Công ty cổ phần VNG mới có văn bản báo cáo Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc hoàn tất một đợt chào bán cổ phiếu quỹ.
Cụ thể, VNG đã bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu. Mức giá này cao hơn 75%, tương đương co hơn 800.000 đồng mỗi cổ phiếu so với mức giá tối thiểu 1.061.000 đồng mà Đại hội đồng cổ đông của công ty đã thông qua vào đầu năm nay.
Seletar Investments, công ty trực thuộc Tập đoàn Temasek (Singapore), đã rót 660 tỉ đồng từ việc mua gần 356.000 cổ phiếu quĩ của VNG.
Giao dịch được thực hiện thông qua CTCP Chứng khoán SSI. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu quỹ VNG hiện còn 7.108.262 cổ phiếu.
Nhà đầu tư mua vào là Seletar Investments, công ty trực thuộc Tập đoàn Temasek của Singapore. Sau giao dịch, Seletar nắm giữ 1,74 triệu cổ phiếu, tương đương 6,35% lượng cổ phiếu VNG đang lưu hành.
Tổng số tiền VNG thu được trong đợt chào bán này vào khoảng hơn 660 tỉ đồng.
VNG từng cho biết sẽ dùng tiền bán được làm vốn lưu động để mở rộng và phát triển thị trường trong và ngoài nước, góp vốn, đầu tư hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực hoạt động nhằm phát triển sản phẩm và củng cố thị phần.
Hiện VNG đã phát hành hơn 34,5 triệu cổ phần, tương ứng vốn điều lệ hơn 345 tỉ đồng. Nếu tính theo giá trung bình mà Seletar Investments vừa mua, VNG sẽ được định giá khoảng 64,2 nghìn tỉ đồng, tương đương hơn 2,77 tỉ USD.
Tính đến cuối năm 2018, có 7 cổ đông ngoại đang nắm cổ phần tại VNG, với tổng sở hữu 47,89%. Trong đó, cổ đông ngoại lớn nhất là Tenacious Bulldog Holdings Limited với 22,99%. Hai cổ đông lớn khác gồm Gamvest và Prosperous Price Enterprises với lần lượt 8,14%, và 7,75%.
Công ty Singapore vừa mua cổ phiếu quỹ của VNG chỉ mới trở thành cổ đông tại đây từ cuối năm 2018, khi đó sở hữu 4,01% vốn điều lệ.
Ngoài ra, Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng tài chính - ông Shen Hao, và Giám đốc Phát triển doanh nghiệp của VNG - ông Loc Herron, đã không còn là cổ đông của công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam này.
Năm 2018, doanh thu của VNG đạt 4.304 tỉ đồng, chỉ tăng nhe so với năm 2017. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 347 tỉ đồng, giảm đi 2,7 lần so với năm trước đó, nguyên được cho là công ty chi nhiều tiền hơn cho hoạt động bán hàng.
Đáng chú ý, quí IV/2018, VNG báo lỗ hơn 40 tỉ đồng sau một thời gian dài ghi nhận lợi nhuận liên tục trăm tỉ.
VNG được xem là một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, với lĩnh vực kinh doanh đầu tiên là phát hành game online. Hiện đây cũng là ngành mang lại nhiều doanh thu và lợi nhuận cho VNG, bên cạnh một số mảng mới như mạng xã hội Zalo, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến…