗ trợ hoạt dộng đầu tư vào thương mại điện tử.

Đồng thời, HĐQT cũng tiếp tục chỉ đạo Ban Tổng giám đốc tập trung triển khai các dự án đã đề ra, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án VNG Campus, phát triển các dự án, cơ hội đầu tư liên quan đến các sản phẩm thế mạnh về Zalo, ZaloPay và thương mại điện tử.