VNG chi tiền khủng mua bảo hiểm cho sếp sau khi ‘đốt tiền’ vào sàn Tiki

Năm nay, VNG quyết định chi tiền lớn mua bảo hiểm cho HĐQT và Ban Tổng giám đốc, vì phải đối diện trước nhiều áp lực, trách nhiệm pháp lí.

Chi 600 triệu mua bảo hiểm trách nhiệm cho sếp

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty CP VNG thông qua chương trình mua bảo hiểm trách nhiệm cho cấp lãnh đạo và cấp quản lí của công ty.

VNG chi tiền khủng mua bảo hiểm cho sếp sau khi ‘đốt tiền’ vào sàn Tiki - Ảnh 1.

VNG chi 600 triệu mua bảo hiểm cho lãnh đạo chủ chốt trong năm 2019. (Ảnh: VNG).

HĐQT VNG cho biết thực tế mỗi quyết định của HĐQT và Ban Tổng Giám đốc đều có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công ty. Với mỗi quyết định đưa ra, các thành viên HĐQT và Ban Tổng Giám đốc đều phải đối diện với nhiều áp lực, gánh vác trách nhiệm pháp lí trước cổ đông, công ty và pháp luật.

Vì vậy, quyết định mua bảo hiểm trách nhiệm cho cấp quản lí của VNG nhằm phòng tránh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Theo đó, cổ đông VNG đã chấp thuận việc mua bảo hiểm trách nhiệm cho HĐQT và Ban Tổng Giám đốc, với tổng phí bảo hiểm tối đa 600 triệu đồng/năm, cho hạn mức 460 tỉ đồng/năm.

Tiki lỗ luỹ kế 1.300 tỉ đồng

Tại đại hội, các cổ đông cũng quan tâm nhiều đến khoản đầu tư của VNG vào sàn thương mại điện tử Tiki, bởi sau nhiều năm vẫn chịu cảnh thua lỗ, thậm chí lên đến hàng trăm tỉ đồng. Hiện VNG là một trong số những cổ đông lớn của Tiki, nắm hơn 28% cổ phần tại đây.

Trả lời cổ đông, ban lãnh đạo VNG cho biết các khoản đầu tư hiện nay, gồm cả đầu tư vào sàn Tiki, vẫn tốt và tăng giá trị. Theo ban lãnh đạo, các quyết định đầu tư của công ty vốn được cân nhắc rất kĩ lưỡng, bởi VNG chỉ nhắm vào các công ty có cùng lĩnh vực Internet.

VNG chi tiền khủng mua bảo hiểm cho sếp sau khi ‘đốt tiền’ vào sàn Tiki - Ảnh 2.

Hiện tổng lỗ luỹ kế của Tiki đã lên con số hơn 1.300 tỉ đồng. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Năm 2016, VNG rót 364 tỉ đồng đầu tư vào Tiki. Đến đầu năm 2018, con số đầu tư của "ông lớn" công nghệ Việt Nam vào Tiki lên đến 506 tỉ đồng.

Thực tế, ngoài VNG, Tiki còn có một cổ đông lớn khác đến từ công ty công nghệ Trung Quốc JD.com. 

Dù được đầu tư tiền khủng nhưng Tiki đã nhanh chóng "đốt" hết số tiền này, thậm chí liên tục ghi nhận thua lỗ vì cuộc chiến của các sàn thương mại điện tử.

Năm tài chính 2016-2017, Tiki lỗ lần lượt là 179 và 282 tỉ đồng, khiến VNG cũng ghi nhận khoản lỗ tương ứng 93 và 126 tỉ đồng

Năm 2018, khoản lỗ mà VNG phải gánh giùm Tiki tăng lên gấp đôi, lên 254 tỉ đồng. 

Hiện tổng lỗ luỹ kế của Tiki đã lên con số hơn 1.300 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính của VNG cho biết, đến cuối năm 2018, giá trị còn lại của khoản đầu tư vào Tiki là 33 tỉ đồng. Đến hết quý I/2019 là 20,7 tỉ đồng.

Lợi nhuận VNG năm 2018 giảm mạnh so với năm 2017

Kết thúc năm tài chính 2018, doanh thu VNG đạt 4.317 tỉ đồng và chỉ thực hiện được 86% kế hoạch 5.000 tỉ đã đặt ra trước đó. Với kết quả kinh doanh này, lợi nhuận của "kì lân" công nghệ Việt Nam cũng mạnh từ con số 1.158 tỉ đồng, xuống còn 433 tỉ đồng, tức giảm đến 65%.

Trong năm 2019, VNG đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 5.627 tỉ và 568 tỉ đồng.

Định hướng của VNG trong năm nay là tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng, gồm Zalo và các sản phẩm truyền thông. Trong đó, ưu tiên phát triển ZaloPay, hỗ trợ hoạt dộng đầu tư vào thương mại điện tử.

Đồng thời, HĐQT cũng tiếp tục chỉ đạo Ban Tổng Giám đốc tập trung triển khai các dự án đã đề ra, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình dự án VNG Campus, đồng thời tìm kiếm, phát triển các dự án, cơ hội đầu tư liên quan đến các sản phẩm thế mạnh về Zalo, ZaloPay và thương mại điện tử.

Năm 2019, VNG cũng quyết định thay đổi địa chỉ trụ sở công ty từ nơi hiện tại là quận 11, TP HCM về khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP HCM). Thời điểm thay đổi địa chỉ trụ sở dự kiến thực hiện trong quý IV năm nay hoặc đầu năm sau. Thời điểm cụ thể do Chủ tịch HĐQT quyết định.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.