Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công Thương) tiếp tục công bố thông tin về việc tiếp nhận, hỗ trợ những khiếu nại của người tiêu dùng trong tháng 9/2019.
Theo đó, trong tháng 9/2019, Cục này nhận được gần 700 phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về các dịch vụ cần được hỗ trợ. Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 9, tổng số phản ánh của người tiêu dùng gửi đến Cục Cạnh tranh là hơn 7.700 khiếu nại.
Nhóm hàng hóa, dịch vụ có tỉ lệ khiếu nại nhiều nhất trong tháng 9 năm 2019 là lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng với tỉ lệ chiếm đến 35%.
Các phản ánh, khiếu nại về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tiếp tục dẫn đầu trong tháng 9/2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Theo thống kê hàng năm của Cục Cạnh tranh, đây là năm đầu tiên nhóm tài chính, bảo hiểm, ngân hàng có tỉ lệ khiếu nại lớn hơn gấp nhiều lần so với các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại.
Đáng chú ý, trong số các khiếu nại liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, có đến 32% người tiêu dùng phản ánh về việc thông tin liên hệ của mình bị đơn vị thu hồi nợ tự động sử dụng để gọi điện, nhắn tin với mục đích quấy rối, đe dọa thu nợ.
Khẳng định với cơ quan chức năng, người tiêu dùng cho biết họ bị các đối tượng này điện thoại khủng bố dù không có khoản vay tại đơn vị liên quan.
"Nhiều trường hợp người tiêu dùng đã liên hệ đề nghị đơn vị liên quan xác minh và chấm dứt việc thu nợ nhầm nhưng không được giải quyết triệt để", Cục Cạnh tranh cho biết.
Cơ quan chức năng cho biết người tiêu dùng phản ánh các doanh nghiệp cung cấp thông tin không chính xác, gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các điều kiện giao dịch, ví dụ như chính sách đổi trả hàng hóa, thủ tục thanh lí hợp đồng trước hạn trong hợp đồng vay.
Nhiều trường hợp còn cho biết bị tung hình lên mạng để đe doạ đòi nợ. (Ảnh: PLO).
Theo phản ánh, do không để ý đến nội dung hợp đồng, chỉ nghe theo nội dung tư vấn của nhân viên nên đã kí hợp đồng. Đối với các trường hợp tranh chấp như vậy, khi giải quyết, việc căn cứ theo nội dung hợp đồng đã kí kết thường mang lại bất lợi cho người tiêu dùng.
Trước những khiếu nại về hiện tượng bị khủng bố vì những khoản nợ "trên trời rơi xuống", gần đây, Cục Cạnh tranh liên tục khuyến cáo người dân nên ưu tiên vay tại các công ty tài chính, ngân hàng đã được cấp phép bởi Ngân hàng nhà nước.
Trường hợp cần thiết phải vay tại các mô hình cho vay trực tuyến thì nên lựa chọn các công ty có website cụ thể, thông tin rõ ràng, đầy đủ địa chỉ công ty, số điện thoại… Cục Cạnh tranh khuyến cáo trước khi thực hiện vay, người tiêu dùng cần tham khảo các thông tin trên Internet, người thân, bạn bè để có thêm thông tin tham khảo về công ty cung cấp dịch vụ cho vay.
Đặc biệt lưu ý, khi thực hiện vay phải yêu cầu cung cấp hợp đồng để tìm hiểu trước khi kí và lưu trữ sau khi kí kết.
Sau nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, lĩnh vực có tỉ lệ khiếu nại tiếp theo là điện thoại, viễn thông với 25% và đồ điện tử gia dụng với 19%. Ở nhóm này, các khiếu nại nhiều nhất là đặt mua hàng qua các trang website thương mại điện tử nhưng hàng giao đến có chất lượng kém, không giống với quảng cáo.