Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của thông tư (số 43/2016/TT-NHNN) về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC), do Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, một trong những quy định đáng chú ý là các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ. Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua xảy ra tình trạng một số CTTC nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC, gây bức xúc dư luận.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính bổ sung thêm qui định về nhắc nợ, thu hồi nợ đối với khách hàng. (Ảnh: Dân trí).
Dự thảo đề xuất, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng phải trong khoảng 7 giờ đến 21 giờ; không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng; không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước bổ sung thêm cụm từ "người có liên quan" trong Dự thảo, để đảm bảo quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phải có nội dung về bộ phận chuyên trách và phương thức tiếp nhận, xử lí góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng và những người có liên quan khác đến hoạt động cho vay tiêu dùng của tổ chức này.
Dự thảo cũng quy định thêm việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng của CTTC cần tuân thủ quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng đối với khách hàng.
Cụ thể, CTTC giải ngân bằng tiền mặt cho bên thụ hưởng (bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ), hoặc chuyển tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng, trên cơ sở hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho khách hàng.
Với phương thức giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay, CTTC giải ngân bằng tiền mặt hoặc chuyển tiền vào tài khoản của khách hàng vay theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.